Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Với vai trò là trung gian tài chính lớn trong nền kinh tế, ngành ngân hàng Thành phố thông qua hoạt động huy động vốn và cho vay đã đáp ứng nhu cầu vốn rất lớn cho nền kinh tế. Tín dụng ngân hàng tăng trưởng liên tục trong 40 năm qua gắn liền với quá trình tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế đất nước. Đến cuối năm 2014, huy động vốn và dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn TP. HCM đã đạt được con số triệu tỷ, trong đó huy động vốn đạt 1.343.835 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 1.067.837 tỷ đồng.
Vốn tín dụng ngân hàng của các TCTD trên địa bàn Thành phố đã tạo điều kiện cho các ngành, các lĩnh vực sản xuất phát triển: mở rộng ngành nghề; phát triển ngành nghề mới; tạo điều kiện cho các DN đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm... Đến cuối năm 2014, một số ngành tiếp tục có sự tăng trưởng cao như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ… Có thể nói, quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng Thành phố đã góp phần giúp nhiều ngành nghề sản xuất - kinh doanh phát triển, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất cho DN, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nhờ đổi mới công nghệ. Sự phát triển này có tác động hiệu ứng chung đối với toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững. Thực hiện hiệu quả các chương trình kinh tế lớn của Thành phố, đặc biệt là chương trình kích cầu đầu tư; chương trình cho vay khu chế xuất - khu công nghiệp; chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN TP. HCM
… Bằng nguồn vốn tín dụng lãi suất hợp lý
Đáng chú ý, sự đóng góp của ngành ngân hàng trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã đem lại nhiều kết quả quan trọng. Qua gần 3 năm thực hiện, hiệu ứng của chương trình mang lại đối với nền kinh tế là rất lớn, tổng số hạn mức đã ký kết là 67.500 tỷ đồng, với trên 4.500 khách hàng.
Chương trình được thực hiện với sự tham gia tích cực của hệ thống NHTM trên địa bàn, lan tỏa khắp 24 quận/huyện của Thành phố. Lãi suất áp dụng tối đa không quá 7%/năm đối với cho vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian qua, năm 2015, NHNN Thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chương trình kết nối, gồm hai hình thức: (1) chỉ đạo các TCTD tổ chức triển khai giải ngân gói tín dụng đã cam kết năm 2015; (2) tìm kiếm khách hàng đăng ký ký kết theo chương trình kết nối tại các quận/huyện/Ban quản lý...
Kết quả của chương trình là rất quan trọng và mang lại hiệu quả lớn đối với DN, đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn Thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, của Đảng bộ TP. HCM. Trong đó, kết quả nổi bật nhất của chương trình là góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN, phục hồi và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.
Hiệu quả tín dụng của các chương trình này có ý nghĩa rất quan trọng bởi vai trò, tính chất của mỗi chương trình tác động thúc đẩy mang tính dây chuyền đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Cụ thể, với chương trình cho vay kích cầu đầu tư: tổng dư nợ cho vay hiện đạt 1.607 tỷ đồng, chủ yếu cho vay đầu tư phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Thành phố; dự án phát triển an sinh xã hội: điện, đường, trường, bệnh viện; các dự án về nước sạch; giao thông… Các dự án này được triển khai, thực hiện đã và đang mang lại hiệu quả đối với sự phát triển của kinh tế Thành phố trong vai trò kích cầu, thúc đẩy các ngành kinh tế và dịch vụ khác có liên quan phát triển.
Với chương trình cho vay khu công nghiệp - khu chế xuất: ý nghĩa quan trọng nhất mà tín dụng ngân hàng mang lại là tạo điều kiện về vốn để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất; tạo điều kiện về vốn để DN hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp mở rộng sản xuất; đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, dư nợ cho vay chương trình này đạt 102.115 tỷ đồng.
Đối với chương trình cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố: thông qua hoạt động tín dụng này, các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, hợp tác xã và những trang trại trên địa bàn có điều kiện về vốn để phát triển sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm ngư nghiệp; tăng giá trị sản phẩm, phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu. Mặt khác, vốn tín dụng ngân hàng cũng tạo điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn: phát triển hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống nước sạch... Tính đến nay, dư nợ cho vay thuộc chương trình này đạt 780 tỷ đồng.
Góp phần bình ổn thị trường
Không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các chương trình kinh tế nói trên khi thực hiện và phát triển hiệu quả đúng với mục tiêu định hướng mà UBND TP. HCM đề ra, đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống của các tầng lớp dân cư, hạn chế những phát sinh của tệ nạn xã hội, góp phần ổn định trật tự an ninh xã hội.
Cụ thể, ngành ngân hàng trên địa bàn đã tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố. Thông qua việc cho vay với lãi suất ưu đãi theo đúng cam kết từ đầu chương trình, các NHTM tham gia đã đáp ứng kịp thời các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi đến các DN bình ổn, giúp các DN duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường với giá cả hợp lý. Sự phát triển mạng lưới của hệ thống các TCTD trên địa bàn góp phần không nhỏ cho sự phát triển hoạt động của ngành ngân hàng.
Trong quá trình phát triển, sự lớn mạnh về quy mô vốn của các ngân hàng, cùng với hệ thống mạng lưới các TCTD lớn mạnh về số lượng gắn liền với sự phát triển an toàn, bền vững của các TCTD là điều cần thiết. Địa bàn TP. HCM, với sự phát triển rộng khắp của các loại hình từ NHTM Nhà nước, các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài, các loại hình công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, các quỹ tín dụng nhân dân đã giúp thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, cũng như cung ứng nguồn vốn tín dụng đến mọi đối tượng trong nền kinh tế.
Đến nay, trên địa bàn TP. HCM có 2.071 đơn vị hoạt động, phân bố rộng khắp trên 24 quận, huyện của Thành phố, đảm bảo cung ứng các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng đến mọi đối tượng của nền kinh tế.
Cung ứng các dịch vụ tiện ích
Các dịch vụ ngân hàng trên địa bàn không ngừng phát triển dựa trên nền tảng công nghệ ngân hàng hiện đại, đóng góp nhiều cho sự phát triển của nền kinh tế, trong đó nổi bật là dịch vụ thanh toán và các dịch vụ liên quan hoạt động ngoại hối.
Thông qua hoạt động dịch vụ thanh toán, với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là khả năng đáp ứng nhanh - chính xác - an toàn và bảo mật nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, đã tạo điều kiện cho nguồn vốn của các DN vận động, chu chuyển thuận lợi, nhanh chóng, là cơ sở đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn của các DN - tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; phục vụ tốt cho quá trình trao đổi và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế phát triển, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Trong những năm gần đây, sự phát triển của các hoạt động thanh toán qua thẻ, trong đó các tiện ích của thẻ thanh toán cũng được các ngân hàng quan tâm và ngày càng nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, các giao dịch thanh toán điện tử như thanh toán trực tuyến qua mạng, các dịch vụ Internet banking, Mobile banking có xu hướng tăng trưởng mạnh.
Đến cuối năm 2014, tổng số thẻ đang hoạt động trên địa bàn đạt 9,05 triệu thẻ. Trong đó, thẻ nội địa chiếm 82,8%, thẻ quốc tế chiếm 17,2%, với hệ thống mạng lưới máy ATM đạt 4.037 máy và 34.450 máy POS với 20.100 điểm chấp nhận thanh toán. Số lượng khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán qua Mobile tăng 78,2% với số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng mạnh, tăng 151% so với năm 2013.
Ngoài ra, với dịch vụ ngoại hối được các TCTD trên địa bàn cung cấp đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu phát triển. Hoạt động dịch vụ ngoại hối với các nghiệp vụ kinh doanh mua bán ngoại tệ đã đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ và các nhu cầu dịch vụ ngoại hối khác cho các DN sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Những thành tựu mà hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động thương mại, du lịch của Thành phố đạt được 40 năm qua có sự đóng góp to lớn của hoạt động dịch vụ ngoại hối ngân hàng.
Hệ thống các TCTD trên địa bàn TP. HCM, với tư cách là thành viên thị trường, trong suốt 40 năm qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và thúc đẩy thị trường tài chính trên địa bàn thành phố, phát triển ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn, trở thành trung tâm tài chính của cả nước, hình thành và phát triển nhiều thương hiệu ngân hàng lớn có uy tín trên thị trường trong nước và khu vực.