Một số ngân hàng như TPBank, MBBank… đã ghi nhận tỷ lệ hơn 80% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số

Một số ngân hàng như TPBank, MBBank… đã ghi nhận tỷ lệ hơn 80% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số

Ngành ngân hàng chuyển đổi số để chủ động thích ứng cách mạng công nghệ 4.0

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành ngân hàng đang từng bước vượt lên thách thức, khẳng định vị thế huyết mạch tài chính của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) và sự nổi lên của kinh tế số.

Xây dựng chính sách, giải pháp tạo thuận lợi chuyển đổi số

Trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự phát triển, hoạt động của các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng..., triển khai định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sớm có các hoạt động nghiên cứu, đánh giá kịp thời và ban hành nhiều chính sách định hướng quan trọng tạo điều kiện cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số, khai thác, ứng dụng hiệu quả các công nghệ CMCN 4.0 trong hoạt động ngân hàng, cụ thể như sau:

PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Thứ nhất, ngay từ đầu năm 2017, trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của các Fintech (tính đến tháng 10/2020 có 200 công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam so với con số 40 công ty năm 2016), để góp phần hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, NHNN đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech của NHNN (Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017).

Tiếp đó, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng, trong năm 2019, Thống đốc NHNN đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ, giao đơn vị đầu mối (Vụ Thanh toán) chịu trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu về hoạt động ngân hàng số. NHNN khuyến khích các ngân hàng hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, công ty Fintech phát triển các giải pháp, mô hình kinh doanh mới với sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn, tiện lợi và chi phí thấp. NHNN đã thực hiện việc cấp phép cho các công ty Fintech cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thứ hai, khuôn khổ pháp lý thường xuyên được rà soát để chỉnh sửa, bổ sung nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số được thực hiện thường xuyên:

- NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 87/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó, cho phép các tổ chức tài chính được thực hiện nhận biết khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ, không cần gặp mặt trực tiếp khách hàng. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về thanh toán QR Code, tiêu chuẩn thẻ Chíp nhằm tăng cường kết nối, xử lý liên thông trong thanh toán cũng như tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác.

Ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng là cá nhân bằng phương tiện điện tử (eKYC). Sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về công tác đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động nghiệp vụ, hướng tới việc phù hợp với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.

Nguồn: Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước tháng 9/2020 đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Nguồn: Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước tháng 9/2020 đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

- NHNN đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan như: (i) Xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012; (ii) Trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng làm cơ sở cho việc ứng dụng nhanh chóng các công nghệ, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng; (iii) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về Luật Giao dịch điện tử để đảm bảo đầu tư và huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số...

Thứ ba, NHNN đã nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc và chỉ đạo xây dựng đưa vào vận hành hệ thống bù trừ điện tử phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm khách hàng tại các ngân hàng

Với tiếp cận “Chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững”, nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển mô hình hoạt động ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Số liệu khảo sát cho thấy, 95% ngân hàng đã, đang xây dựng chiến lược/thực hiện triển khai chuyển đổi số; trong đó, hơn 75% có kế hoạch số hóa toàn bộ sản phẩm, dịch vụ từ kênh giao tiếp khách hàng (front-end) đến quản trị nghiệp vụ nội bộ (back-end).

Cơ sở hạ tầng, hệ thống ngân hàng lõi (corebanking) và công nghệ được chú trọng đầu tư, nâng cấp nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn dữ liệu, giảm thiểu rủi ro hệ thống cũng như đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số; trong đó, theo khảo sát của NHNN vào tháng 9/2020, có 87% ngân hàng đánh giá hệ thống corebanking đã đáp ứng hoặc đáp ứng một phần hoạt động chuyển đổi số.

Trong trạng thái “bình thường mới”, hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/học máy, Blockchain, nhận biết và định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC)… trong các hoạt động nghiệp vụ, phân tích hành vi, nhu cầu khách hàng, giúp tối ưu hóa, cá nhân hóa việc cung ứng sản phẩm, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Việc hợp tác giữa ngân hàng, Fintech và tích hợp kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác trong thời gian qua đã góp phần mở rộng hệ sinh thái số, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tiện ích, thân thiện với người sử dụng phát triển mạnh và đã có sự thay đổi đáng kể khi kênh giao tiếp, cung ứng dịch vụ dần được số hóa dựa trên áp dụng các nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, thay thế cho những mô hình truyền thống; một số dịch vụ ngân hàng cung ứng đã được triển khai cho phép khách hàng thao tác 100% thông qua các kênh điện tử, truy cập và thực hiện 24/7 như nhận tiền gửi, thanh toán, tiết kiệm.

Số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số của nhiều ngân hàng Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc; có những ngân hàng như TPBank, MBBank… đã ghi nhận tỷ lệ hơn 80% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Hàng chục triệu khách hàng đã trở thành khách hàng số của ngân hàng với việc sử dụng thường xuyên các ứng dụng ngân hàng số trong mọi giao dịch thường nhật như ứng dụng ngân hàng số Digibank của VCB, iPay của VietinBank, Smart Banking của BIDV, eBank X của TPBank, Omni-Channel của OCB.Nhiều sản phẩm của ngân hàng số (xác thực điện tử - eKYC, ứng dụng di động, thanh toán không tiếp xúc, tiết kiệm điện tử...) đã được các ngân hàng tích cực triển khai, trong đó, một số ngân hàng thực hiện trên 90% giao dịch trên kênh số.

Trong hoạt động thanh toán đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, an toàn, tiện lợi (ứng dụng Tokenization, thanh toán di động, sử dụng mã QR code, sử dụng các yếu tố sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt) đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Trong đó, mức tăng trưởng thanh toán di động năm 2020 tăng 118% về số lượng và 121% về giá trị so với năm 2019 và theo khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2019, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2018.

Để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các ngân hàng đã chủ động lựa chọn liên hết, hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, công nghệ tài chính (Fintech, Bigtech...) để thực hiện số hóa sản phẩm, dịch vụ và kênh phân phối hiện đại cho khách hàng; hình thành, phát triển các hệ sinh thái số đem lại trải nghiệm và nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng.

Hệ sinh thái số với sự tham gia của nhiều “người chơi” mới, không phải là ngân hàng, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như các công ty Fintech, các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ (Vingroup, Grab…), các công ty thương mại điện tử (Lazada, Shopee…), các công ty viễn thông (Viettel, VNPT...) đã mang lại giá trị trải nghiệm lớn hơn rất nhiều cho khách hàng so với việc sử dụng các dịch vụ đơn lẻ.

Những thách thức đặt ra và định hướng trong thời gian tới

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức cần có giải pháp xử lý phù hợp: (i) sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng...; (ii) thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng tạo thuận tiện cho việc kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số; (iii) sự thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng; (iv) việc đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng; (v) việc bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số…

Để giải quyết những thách thức nêu trên và bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng trạng thái “bình thường mới”, lấy khách hàng làm trung tâm, trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần tập trung vào 6 nhóm công việc sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo, nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức từ bối cảnh CMCN 4.0.

Trong đó, trước mắt tập trung vào một số nội dung: (i) xây dựng kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số ngành ngân hàng; (ii) xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc phát triển thanh toán điện tử; (iii) trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); (iv) tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ theo hướng ứng dụng công nghệ số.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số và nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ của CMCN 4.0 vào hoạt động ngân hàng; ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó, lấy thanh toán số là làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như huy động, cho vay, đầu tư, bảo hiểm... và giao tiếp thuận tiện với các hệ sinh thái số bên ngoài nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với chi phí hợp lý và sự tường minh.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong triển khai chuyển đổi số và kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng cũng như chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế như: (i) sớm hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có cơ chế cho phép chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu này với một số ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông; (ii) ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng; (iv) đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Thứ năm, chú trọng công tác nhân sự, coi nguồn nhân lực ngân hàng có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số ngân hàng. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành ngân hàng, giúp người lao động ngành ngân hàng được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0.

Thứ sáu, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.

Tin bài liên quan