Vai trò của ngành ngân hàng ngày càng trở nên quan trọng

Vai trò của ngành ngân hàng ngày càng trở nên quan trọng

Ngành ngân hàng: Vai trò lớn, thách thức lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù nền kinh tế Việt Nam đang quay trở lại trạng thái “bình thường” nhưng 2022 vẫn được dự báo là năm đầy thách thức trước những biến động trong và ngoài nước, nên vai trò của ngành ngân hàng càng được đẩy lên cao hơn.

Bối cảnh vĩ mô nhiều rủi ro, thách thức

Kinh tế thế giới đang đối mặt với rủi ro tăng trưởng chậm lại so với với các dự báo trước đó, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine; Trung Quốc kiên trì thực hiện chính sách không Covid khiến tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu vẫn chưa được giải quyết. Giá cả hàng hóa thế giới tăng mạnh, lạm phát các nền kinh tế phát triển đạt các mức kỷ lục trong lịch sử.

TS. Hà Huy Tuấn, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

TS. Hà Huy Tuấn, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng trung ương đã gia tăng các động thái thu hẹp bảng cân đối tài sản, tăng lãi suất điều hành nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát. Các ngân hàng trung ương lớn, có ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi đang có xu hướng sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh hơn dự kiến. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành 0,25%/năm vào tháng 3/2022 và tăng thêm 0,5%/năm sau cuộc họp tháng 5/2022. Giới chuyên gia dự báo, Fed có thể tăng mạnh lãi suất lên mức trên 2%/năm vào cuối năm 2022. Điều này khiến USD mạnh lên trên thị trường tiền tệ. Chỉ số USD Index (DXY) đã tăng 6,7% trong năm 2021, tiếp tục tăng thêm hơn 4% tính đến đầu tháng 4/2022.

Ở trong nước, nền kinh tế đang cho thấy những tín hiệu hồi phục sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài. Tăng trưởng kinh tế quý I/2022 đạt 5,03%, cao hơn so với mức 3,68% quý I/2020, mức 4,68% trong quý I/2021. Lạm phát được kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 chỉ tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đối mặt với các rủi ro như: tiêu dùng phục hồi chậm hơn dự kiến; dự báo lạm phát gia tăng trong các tháng tới có thể tiếp tục ảnh hưởng đến đà phục hồi của tiêu dùng; mặt bằng lãi suất khó giữ ổn định ở mức thấp trước áp lực gia tăng từ phía lạm phát khiến chi phí vốn của nền kinh tế tăng lên trong bối cảnh các chi phí sản xuất - kinh doanh tăng lên theo giá hàng hóa thế giới; tỷ giá cũng gặp áp lực nhất định khi USD mạnh lên theo tiến trình tăng lãi suất.

Định hình vai trò của ngành ngân hàng

Trong Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 8/1/2022, Chính phủ đã xác định quan điểm điều hành năm 2022 là "đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển"; phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4%... Để góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu chung đầy thách thức đó, ngành ngân hàng phải gia tăng hơn nữa vai trò nhằm giữ vững sự ổn định của kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế.

Những vai trò nổi bật của ngành cần được lưu ý trong năm 2022 như sau:

Một là, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Việc giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (dưới 4%) ngày càng thách thức hơn khi xung đột Nga - Ukraine diễn tiến khó lường, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể hồi phục, giá cả hàng hóa cả năng lượng và phi năng lượng thế giới leo thang. Chính sách tiền tệ sẽ phải thích ứng linh hoạt hơn, mang tính dẫn dắt thị trường hơn nhằm làm giảm kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế.

Ngân hàng HSBC (tháng 3/2022) dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào quý III/2022. Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam còn phải hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, tiếp tục phấn đấu giảm chi phí vốn cho khu vực doanh nghiệp nên việc tăng lãi suất sẽ phải còn căn cứ thêm vào tình hình của các biến số vĩ mô trong và ngoài nước.

Ngành ngân hàng phải gia tăng hơn nữa vai trò nhằm giữ vững sự ổn định của kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế.

Về tỷ giá, áp lực giảm giá của VND là hiện hữu khi USD đang mạnh lên liên tục từ năm 2021 đến nay. Các yếu tố như bộ đệm về dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, giải ngân vốn đầu tư FDI, kiều hối… vẫn tương đối khả quan sẽ giúp tỷ giá biến động với biên độ không lớn, song vẫn cần được theo dõi chặt chẽ.

Hai là, hỗ trợ sự hồi phục và tái cơ cấu nền kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh. Tăng trưởng tín dụng tháng 3/2022 đạt trên 5%, mức cao nhất cùng kỳ trong vòng 5 năm, cho thấy sự phục hồi rõ nét của các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chính sách tín dụng phải đảm bảo phục vụ hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Việc điều hành chỉ tiêu tín dụng cần được cân đối giữa các tổ chức tổ chức tín dụng, giữa các ngành nghề sản xuất - kinh doanh, tránh gây thêm áp lực cho lạm phát. Đồng thời, cần sớm ban hành Nghị định về hỗ trợ lãi suất 2% trong hai năm 2022 - 2023, hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm giảm chi phí lãi vay, kích thích đầu tư, phát triển kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh.

Ba là, tiếp tục kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt việc mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT- NHNN (nhất là đối với trái phiếu bất động sản), theo dõi chặt chẽ các tổ chức tín dụng có cơ cấu tín dụng tập trung lớn vào lĩnh vực bất động sản, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có liên quan đến lĩnh vực rủi ro; hướng tín dụng vào các hoạt động sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là thực hiện kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, phát hiện sớm rủi ro tiềm ẩn để có các kịch bản ứng phó, giảm tích tụ rủi ro, tác động lớn đến thị trường…

Bốn là, xây dựng lộ trình, triển khai quyết liệt, hiệu quả hoạt động cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022 và đã được gia hạn tới cuối năm 2023.

Do vậy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu ngay từ bây giờ là yêu cầu cấp bách, nhất là khi nhà điều hành muốn theo đuổi mục tiêu ban hành Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình chi tiết và triển khai hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính định hướng phát triển, vừa mang tính cơ cấu của ngành ngân hàng trong cả giai đoạn 2021 - 2025; tập trung xử lý, giải quyết các ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình chuyển giao bắt buộc khi các phương án cơ cấu lại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Năm là, quyết liệt trong việc chuyển đổi số ngành ngân hàng. Hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đang được đẩy mạnh một cách nhanh chóng, nhất là khi các hoạt động kinh tế - xã hội chứng kiến sự thay đổi trong và sau đại dịch Covid-19. Khảo sát gần đây của PwC cho thấy, 58% người dùng dịch vụ ngân hàng đang tìm kiếm những trải nghiệm tốt hơn trên không gian số, mặc dù vẫn tiếp tục giữ tài khoản chính của mình tại ngân hàng truyền thống. Trước tình hình đó, mô hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng cũng đang dần thích ứng và nắm bắt nhu cầu đó. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có đến 95% các tổ chức tín dụng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Do vậy, các cơ quan quản lý, giám sát sẽ đóng vai trò dẫn dắt và thúc đẩy công cuộc xây dựng nền kinh tế số, tạo nền tảng pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tin bài liên quan