Ông Bắc cho biết, theo Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia, mỗi năm tốc độ tăng trưởng nhà ở bình quân đạt 5-10%, tương đương diện tích nhà ở mỗi năm tăng từ 1-1,2 triệu m2, kéo theo nhu cầu về nhu cầu vật liệu tăng cao, trong đó có nhựa xây dựng.
Nhựa xây dựng hiện nay gồm có 2 dòng sản phẩm chính là ống nhựa và thanh nhựa profile, được sử dụng chủ yếu trong hệ thống cửa thay thế các loại vật liệu khác như gỗ, sắt thép... Trong đó, theo ông Bắc, những sản phẩm thanh nhựa uPVC profile phủ lớp giả gỗ được dự đoán sẽ được thị trường ưa chuộng, bởi giá thành cạnh tranh, mẫu mã đẹp và chất lượng tương xứng.
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, bình quân một căn nhà có khoảng 40 m2 cửa, nhu cầu 43 triệu m2 cửa mỗi năm, trong đó 35% vật liệu được sử dụng là nhựa, tương đương 15 triệu m2 nhựa mỗi năm. Hơn nữa, hiện nay, các công trình xây dựng sử dụng vật liệu làm cửa có khoảng 80-90% sử dụng cửa nhựa, chỉ 10-20% dùng vật liệu gỗ.
Theo só liệu thống kê sử dụng vật liệu nhựa, nhu cầu sử dụng nhựa trong 3 năm qua đã có sự gia tăng từ 37 kg nhựa/người vào năm 2012 lên 41 kg/người năm 2015, tuy nhiên mức này vẫn còn khá thấp so với bình quân khu vực ASEAN là 48,5 kg/người và thế giới là 69,7 kg/người. Mỹ là quốc gia có nhu cầu sư dụng nhựa bình quân đầu người cao nhất, khoảng 150-160 kg/người.
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo
"Điều nay chứng tỏ thị trường nhựa xây dựng ngày một phát triển, là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành gia tăng thị phần thông qua đầu tư phát triển công nghệ, nâng cao công suất", ông Bắc cho hay.
Tại Việt Nam, vật liệu nhựa trước đây gần như 100% nhập khẩu từ nước ngoài, tuy nhiên cùng với sự phát triển của ngành hóa lọc dầu, dẫn đến sự phát triển của ngành sản xuất nhựa trong nước.
Theo số liệu thống kê không chính thức, Việt Nam hiện có khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhựa xây dựng (sản xuất thanh nhựa profile) với công suất 20.000-25.000 tấn/năm, trong đó chỉ riêng Nhựa Đông Á là 15.000-20.000 tấn/năm.
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinBankSc), mặc dù có nhiều dư địa phát triển, nhưng ngành nhựa Việt Nam đứng trước thách thức cạnh tranh khá gay gắt. Bên cạnh cạnh tranh với các sản phẩm thay thế như gỗ, sắt, nhôm…, ngành nhựa không thể tránh khỏi nguy cơ bị thấu tóm bởi những doanh nghiệp ngoài nước, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường thông qua con đường M&A.
Chẳng hạn, Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã mua lại cổ phần của 2 doanh nghiệp lớn trong nhành nhựa hiện nay là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong thông qua một công ty con là The Nawaplastic Industry (Saraburi) Co, Ltd.