Ngành ô tô Việt Nam: Mơ lại “giấc mơ dang dở”

Ngành ô tô Việt Nam: Mơ lại “giấc mơ dang dở”

(ĐTCK) Ước mơ về ô tô nội “Made in Vietnam” tưởng chừng lụi tàn sau hơn 20 năm bỗng dưng nhen nhóm trở lại trong 2 năm gần đây. Vậy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những gì để đón chào “giấc mơ” ấy trở lại?

Hơn 20 năm trước: Từ ước vọng đến thất vọng

Ngành ô tô Việt Nam ra đời muộn so với khu vực, với liên doanh đầu tiên giữa ô tô Hòa Bình và Mekong Auto được thành lập năm 1992. Chính phủ khi đó đã đưa ra mục tiêu rất rõ ràng là sẽ tập trung tạo ra một ngành công nghiệp sản xuất có hàm lượng hiện đại hóa cao, tận dụng công nghệ từ các đối tác nước ngoài nhằm phát triển hạ tầng phụ trợ trong nước, qua đó từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên 50 - 60% sau 10 - 15 năm.

Sau 20 năm phát triển, thành tựu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không có nhiều, nếu không muốn nói là quá ít so với tiềm năng. Một thị trường hơn 90 triệu dân nhưng quy mô ngành công nghiệp ô tô chỉ ở mức 300.000 xe mỗi năm, trong khi Thái Lan với dân số chưa tới 70 triệu người có thể sản xuất gấp 7 lần Việt Nam.

Ðề án của Chính phủ đã thất bại từ khi các liên doanh nước ngoài không tiến hành đầu tư cho hệ thống công nghiệp phụ trợ, mà dựa hoàn toàn vào linh kiện nhập khẩu từ các tập đoàn mẹ. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Việt Nam chỉ ở mức dưới 15% (một vài trường hợp ngoại lệ như Toyota Innova).

Ngành ô tô Việt Nam: Mơ lại “giấc mơ dang dở” ảnh 1

Thị phần các nhà sản xuất ô tô Việt Nam năm 2018.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 20 đơn vị lắp ráp ô tô, song chỉ có 84 doanh nghiệp phụ trợ cấp 1 (cơ khí, điện tử, hóa chất) và 145 doanh nghiệp phụ trợ cấp 2, trong khi các con số này ở Thái Lan lần lượt là 17.700 và 1.700.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, ô tô trước đây vẫn là một mặt hàng xa xỉ phẩm, nằm ngoài tầm với của đại bộ phận dân chúng. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước nghèo từ đầu thập kỷ 2010, trong khi hạ tầng giao thông chỉ được tăng cường phát triển trong thời gian gần đây, nên sự chậm phát triển của ngành công nghiệp ô tô phần nào có thể lý giải được.

Ngành ô tô Việt Nam: Mơ lại “giấc mơ dang dở” ảnh 2

Tương quan quy mô nền công nghiệp ô tô Việt Nam với các nước ASEAN .

Kỳ vọng mới: Từ THACO tới VinFast

THACO vốn dĩ không phải đơn vị nội địa đầu tiên sản xuất ô tô. Trước đây, các nhà máy cơ khí nhà nước đã tiến hành lắp ráp nhiều loại xe thương mại (xe tải, xe khách, xe ben). Ðiều khiến THACO trở nên nổi bật chính là từ vị thế của một doanh nghiệp tư nhân. Ðể tham gia vào ngành công nghiệp ô tô vốn dĩ không đơn giản và THACO đã chọn hướng đi phù hợp nhất có thể, đó là bắt đầu với các dòng xe thương mại để kiểm nghiệm và nâng cao chất lượng sản xuất.

Khởi đầu từ một đơn vị chuyên nhập xe cũ về tân trang và bán ra thị trường, THACO bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên tại Chu Lai, Quảng Nam vào năm 2003, công suất 25.000 xe/năm. Tới nay, THACO đã sở hữu backlog số lượng thương hiệu nhiều bậc nhất tại Việt Nam, từ bình dân như Kia tới cao cấp như BMW. Sự tham gia đầu tư mạnh mẽ của THACO đã thay đổi cơ bản cuộc chơi trong ngành ô tô tại Việt Nam, khi thị phần của Công ty liên tục tăng trưởng và trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành.

Sự bùng nổ của THACO đúng vào thời điểm kinh tế Việt Nam phát triển rực rỡ, thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng tốt, trong khi lạm phát và tỷ giá được điều hành kịp thời và hợp lý, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận các tài sản vốn trước đây bị coi là xa xỉ như xe hơi. Khả năng sản xuất quy mô lớn cũng giúp THACO có lợi thế và giá tốt hơn so với các đối thủ. Năm 2017 - 2018, chính THACO đã “châm ngòi” cho cuộc chiến giá trên các dòng xe du lịch, biến Toyota Altis từ vị thế độc tôn trở thành kẻ thất bại trong phân khúc sedan hạng C trước Mazda 3.

Trở lại với giấc mơ xe hơi “Made in Vietnam”, sự xuất hiện của VinFast đã khiến tất cả giới ô tô bất ngờ, khi một doanh nghiệp vốn chỉ được biết tới với các dự án bất động sản và khu nghỉ dưỡng lại tuyên bố đầu tư vào một ngành sản xuất vốn không có bất cứ đặc điểm nào liên quan tới hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, trong thời đại hợp tác toàn cầu, tiềm lực tài chính của Vingroup đã giúp VinFast tập hợp được “đội hình” nhà cung cấp hùng hậu. Thương hiệu Vinfast tuy còn gây tranh cãi về giá bán, nhưng trước mắt, Vinfast đã thành công trong việc xây dựng nhận diện thương hiệu.

Tương lai của “giấc mơ” ngành công nghiệp ô tô

Sự phát triển của các nhà sản xuất nội quy mô lớn tất yếu dẫn tới nhu cầu về ngành công nghiệp phụ trợ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu để phát triển hoàn chỉnh chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Bản thân THACO, Thành Công và VinFast với vị thế dẫn đầu đã và đang tạo những ảnh hưởng tích cực tới cơ chế và điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp muốn chế tạo linh kiện. Bộ Công thương đã phát đi tín hiệu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nội trong việc thay đổi cơ chế, nhằm xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng cho ngành ô tô, tập trung vào các ngành điện tử và cơ khí, với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đạt 40 - 60% cho xe du lịch trong 5 năm tới.

Nói thêm về VinFast, dựa vào phản ứng nhất thời và thói quen mua xe của người Việt Nam thì để chờ đợi VinFast thành công ngay lập tức là thiếu thực tế. Nhiều người thường chờ đợi ít nhất là 1 năm cho các dòng xe mới để lắng nghe phản hồi từ người đã sử dụng trước khi ra quyết định, chưa nói tới những người không tin tưởng vào thương hiệu ô tô Việt.

Bởi vậy, thành công của VinFast sẽ phải dựa vào hai yếu tố: chất lượng sản phẩm từ lô đầu tiên và sự hỗ trợ từ hệ sinh thái của Vingroup. Nếu những chiếc VinFast đầu tiên chinh phục được những người đã sẵn sàng mạo hiểm “xuống tiền” cho một sản phẩm mới toanh của một thương hiệu mới toanh trước cả năm trời, thì tự khắc cái nhìn của người mua xe Việt với VinFast sẽ thay đổi.

Thêm vào đó, hàng trăm ngàn hộ gia đình trung và thượng lưu hiện là khách hàng của Vinhomes, cùng với hệ sinh thái nội bộ khổng lồ là nguồn khách hàng tiềm năng của VinFast. Khả năng này sẽ cao hơn nếu có một cú bắt tay “win-win” giữa VinFast, Vinhomes và các ngân hàng trong việc cung cấp các gói “tín dụng nhà và xe” hai trong một.

Nhìn chung, những động thái của Chính phủ lẫn các “ông lớn” nội địa đã khiến hàng triệu người “mơ lại giấc mơ còn đang dang dở” về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và giấc mơ này có khả năng cao sẽ trở thành hiện thực.

Tin bài liên quan