Cuộc chiến giữ chân nhân tài chưa bao giờ ngừng “nóng” trong ngành ngân hàng

Cuộc chiến giữ chân nhân tài chưa bao giờ ngừng “nóng” trong ngành ngân hàng

Ngành ngân hàng "nóng” nhân sự cấp cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng liên tục phải cập nhật chiến lược để theo kịp sự thay đổi trong chính sách quản lý nhà nước, nhu cầu đa dạng của các phân khúc khách hàng. Những thay đổi chiến lược chỉ hiện thực hóa được nếu có một đội ngũ nhân tài phù hợp.

“Nóng” nhân sự cấp cao…

Những ngày cuối tháng 6/2023, thị trường tài chính râm ran thông tin ông Phạm Mạnh Thắng, nguyên Phó tổng giám đốc Vietcombank nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/5/2023 sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc PG Bank, thay cho ông Nguyễn Phi Hùng dự kiến được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ngày đầu tiên của tháng 7, trên mạng xã hội có nhiều thông tin về lễ công bố nhân sự cấp cao của PG Bank sẽ được tổ chức vào 10h ngày 3/7/2023 tại một khách sạn lớn trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, thư mời cho sự kiện được chụp lại và công bố. Dù thông tin đã được kiểm chứng đến 99%, nhưng những người trong cuộc vẫn chưa xác nhận với truyền thông cho đến khi sự kiện chính thức diễn ra.

Việc thay đổi nhân sự cấp cao của PG Bank diễn ra sau khi cổ đông lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hoàn tất thoái vốn khỏi Ngân hàng vào ngày 7/4/2023, với mức giá bình quân 21.400 đồng/cổ phiếu, thu về số tiền hơn 2.568 tỷ đồng.

PG Bank là một ngân hàng quy mô nhỏ, tính đến cuối năm 2022 có tổng tài sản 49.000 tỷ đồng; hoạt động cho vay khách hàng chiếm phần lớn (65% tổng tài sản sinh lời), dư nợ cho vay chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp (chiếm 56% tổng cho vay). Mặc dù PG Bank nỗ lực đa dạng hóa khách hàng và giảm thiểu rủi ro tập trung, nhưng tệp khách hàng vẫn chủ yếu là Petrolimex và các công ty liên quan đến tập đoàn này.

Hoạt động kinh doanh có sự cải thiện, nhưng cuối năm 2022, tổng dư nợ VAMC của PG Bank lên đến 951 tỷ đồng, trong đó đã trích lập và thu hồi 350 tỷ đồng, khoản còn lại dự kiến trích lập và thu hồi trong vòng 3 năm. Đáng lưu ý, dư nợ cho nhóm doanh nghiệp bất động sản là 2.000 tỷ đồng, dư nợ xây dựng là 3.000 tỷ đồng. Đây là những con số đáng quan ngại đối với một ngân hàng có vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng như PG Bank. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của PG Bank duy trì ở mức cao so với các ngân hàng khác trên sàn chứng khoán có cùng quy mô (2,6%) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) rất thấp, chỉ đạt 38%.

Trong khi đó, ông Phạm Mạnh Thắng, Quyền Tổng giám đốc PG Bank kể từ ngày 2/7/2023 được biết đến là người có chuyên môn giỏi trong nhiều lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực ông Thắng phụ trách đạt được thành tựu xuất sắc là công tác xử lý, thu hồi nợ. Trong thời gian làm việc tại Vietcombank, ông Thắng cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu hàng năm giảm dần từ mức 2,3% năm 2014 xuống 0,68% năm 2022, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Thu hồi nợ ngoại bảng tính đến 31/12/20202 đạt 2.395 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, Hội đồng quản trị Eximbank đã thống nhất miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với bà Lương Thị Cẩm Tú kể từ ngày 28/6/2023 và người thay thế vị trí này là bà Đỗ Hà Phương, người gia nhập Eximbank từ năm 2022 với chức danh thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) và có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Ngày 27/6/2023, NCB công bố quyết định của Hội đồng quản trị về việc ông Tạ Kiều Hưng chính thức giữ chức vụ Tổng giám đốc của Ngân hàng, sau khi đảm nhiệm chức danh Quyền Tổng giám đốc từ tháng 4/2023.

Đại diện NCB cho biết: “Việc bổ nhiệm ông Tạ Kiều Hưng (có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và nắm nhiều chức vụ quan trọng) là tín hiệu của Ngân hàng trong việc kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực quản trị, điều hành. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, từng bước đạt mục tiêu chiến lược của NCB”.

Tại LPBank, ngày 21/6/2023, ông Hồ Nam Tiến được Hội đồng quản trị bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 4828/NHNN-TTGSNH ngày 21/6/2023 chấp thuận việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc LPBank. Trước đó, ngày 17/3/2023, Hội đồng quản trị LPBank giao nhiệm vụ cho ông Hồ Nam Tiến giữ chức danh Quyền Tổng giám đốc, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng giám đốc. Ông Tiến có 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và giữ vai trò quản lý cấp cao tại không ít tổ chức, định chế tài chính.

… và nhân tài phù hợp

Nhiều ngân hàng không thể tránh khỏi việc thu hẹp quy mô nhân sự hoặc hạn chế tuyển dụng, nhưng yêu cầu tuyển dụng sẽ cao hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Nhân sự, HSBC Việt Nam cho biết, cuộc chiến giữ chân nhân tài chưa bao giờ ngừng “nóng”, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ tiến bộ vượt bậc tạo ra những thay đổi lớn trong ngành ngân hàng. Ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển trong những năm gần đây. Các ngân hàng liên tục phải cập nhật chiến lược để theo kịp sự thay đổi trong chính sách quản lý của nhà nước, nhu cầu đa dạng của các phân khúc khách hàng và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ.

“Những thay đổi chiến lược đó chỉ có thể được hiện thực hóa nếu họ có trong tay một đội ngũ nhân tài phù hợp”, bà Oanh nói.

Đáng chú ý, theo Báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết, sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc, Navigos Search nhận xét, việc giảm quy mô nhân sự là xu hướng chung ở các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, không chỉ ngân hàng. Lý do là cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Việt Nam đón nhận hàng loạt thông tin không tích cực về tình hình kinh tế thế giới, sức mua trên toàn cầu giảm, lượng hàng tồn kho lớn… Phần lớn các doanh nghiệp nhận định, tình hình sẽ chưa sáng sủa hơn cho đến quý III năm nay, thậm chí là đầu năm sau.

Báo cáo về tình hình tuyển dụng tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 do Navigos Group công bố nhận định, hiện nay, kinh tế thế giới vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Cho đến khi kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp có thể sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự, hoặc có thể thắt chặt thêm nếu tình hình trở nên tệ hơn.

Riêng đối với ngành ngân hàng, áp lực về chi phí vốn cao, gia tăng trích lập dự phòng… khiến nhiều ngân hàng không thể tránh khỏi việc thu hẹp quy mô nhân sự hoặc hạn chế tuyển dụng, nhưng mức độ suy giảm nhân sự thấp hơn so với nhiều ngành khác. Mặc dù dự báo tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, nhưng năm 2023, phần lớn ngân hàng vẫn đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng lợi nhuận so với năm 2022.

“Để đạt được kỳ vọng tăng trưởng đó, các ngân hàng sẽ cần tuyển dụng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng được sự đoán sẽ không ồ ạt như những năm trước, mà tập trung vào chất lượng của nhân sự. Yêu cầu tuyển dụng sẽ cao hơn. Các ngân hàng có thể vẫn sẽ tập trung tuyển dụng nhân viên kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực trong ngành công nghệ thông tin và dữ liệu, với mục tiêu nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi số, nhân lực trong mảng quản trị rủi ro, tuân thủ và vận hành để kiện toàn và tăng hiệu quả hoạt động”, bà Lan nói.

Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2023. Theo đó, tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính - ngân hàng trong quý II/2023 được cải thiện so với quý I, nhưng chưa đạt kỳ vọng. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng, tình hình lao động sẽ diễn biến khả quan hơn trong quý III và cả năm 2023.

Tin bài liên quan