Câu nói trên nằm trong bài phát biểu dài 9 trang của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Hội nghị Ngành ngân hàng ngày 30/12/2015. Ông Hà phát biểu nhiều nơi, nhiều chỗ và ít khi dùng văn bản, nhưng lần phát biểu này có một sự khác biệt, bởi nội dung là đánh giá lại không chỉ một năm mà cả một chu kỳ 5 năm 2011-2015, đây cũng là quãng thời gian mà ngành ngân hàng chịu rất nhiều sức ép trước công luận và nền kinh tế.
Chuyện “nhỏ”
Đối với người dân, sự quan tâm đối với ngành ngân hàng có lẽ không nhiều, tập trung ở lãi suất tiền tiết kiệm là bao nhiêu, giá vàng và tỷ giá thay đổi thế nào? Sự quan tâm đó có từ rất lâu chứ không chỉ ở nhiệm kỳ này, bởi đây là những tài sản cất giữ quan trọng với nhiều gia đình. Vấn đề là trong 5 năm vừa qua, mối quan tâm đã trở lên lớn hơn nhiều bởi cơ chế quản lý nhà nước có một sự thay đổi mang tính căn bản.
Hãy nói về câu chuyện giá vàng và tỷ giá. Quyết định độc quyền vàng miếng SJC đã gây “bão” ở đầu nhiệm kỳ Thống đốc với rất nhiều tiếng nói phản đối, nhưng đến thời điểm hiện tại, sự quan tâm của người dân với vàng đã giảm đi rất nhiều. Giá vàng SJC luôn được “định” ở mức cao hơn giá quốc tế khoảng 4 triệu đồng/lượng, gửi vàng ở ngân hàng không còn được hưởng lãi suất như trước. Cơ chế này bóp nghẹt giới đầu cơ và giảm sự ham muốn nắm giữ vàng của một bộ phận dân cư.
Vàng không còn lóng lánh! Không còn mỗi năm giá cả đôi lần “nhảy múa”!
Tương tự như vậy là chuyện ngoại tệ, nhưng có khác một chút. Với chủ trương giảm đô la hóa nền kinh tế và trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam, những bước siết lại việc sử dụng ngoại tệ có từ hơn chục năm trước đây. Đầu tiên là hạn chế thanh toán bằng ngoại tệ, sau là hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, và những ngày cuối năm 2015, biện pháp chốt chặn cuối cùng được tung ra đó là hạn chế nắm giữ ngoại tệ.
Cơ chế quản lý bằng kinh tế, lãi suất tiền gửi ngoại tệ chỉ còn 0%/năm áp dụng với cả doanh nghiệp và người dân, thậm chí NHNN còn tính tới giải pháp thu phí nếu gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. Điều này sẽ khiến việc nắm giữ trở nên thua thiệt và ngoại tệ sẽ không còn vai trò là tài sản tích trữ với đại bộ phận dân cư.
Giải pháp quyết liệt này dự báo sẽ là bước cuối trong chuỗi chu trình hạn chế thanh toán, vay mượn và nắm giữ ngoại tệ trước khi cấm hẳn sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Một kết quả bình thường như phải có tại các nước phát triển, nhưng phải rất lâu Việt Nam mới có thể đạt được.
Vàng không còn lóng lánh! Không còn mỗi năm giá cả đôi lần “nhảy múa”!
Chuyện “lớn”
Quay lại với bài phát biểu của ông Trần Bắc Hà, câu chuyện ngành ngân hàng 5 năm qua được mô tả trong một tương quan rộng hơn với cả nền kinh tế, trong đó có người dân và doanh nghiệp. Thành tựu của ngành ngân hàng được mô tả ngắn gọn giữa năm 2011 và 2015 là: “một bên là hỗn loạn, rủi ro còn một bên là trật tự, ổn định”.
Có 5 ví dụ được đề cập đến. Đầu tiên là thanh khoản từ chỗ thiếu hụt, thị trường liên ngân hàng từ chỗ biến động nay đã chuyển sang ổn định và vận hành thông suốt. Tiếp đó là mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh từ trung bình 17-18%/năm xuống còn dưới 10%/năm, thậm chí là 6-7%/năm với các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, nợ xấu của ngành ngân hàng đã giảm mạnh xuống ngưỡng an toàn, từ mức 17,43% xuống còn 2,72% vào tháng 9/2015.
Điểm nhấn quan trọng đó là thành công của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ngoài việc đã giảm đi 19 tổ chức tín dụng, trong đó có rất nhiều tổ chức yếu kém ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống, thì còn là các vấn đề phức tạp hơn như sở hữu chéo, lợi ích nhóm, lũng đoạn, đầu cơ trên thị trường...
“Đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, phải đến giai đoạn này mới được xử lý kiên quyết, mạnh mẽ và chính vì vậy được đánh giá là thành công nhất. Đây có thể nói chính là cuộc đấu tranh giai cấp giữa chuyên chính vô sản và tư bản tư nhân lũng đoạn làm méo mó thị trường”, ông Hà nhấn mạnh.
Cuối cùng là trật tự thị trường đã được thiết lập, nếu như trước đây thị trường ngoại hối, vàng, biến động gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế; cạnh tranh giữa các ngân hàng thiếu lành mạnh. Đến nay trật tự trên thị trường ngoài hối, vàng, lãi suất đã được ổn định an toàn trong quản lý của NHNN.
Với những kết quả đó, ngành ngân hàng từ chỗ bị đánh giá là một trong những nhân tố góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế với tình trạng nợ xấu cao, hoạt động hỗn loạn thì đến nay đã trở thành một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Sở hữu chéo, lợi ích nhóm, lũng đoạn, đầu cơ trên thị trường... là vấn đề đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, phải đến giai đoạn này mới được xử lý kiên quyết, mạnh mẽ và chính vì vậy được đánh giá là thành công nhất. Đây có thể nói chính là cuộc đấu tranh giai cấp giữa chuyên chính vô sản và tư bản tư nhân lũng đoạn làm méo mó thị trường.
Theo tính toán của BIDV, nếu như trước đây tăng trưởng tín dụng trung bình phải ở mức 25-30%/năm mới tạo ra được mức tăng trưởng GDP ở mức 7,5-8%/năm thì nay mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13-15%/năm đã có thể tạo ra mức tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5%/năm.
Sự đóng góp của ngành ngân hàng 5 năm qua còn nằm ở chỗ đã thực hiện được vai trò đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, cơ cấu/tái cơ cấu tài chính, cơ cấu nợ, cung ứng vốn cho doanh nghiệp với các chương trình tín dụng ưu tiên, miễn giảm lãi cho khách hàng, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng…
Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, cân đối các vùng miền với các chương trình xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung…
Bức tranh nào cho 5 năm tới?
Câu chuyện 5 năm của ngành ngân hàng 2011-2015 đã đóng lại và một câu chuyện 5 năm khác 2016-2020 lại mở ra. Một chu kỳ kinh tế mới với yêu cầu mới, nhưng ngành ngân hàng vẫn chưa hết những câu chuyện cũ.
Thách thức, khó khăn lớn nhất mà ông Trần Bắc Hà đề cập là vấn đề có tính hệ thống khi chính sách tiền tệ hiện đang được giao thực hiện nhiều mục tiêu, và vai trò của các ngân hàng thương mại hiện nay là quá nặng với tỷ trọng lên đến 75% tổng tài sản của toàn hệ thống tài chính, trong khi đó, vai trò của thị trường vốn (huy động vốn trung, dài hạn) còn nhỏ bé.
Bên cạnh đó là quá trình tái cơ cấu vẫn cần tiếp tục và cần có thêm những hỗ trợ từ phía Chính phủ và NHNN, chẳng hạn như việc cân nhắc thời điểm nới “room” cho các nhà đầu tư ngoại tại các ngân hàng từ mức tối đa 30% hiện nay lên 49%, hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ,…
Và cuối cùng là yêu cầu về cải cách hành chính, mà theo như ông Hà, ngành ngân hàng vẫn còn tình trạng “giấy phép con” vừa làm lãng phí nguồn lực vừa dễ dẫn đến cơ chế “xin - cho” không minh bạch, ví dụ như việc yêu cầu các ngân hàng có vốn sở hữu chi phối của Nhà nước trình NHNN phê duyệt danh mục các dự án A, B…
“Theo tôi, trong vấn đề này NHNN đang ôm đồm vì thực chất NHNN chỉ cần thẩm định ngân hàng có đủ tiềm lực tài chính để triển khai dự án hay không, còn việc triển khai dự án như thế nào thì rõ ràng ngân hàng phải tuân thủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”, ông Hà nói.
Một trong những câu chuyện của 5 năm tới không thể không đề cập là đó là hội nhập kinh tế khi mà Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), AEC, và rất nhiều hiệp định tự do thương mại. Nhu cầu đưa các ngân hàng Việt lên tầm cấp khu vực và quốc tế là yêu cầu đã được đặt ra, nhưng thực hiện thế nào vẫn cần những biện pháp hỗ trợ cụ thể.