Lãi suất được dự báo ổn định ở mức thấp sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng

Lãi suất được dự báo ổn định ở mức thấp sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng

Ngành ngân hàng bớt sóng gió trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi tiếng nói về chính sách tiền tệ trở nên đồng điệu hơn trên toàn cầu, kỳ vọng hoạt động của hệ thống ngân hàng trong nước sẽ khởi sắc hơn.

Lợi nhuận 2023 chưa đạt kỳ vọng

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, kết thúc năm tài chính 2023, nhà băng này đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao, với quy mô tổng tài sản đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,6%; vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, BIDV đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng, cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm, miễn lãi, phí.

“Với tất cả các biện pháp đó, năm 2023, BIDV giảm lợi nhuận gần 5.900 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh”, ông Tú nói.

Tại Agribank, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng cho biết, trong khả năng tài chính, Agribank đã triển khai 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cho nhiều đối tượng khách hàng, với mức giảm lớn nhất 4%/năm. Tính chung cả năm 2023, tổng số lãi đã hỗ trợ cho khách hàng vào khoảng 4.850 tỷ đồng. Ngân hàng triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 200.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 2 - 3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn về dòng tiền trả nợ.

Cũng theo Chủ tịch Agribank, hết năm 2023, Ngân hàng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh như huy động 1,89 triệu tỷ đồng; cho vay 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó dành hơn 60% cho vay “tam nông”; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn mức Ngân hàng Nhà nước giao; lợi nhuận nộp ngân sách thực hiện đúng cam kết, đảm bảo để Agribank được tăng vốn điều lệ 17.100 tỷ đồng theo đề án Chính phủ trình Quốc hội.

Không đề cập về con số lợi nhuận của năm 2023, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, dư nợ tín dụng của Ngân hàng được thúc đẩy ngay từ đầu năm, luôn giữ mức cao hơn so với bình quân toàn ngành. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 15,6%, tương đương đưa thêm gần 200.000 tỷ đồng vốn vào nền kinh tế.

“VietinBank đã triển khai hiệu quả các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, như hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước với dư nợ là 12.000 tỷ đồng, là ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất cao nhất so với các ngân hàng thương mại khác. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với dư nợ chiếm khoảng 40% tổng dư nợ”, ông Bình nói.

Tương tự lãnh đạo VietinBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB Lưu Trung Thái chỉ chia sẻ về con số tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 28,8%, trong đó dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%. MB đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất 7 lần trong năm 2023, với mức giảm từ 2 - 4%/năm để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay; đóng góp ngân sách nhà nước trên 7.700 tỷ đồng. Ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của Tập đoàn vào khoảng 1,44% và riêng Ngân hàng là 1,23%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 cải thiện nhẹ so với quý trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Đánh giá tổng thể năm 2023, các tổ chức tín dụng nhận định, tình hình kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, 78,6% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022; 17,9% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm và 3,6% ước tính không thay đổi.

"Cải thiện từ quý I/2024"

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 81,8% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong năm 2024.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, bối cảnh vĩ mô biến động phức tạp khó lường gần đây đã và đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc giải bài toán cân bằng các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dần bước vào pha nới lỏng, áp lực tỷ giá và lạm phát trong tầm kiểm soát, năm 2024, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục củng cố định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ với mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, vị lãnh đạo BIDV dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các công cụ, giải pháp tương tự năm 2023, với cách thức linh hoạt, chặt chẽ. Cụ thể, bên cạnh nhóm công cụ thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tín dụng như gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh chính sách về hạn mức tín dụng hay kêu gọi các ngân hàng thương mại tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay...

“Riêng với lãi suất điều hành, mặc dù dự kiến tiếp tục giữ nguyên tại kịch bản cơ sở nhưng cũng không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành trong trường hợp Fed nới lỏng mạnh mẽ hơn dự kiến hay kinh tế trong nước suy yếu hơn kỳ vọng”, vị lãnh đạo BIDV nêu quan điểm.

Cũng theo vị lãnh đạo BIDV, sau giai đoạn xác lập xu hướng giảm mạnh mẽ, nhất quán xuyên suốt cả năm 2023, lãi suất VND dự kiến sẽ bước vào giai đoạn có phần ổn định hơn trong năm 2024 và mặt bằng lãi suất nhìn chung tiếp tục duy trì ở mức thấp. Theo đó, lãi suất huy động VND dự kiến có xu hướng đi ngang là chủ đạo.

“Động lực hỗ trợ cho xu hướng ổn định của lãi suất VND trong năm 2024 tiếp tục gọi tên hai nhân tố chính là xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN và trạng thái dồi dào của thanh khoản VND. Với bộ đệm khá tích cực từ cuối năm trước, thanh khoản VND sẽ tiếp tục được bồi đắp trong năm 2024 bởi chính sách tiền tệ nới lỏng. Cùng với đó, cân đối tín dụng - huy động vốn dự kiến tương đối ổn định trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chưa có nhiều đột phá, ước đạt quanh 13 - 14%”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Trong khi đó, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, với triển vọng toàn cầu ổn định và lạm phát ở mức vừa phải, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ nguyên mặt bằng lãi suất điều hành trong thời gian sắp tới.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 71,6% tổ chức tín dụng đánh giá các nhân tố nội tại đã giúp cải thiện tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2023 và 81,8% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện” trong năm 2024. Trong khi có 7,3% tổ chức tín dụng nhận định tổng thể các nhân tố nội tại làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2023 và dự kiến cho cả năm 2024, chủ yếu là do nhân tố “năng lực tài chính của đơn vị” (4,4 - 7,1% tổ chức tín dụng lựa chọn).

Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị tiếp tục được 71,4 - 72,6% tổ chức tín dụng đánh giá là nhân tố nội tại quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong 3 quý liên tiếp cũng như cả năm 2023 và năm 2024 (80,5% tổ chức tín dụng lựa chọn).

Đối với các yếu tố khách quan, các tổ chức tín dụng đánh giá, chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh trong quý IV/2023, cả năm 2023 và kỳ vọng cho cả năm 2024, sau đó đến “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”. Trong năm 2024, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tất cả các yếu tố khách quan có tác động tích cực hơn so với năm 2023.

“Với tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng ở mức thấp và chưa đạt được như kỳ vọng, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Nhìn về năm 2024, ông Ngô Đăng Khoa cho rằng, “dường như những khó khăn nhất đã ở phía sau, nhưng sự phục hồi là không đồng đều”.

“Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng”

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB

Năm 2023, MB đã tăng trưởng tín dụng theo đúng định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tập trung 65% dư nợ tăng mới theo nhóm ngành ưu tiên của Chính phủ. Bên cạnh đó, triển khai các chương trình ESG - tín dụng xanh; kiểm soát hiệu quả chi phí; nâng cao hoạt động từng điểm giao dịch; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sâu rộng trong từng hoạt động.

Tổng giá trị xử lý/thu hồi nợ xấu năm 2023 của MB đạt 5.329 tỷ đồng, giá trị thu hồi theo Nghị quyết 42 đến 30/11/2023 đạt 17.156 tỷ đồng.

Ngân hàng đã triển khai các dự án quản trị rủi ro: ứng dụng dữ liệu, mô hình trong việc phát hiện sớm, dự báo rủi ro; bước đầu triển khai Basel III.

Đối với phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, MB triển khai nhiều giải pháp phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để cải thiện hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm lỗ lũy kế, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước giao.

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiên định với các mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực thi chính sách tiền tệ chủ động; điều hành linh hoạt, thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững. Cần thúc đẩy kinh tế xanh, các chương trình ESG để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, dài hạn từ quốc tế.

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung một số nội dung trong Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, cần xây dựng cơ chế thông thoáng, thuận lợi đối với hoạt động cho vay của công ty tài chính để người dân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, trên cơ sở ứng dụng mô hình, công nghệ thuật toán chấm điểm khách hàng, cơ chế chia sẻ, tiếp cận dữ liệu cư dân quốc gia và nguồn thông tin tin cậy khác.

Bên cạnh đó, giải pháp tố tụng rút gọn trực tuyến và các biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật không trả nợ, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Đồng thời, phòng ngừa việc thao túng tổ chức tín dụng thông qua bổ sung các nguyên tắc, định trách nhiệm đối với chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng; vai trò, trách nhiệm giám sát, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra mối quan hệ giữa cổ đông với khách hàng.

“Lạc quan về triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2024”

Ông Ramachandran As, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam

Ông Ramachandran As, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam

Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài (BWG) rất lạc quan khi đưa ra dự đoán về triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2024. Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nỗ lực và quyết tâm chỉ đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.

BWG khuyến nghị một số lĩnh vực chính cần tập trung trong năm 2024:

Một là, cân bằng lạm phát và tăng trưởng. Tiếp tục thận trọng kiểm soát lạm phát đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Hai là, thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số. Tăng cường hệ thống thanh toán hiệu quả, thúc đẩy tài chính toàn diện mạnh mẽ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung, với trọng tâm là việc áp dụng chuyển đổi số tạo điều kiện thúc đẩy các dịch vụ tài chính an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn cho mọi tầng lớp dân cư, từ đó phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Ba là, ngân hàng xanh. Tăng cường các hoạt động ngân hàng bền vững phù hợp với các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu, tập trung hơn vào các khía cạnh Xã hội và Quản trị, ngoài khía cạnh Môi trường trong khuôn khổ ESG. Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Theo đó, góp phần đảm bảo sự phát triển toàn diện của các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng; hướng tới xây dựng một hệ sinh thái cân bằng cùng ngành ngân hàng bền vững và phát triển, đáp ứng tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị và thúc đẩy phúc lợi xã hội. ESG là một yếu tố trọng tâm mang tính tích hợp và định hướng cho các sáng kiến và phối hợp giữa các tổ chức tín dụng nước ngoài và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng tới mục tiêu một ngành ngân hàng phát triển bền vững và có trách nhiệm.

Bốn là, tăng cường khuôn khổ pháp lý. Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp lý nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt là việc ban hành Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và các văn bản pháp lý liên quan nhằm tăng cường nền tảng pháp lý cho ngành ngân hàng Việt Nam.

BWG cam kết đóng góp những công nghệ tiên tiến, an toàn nhất, cùng việc chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành ngân hàng Việt Nam vững mạnh, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Tin bài liên quan