NAPAS và một số ngân hàng, trung gian thanh toán ký cam kết đồng hành triển khai vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp

NAPAS và một số ngân hàng, trung gian thanh toán ký cam kết đồng hành triển khai vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ngành ngân hàng đồng hành cùng cổng dịch vụ công quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Văn phòng Chính phủ đã tổ chức sơ kết 01 năm vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia  và công bố 4 dịch vụ công, nâng tổng số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công lên 2.700.

Việc tích hợp, cung cấp 4 dịch vụ công này có thể giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm, nâng tổng chi phí tiết kiệm thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia từ khi triển khai đến nay khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.

Cổng dịch vụ công Quốc gia được triển khai vận hành trên nền tảng thanh toán đã kết nối với 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV), 6 trung gian thanh toán trong đó có Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia (Keypay).

Theo đó, cho phép cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt từ tài khoản của 43/46 ngân hàng (trừ một số ngân hàng của nước ngoài) đối với 5 loại hình thanh toán gồm thu phạt vi phạm giao thông; phí, lệ phí thủ tục hành chính; nộp thuế; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đóng tiền điện đối với dịch vụ tại 12 bộ, ngành và 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Được biết, NAPAS với vai trò đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ cho nền kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ NHNN giao triển khai tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia và hoàn thành kết nối tới Cổng dịch vụ công Quốc gia gia sau 20 ngày kể từ khi bắt tay chính thức.

Đến nay, NAPAS đã kết nối và cung cấp dịch vụ thanh toán bằng thẻ, tài khoản ngân hàng cho các dịch vụ công thiết yếu gồm: Nộp BHXH, BHYT; Nộp phạt vi phạm giao thông; Nộp nghĩa vụ tài chính đất đai. Với kết quả này, 100 triệu chủ thẻ của hơn 40 ngân hàng thành viên Napas được tiếp cận dịch vụ công cấp độ 4 qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Trong năm 2020, ứng phó với đại dịch Covid-19, NAPAS đã đồng hành với các ngân hàng thương mại, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội thông qua các chương trình miễn giảm phí dịch vụ thanh toán trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp đối với các giao dịch thanh toán trực truyến gồm các giao dịch thanh toán dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

Qua 2 lần thực hiện giảm phí, 63% số lượng món giao dịch thanh toán liên ngân hàng được miễn/giảm phí dịch vụ với tổng mức phí giảm trong năm 2020 lên đến 1004 tỷ đồng.

Với những đóng góp tích cực trên, NAPAS là một trong các đơn vị vinh dự được Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tặng bằng khen cấp bộ ghi nhận nỗ lực của NAPAS trong việc kết nối, cung cấp dịch vụ thanh toán trên cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.

Số liệu thống kê các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống bù trừ và chuyển mạch của NAPAS năm 2020 tăng 75% về số lượng và 121% về giá trị so với 2019. Các giao dịch chi tiêu tiền mặt giảm xuống rõ rệt, số lượng các giao dịch sử dụng tiền mặt (rút tiền ATM) ghi nhận qua hệ thống NAPAS giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020.

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, NAPAS và một số ngân hàng, trung gian thanh toán đã ký cam kết đồng hành, xây dựng, phát triển Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó có cam kết giảm, miễn phí các giao dịch thanh toán DVC hết 2021.

Trong năm 2021, NAPAS tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện mở rộng dịch vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công cho tất cả các địa phương đã kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia, song song sẽ tiếp tục mở rộng thanh toán cho học phí, viện phí, các dịch vụ công của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng theo lộ trình của Văn phòng Chính phủ.

Tin bài liên quan