Nợ xấu dự báo gia tăng trong năm 2025

Nợ xấu dự báo gia tăng trong năm 2025

Ngành ngân hàng nối tiếp đà phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2025 được dự báo sẽ là sự nối tiếp của đà phục hồi cho các ngân hàng kể từ sau đại dịch Covid-19, nhưng nợ xấu cần phải được xử lý dứt điểm.

NIM phồi phục

Giới phân tích tài chính dự báo, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 tương đương năm 2024, hoặc cao hơn mức 14-15%. Tổng giám đốc một ngân hàng quy mô lớn cho hay, cầu vốn của khách hàng đang dần cải thiện, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp… sẽ thúc đẩy nhu cầu vay mượn và đầu tư, tạo cơ hội cho các ngân hàng tăng trưởng doanh thu từ lãi.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng). Ngoài ra, dư địa giảm lãi suất đầu ra cũng không còn nhiều, giúp hỗ trợ NIM. Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), có chất lượng tài sản tốt, tệp khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.

NIM của các ngân hàng năm 2025 được giới phân tích dự báo tăng 0,05% so với năm 2024. CASA cải thiện rõ nét hơn, hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn của các ngân hàng. Thực tế, CASA đã tăng mạnh ở một số ngân hàng trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ.

Techcombank dẫn đầu về tỷ lệ CASA trong hệ thống ngân hàng khi đạt 40,5% tính đến cuối quý III/2024, nhờ số dư CASA ở mức cao khoảng 200.000 tỷ đồng. Tại MBBank, tỷ lệ CASA trong tổng tiền gửi đến cuối quý III/2024 đạt trên 35% với số dư hơn 223.000 tỷ đồng. Với ACB, CASA trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 114.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, nên tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng bán lẻ có tỷ lệ CASA cao nhất, ở mức 22,2%.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, không chỉ NIM tăng khi ngân hàng tối ưu được chi phí từ tỷ lệ CASA đi lên, việc lĩnh vực bất động sản dự báo tiếp đà phục hồi cùng động thái thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ… sẽ kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, hỗ trợ lợi suất cho vay của các ngân hàng trong năm 2025.

Trước đó, trong quý III và IV/2024, NIM toàn ngành giảm 0,2% xuống 3,25%. NIM ngân hàng thu hẹp xuất phát từ các nguyên nhân lợi suất sinh lời trên tài sản giảm, nhu cầu tín dụng chậm, chi phí vốn tăng và cạnh tranh gay gắt về lãi suất cho vay. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, NIM được giới phân tích kỳ vọng có thể phục hồi từ đáy nhờ các chính sách của Ngân hàng Nhà nước và sự biến chuyển của thị trường bất động sản.

PSG-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng tín dụng cải thiện tác động tích cực lên nguồn thu từ lãi, nhất là khi NIM tăng. Ngoài ra, nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng trong năm 2025 cũng kỳ vọng tích cực hơn so với năm 2024 nhờ đẩy mạnh số hóa, gia tăng dịch vụ cho khách hàng và mảng kinh doanh bảo hiểm bớt khó.

Trong cơ cấu nguồn thu từ dịch vụ, nhiều ngân hàng ghi nhận sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm thời gian qua. Chẳng hạn, tại Techcombank, báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, thu từ phí dịch vụ bảo hiểm mang về cho ngân hàng này 594 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Tương tự, VPBank có sự phục hồi đáng kể ở mảng bán chéo bảo hiểm với 2.820 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng gần 52%. Với Kienlongbank, thu từ bảo hiểm mang lại gần 40 tỷ đồng, tăng gần 73%...

Lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng năm 2025 được VCBS dự báo tăng khoảng 15% và tiếp tục có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối ước lợi nhuận tăng trưởng 12%, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động ước tăng trưởng 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn, ước lợi nhuận tăng khoảng 8%. Về tăng trưởng tín dụng, các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm nhẹ, trong khi những ngành như bất động sản, xây dựng… có thể nhích lên theo đà tăng của lãi suất huy động.

Rủi ro nợ xấu tăng cao

Năm 2025 dự báo là năm tiếp nối sự phục hồi của ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, lợi nhuận và nợ xấu của ngành còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố vĩ mô và chính sách. Trong khi đó, bộ đệm dự phòng tiếp tục thu hẹp trong năm 2024 với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) trung bình của ngành giảm về mức thấp nhất 5 năm qua.

Tính đến cuối quý III/2024, LLCR trung bình ngành ngân hàng ở mức 83%. Trong đó, nhóm ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước chi phối duy trì LLCR bình quân 148%. Bốn ngân hàng thương mại cổ phần lớn là Techcombank, VPBank, MBBank và ACB có LLCR bình quân 66%, những ngân hàng còn lại ở mức 56%. Theo quy định, các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho toàn bộ nợ tái cơ cấu vào ngày 31/12/2024.

Bộ đệm dự phòng mỏng làm hạn chế khả năng xử lý nợ và gia tăng áp lực trích lập dự phòng, đặc biệt ở những ngân hàng có tệp khách hàng rủi ro cao và có tỷ lệ nợ tái cơ cấu/tổng dư nợ cao. Các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, có bộ đệm dự phòng vững chắc, tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong tổng dư nợ tín dụng ở mức vừa phải sẽ có khả năng kiểm soát tốt chi phí tín dụng và chất lượng tài sản.

Trong khi đó, năm 2025 dự báo là năm phục hồi ổn định đối với ngành ngân hàng. Dù lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, nhưng tốc độ sẽ không mạnh như các năm trước. Nợ xấu vẫn là vấn đề cần được giải quyết triệt để, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khách vay vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và gặp khó khăn trong việc trả nợ.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, nợ xấu là một vấn đề tiềm ẩn rủi ro lớn đối với ngành ngân hàng trong 2025. Một số tổ chức tín dụng đang đối mặt với các khoản nợ xấu khó thu hồi. Điều này làm chậm quá trình tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu của ngành.

Thực tế cho thấy, bức tranh nợ xấu ngân hàng có xu hướng xấu đi trong nửa cuối năm 2024. Tính đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã tăng lên 2,3% - tương đương mức cuối năm 2023, nhưng cao hơn đáng kể so với mức 1,64% của năm 2022. Nguyên nhân khiến nợ xấu tăng nhanh là nhiều khách hàng gặp khó khăn từ giai đoạn dịch Covid-19 và các yếu tố tác động khác dẫn đến việc không thể đáp ứng các điều kiện vay mới. Bộ đệm dự phòng nợ xấu của ngành cũng đang mỏng dần, khiến các ngân hàng phải duy trì chi phí trích lập dự phòng ở mức cao.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, thách thức đối với ngành ngân hàng năm 2025 vẫn là rủi ro nợ xấu tăng, nhất là khi thời hạn tái cơ cấu các khoản nợ sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2024. Nếu không được gia hạn, khả năng nợ xấu sẽ tăng vọt và cao hơn con số các ngân hàng công bố.

Mặc dù nợ xấu trong xu hướng tăng, song các chuyên gia nhận định rằng, có dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể giảm dần từ nửa cuối năm 2025. Thời điểm khó khăn nhất đã qua và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng dự báo giảm xuống mức 1,5% trong năm 2025, từ mức 1,6% của năm 2024. Tuy nhiên, áp lực trích lập dự phòng vẫn sẽ ở mức cao. Chưa kể, trong năm nay, ngành ngân hàng phải dồn lực để hoàn thành các mục tiêu quan trọng tại đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó nổi lên 2 vấn đề tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ và xử lý nợ xấu.

Tin bài liên quan