Đồng thời, các biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ làm cho lượng tiền cung ứng ra thị trường ít hơn, việc huy động vốn sẽ khó hơn so với năm 2009. Mặt khác, việc hạn chế mở rộng mạng lưới hoạt động nếu tiếp tục kéo dài trong năm 2010 sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc tăng trưởng thị phần.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), nền kinh tế thế giới đã vượt qua khủng hoảng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010 được dự báo ở mức 4%. Ông Hải cho rằng, chính sự hồi phục này sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam và hy vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2010.
Những nền kinh tế như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản bắt đầu tăng trưởng trở lại. Khi các nền kinh tế lớn tăng trưởng, không ít thì nhiều kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi, dòng vốn FII và đặc biệt là FDI sẽ tốt hơn. Mãi lực đầu tư và thị trường tiêu thụ bắt đầu tăng trưởng trở lại sẽ tác động đến xuất khẩu. Điều đó sẽ giúp các ngành ngân hàng trong nước tận dụng cơ hội để tăng trưởng và phát triển.
Mặt khác, theo cam kết WTO sau giai đoạn năm 2010 - 2012, các ngân hàng nước ngoài không bị ràng buộc khi tham gia kinh doanh trên thị trường Việt Nam và trước đó khi đàm phán WTO, nhiều người dự báo trong năm 2010 - 2011 sẽ có nhiều ngân hàng con nước ngoài tham gia hoạt động. Nhưng thực tế, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra và với diễn biến thị trường hiện nay thì sự tham gia của ngân hàng con 100% vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ chậm lại, nên đây là cơ hội để các ngân hàng trong nước tăng tốc.
Dự đoán chung tình hình năm 2010 theo ông Hải là còn quá sớm, nhưng có thể nói, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dư chấn khủng hoảng. Song các vấn đề chúng ta gặp phải trong năm 2008 - 2009 một lần nữa sẽ tiếp tục thách thức ở năm 2010, trong đó đa số vẫn xuất phát từ vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Đồng thời, với hoạt động ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên tài chính, sự hồi phục đã diễn ra, nhưng không hoàn toàn bền vững. Có nghĩa, nếu ngân hàng không cẩn trọng thì sẽ phải còn đối mặt với nhiều thách thức.
Thực tế, đầu 2009 mặc dù không tuyên bố chính thức, nhưng việc nới lỏng chính sách tiền tệ là có và với quy mô lớn. Nới lỏng ở đây là tiền cung ra thị trường nhiều, lãi suất thấp, ưu đãi cho người vay vốn nhiều hơn khi có chủ trương hỗ trợ lãi suất, kích cầu. Thế nhưng, sang năm 2010, với thông điệp được đưa ra kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới mức 25% thì hoạt động của ngành sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Như vậy, năm 2010, sẽ không loại trừ việc các ngân hàng sẽ phải đối mặt với những vấn đề khó giải quyết. Bởi nếu năm 2008 khủng hoảng xảy ra, 2009 bước qua khủng hoảng, bắt đầu vào điều kiện kinh doanh bình thường, nhưng quá trình đó diễn ra trong thời gian ngắn và hiện chính sách tiền tệ đã bắt đầu được "siết" lại.
Thế nhưng, với kỳ vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2010, Tổng giám đốc ACB cho rằng, ngành tài chính - ngân hàng vẫn là công cụ dẫn dắt nền kinh tế, hoạt động của ngành sẽ vận động theo quá trình hồi phục của nền kinh tế.
Điều quan trọng là ngân hàng phải biết hành động như thế nào, kết hợp với công cụ nào để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động. Theo ông Hải, yếu tố đầu tiên đối với ngân hàng là phải xây dựng công cụ dự báo và lượng hóa được những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới. Bởi ngân hàng sẽ dễ bị gặp rủi ro nếu thiếu dự báo và không có biện pháp thích ứng tình hình. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm nay của toàn ngành là 25%, nhưng nếu vẫn không đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì có thể NHNN sẽ điều chỉnh, nhưng vấn đề là công cụ để điều tiết tăng, giảm như thế nào. Đồng thời, việc kiểm soát rủi ro trong tín dụng của ngân hàng phải được thực hiện ra sao để có hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu.