Kênh dẫn vốn cho phát triển kinh tế
Để thu hút và tạo nguồn vốn, các TCTD đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và đồng thời phát triển hoạt động ngân hàng.
Đến tháng 3/2015, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Trong những năm qua, nguồn vốn huy động tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2011 - 2014 tăng 15 - 16%/năm, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn luôn chiếm tỷ trọng gần 30% tổng nguồn vốn huy động của cả nước.
Thực hiện đúng định hướng về cho vay, đầu tư vốn, có chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên, các dự án trọng điểm của Thành phố, các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DN nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành ngân hàng Hà Nội vẫn duy trì mức tăng trưởng tín dụng khá tốt, tổng dư nợ tín dụng bao gồm cả cho vay và đầu tư trên địa bàn đến tháng 3/2015 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2014 (trong đó dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 800.000 tỷ đồng).
Dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng trưởng, tốc độ tăng bình quân từ năm 2011 đến 2014 là 13 - 14%, chiếm khoảng 26% tổng dư nợ tín dụng cả nước.
Cơ cấu tín dụng được chuyển dịch theo hướng tích cực, các TCTD tập trung dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng cả về tỷ trọng và tốc độ, dư nợ cho vay đối với DN nhỏ và vừa chiếm 43,6%, dư nợ cho vay xuất khẩu chiếm 10,56%, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản chiếm 9,76%.
Các TCTD chú trọng thực hiện các chương trình tín dụng, dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở tại Hà Nội chiếm tỷ trọng hơn 50% kết quả thực hiện chương trình này của toàn quốc.
NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, các hiệp hội ngành nghề, UBND các quận, huyện thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức ký kết các hợp đồng tài trợ, cấp tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Đến nay, các NHTM trên địa bàn đã cam kết hỗ trợ cho các DN đạt 50.600 tỷ đồng; đã thực hiện ký kết 35.080 tỷ đồng cho hàng nghìn DN.
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, các NHTM trên địa bàn Hà Nội đã và đang tranh thủ tiếp thu có chọn lọc về công nghệ, nhanh chóng ứng dụng vào quản trị và phát triển các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả phân phối nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện các ngân hàng trên địa bàn Thành phố cũng đang nỗ lực thực hiện đề án tái cơ cấu và lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng để hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Góp phần xây dựng nông thôn mới…
Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chủ trương, chính sách của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội, phấn đấu đến hết 2015, Hà Nội có 60 xã, chiếm 40% đạt chuẩn nông thôn mới.
Những năm qua, tuy công tác cho vay phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn Hà Nội còn khó khăn, nhưng các TCTD đã rất nỗ lực tạo nguồn vốn rẻ, dài hạn, cải cách thủ tục, có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay nông nghiệp theo Nghị định 41, chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo, tín dụng xanh, áp dụng lãi suất ưu tiên… với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới của các TCTD trên địa bàn liên tục tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2012 - 2014 là 26,9%/năm.
Hoạt động cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã giúp nhiều hộ gia đình, cá nhân, làng nghề khôi phục ngành nghề truyền thống, bổ sung vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống. Sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng sản xuất đã có bước tăng trưởng, năng suất sản lượng lương thực tiếp tục tăng khá, một số vùng sản xuất chuyên canh được hình thành và phát huy hiệu quả như các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, các vùng trồng rau an toàn, vùng trồng hoa cây cảnh, hoặc các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư…
Nông dân đã có những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, quản lý, nhất là ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao hiện nay đã phát huy tác dụng và trong tương lai gần sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp thủ đô.
… và công tác an sinh xã hội
Với chủ trương quan tâm và chú trọng công tác an sinh xã hội thống nhất từ NHNN Thành phố, các TCTD đều có chương trình tín dụng an sinh xã hội.
Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ vốn có hiệu quả cho trên 1.240.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giúp cho trên 160.000 hộ thoát nghèo với dư nợ đến cuối năm 2014 đạt 4.721 tỷ đồng.
Qua chương trình hỗ trợ này đã thu hút tạo việc làm cho trên 430.000 lao động; tạo điều kiện cho trên 138.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo trên 320.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo.
Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm cho 75.000 lao động/năm của TP. Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015.
Hoạt động tín dụng chính sách đã thực sự trở thành một trong các trụ cột quan trọng đảm bảo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cáo đời sống, thu nhập, góp phần làm thay đổi cơ bản nhận thức từ việc cấp không, cho không sang vay vốn có hoàn trả, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của TP. Hà Nội giảm từ 6,09% năm 2010 xuống còn 1,91% năm 2014; theo chuẩn TW thì tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,97% năm 2010 xuống còn 1,1% năm 2014).
Bên cạnh đó, mặc dù hoạt động kinh doanh của các TCTD còn nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái và ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, hàng năm ngành ngân hàng trên địa bàn đã dành đáng kể nguồn thu nhập, tiền lương, thu nhập của cán bộ, nhân viên và người lao động tài trợ cho công tác an sinh xã hội.
Công tác an sinh xã hội tập trung vào một số lĩnh vực: xây dựng trường học, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ cho các gia đình chính sách; hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam…
Chỉ tính riêng năm 2014, ngành ngân hàng Hà Nội đã ủng hộ gần 120 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội đóng góp 51 tỷ đồng xây nhà đại đoàn kết nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, đã trao 70 căn nhà cho các hộ nghèo người dân tộc xã Ba Vì (huyện Ba Vì) và xã An Phú (huyện Mỹ Đức), khánh thành và đưa vào sử dụng 1 trạm y tế tại huyện Đông Anh...
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng Hà Nội vẫn nhất quán bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và triển khai có hiệu quả nhiệm vụ của ngành ngân hàng theo định hướng mục tiêu và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ.
Tập trung thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015; tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho khách hàng; tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở; phối hợp với các quận, huyện, sở, ngành của Thành phố thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp nhất, để chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.