Nhiều ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu 
để giảm dự phòng

Nhiều ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu để giảm dự phòng

Ngành ngân hàng bớt gánh nặng dự phòng

(ĐTCK) Nếu chưa nhìn vào ảnh hưởng của Covid-19 năm nay thì ngành ngân hàng đã có giai đoạn xử lý nợ xấu rất thành công.

Nhiều ngân hàng đã tất toán nợ tại VAMC

Theo báo cáo tài chính, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của Techcombanknăm 2019 đạt 2,9% - mức cao nhất trên thị trường, nhờ chi phí dự phòng giảm tới 50,3%, xuống mức 917 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2019 của Ngân hàng ở mức 1,3%. Kết quả này có được một phần do Techcombank đã xử lý xong hết nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

ACB cho biết, đã tất toán xong trái phiếu VAMC từ năm 2017 và hiện tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ còn tồn đọng để giảm dự phòng trích lập rủi ro nợ xấu. Theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, hầu hết nợ đã bán cho VAMC đều có tài sản bảo đảm bằng bất động sản nên thuận tiện trong công tác xử lý.

“Hiện còn một khoản nợ của công ty con ACB Leasing tại VAMC, chúng tôi sẽ tiến hành mua lại để xử lý trong năm nay”, ông Toàn cho hay.

Theo báo cáo tài chính năm 2019, dự phòng rủi ro của ACB giảm đến 71% so với cuối năm 2018. Áp lực trích lập dự phòng rủi ro của ACB không còn lớn như những năm trước do đã giải quyết xong các khoản nợ liên quan đến nhóm 6 công ty của “bầu” Kiên. Nhờ sớm tất toán trái phiếu VAMC và xử lý được những khoản nợ xấu lớn, giảm dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận dần cải thiện. Kết thúc năm 2019, ACB đạt 7.500 tỷ đồng lợi nhuận, vượt mục tiêu đặt ra hồi đầu năm là 7.279 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm chỉ ở mức 0,73%.

Tại Vietcombank, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu giảm về 0,78% từ mức 0,98% hồi đầu năm, tương đương giảm 499 tỷ đồng, về mức 5.724 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng công bố đã tất toán xong nợ tại VAMC.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ước tính đến 31/12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Từ năm 2012 đến cuối năm 2019, toàn hệ thống ước xử lý được 1,064 triệu tỷ đồng nợ xấu.    

Việc lợi nhuận cải thiện dần những năm gần đây giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu. Điều đó thể hiện qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu (được tính bằng số dư dự phòng rủi ro của các khoản nợ xấu/nợ xấu) tại nhiều nhà băng tăng mạnh so với giai đoạn trước. Chẳng hạn, tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã tăng từ mức 165% hồi đầu năm 2019, lên mức 182% vào cuối năm. Đây là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong hệ thống.

Nhiều ngân hàng khác cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên ngưỡng 100%, ví dụ BAC A BANK là 131,45%. Năm 2019, BAC A BANK ghi nhận lợi nhuận trước thuế 936 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018 nhờ chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh, xuống còn 156 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,76% xuống 0,68%. Số dư trái phiếu VAMC giảm nhẹ, xuống mức 473 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng rủi ro 373 tỷ đồng.

VietinBank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 119,7%. Nhờ xử lý được nhiều nợ xấu trong năm qua, giá trị nợ xấu của VietinBank đã giảm từ 13.691 tỷ đồng xuống 10.813 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 giảm từ 9.470 tỷ đồng xuống 7.204 tỷ đồng (giảm 21%), tỷ lệ nợ xấu theo đó giảm từ 1,58% về 1,16%.

Chưa hết áp lực

Bên cạnh những nhà băng đã giảm mạnh dự phòng rủi ro, cũng có không ít ngân hàng ghi nhận tăng khi kết thúc năm 2019, cho dù đã xử lý tốt nợ xấu như  BIDV (+6%), SCB (+10%), VPBank (+22%), ABBank (+48%), MB (+61%), SHB (+66%), VietinBank (+67%), Kienlongbank (+100%), TPBank (+148%)…

Thống kê từ các báo cáo tài chính cho thấy, 10 ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất trong năm 2019 lần lượt là BIDV (20.009 tỷ đồng), VPBank (13.688 tỷ đồng), VietinBank (13.002 tỷ đồng), Vietcombank (6.790 tỷ đồng), MB (4.891 tỷ đồng), SCB (2.371 tỷ đồng), SHB (2.369 tỷ đồng), Sacombank (2.153 tỷ đồng), TPBank (1.298 tỷ đồng) và HDBank (1.289 tỷ đồng).

Việc phải trích dự phòng cao đã tác động tới lợi nhuận. Đơn cử, tại BIDV, năm 2019, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% lên mức kỷ lục 30.885 tỷ đồng, nhưng do phải trích tới hơn 20.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro (tăng 6,2% so với năm 2018), khiến lợi nhuận thuần giảm gần 65% và là nguyên nhân chính kéo giảm tốc độ tăng của lợi nhuận trước thuế.

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải xử lý được nợ xấu mới tính đến việc chia cổ tức, nếu không phải dùng lợi nhuận để trích dự phòng.   


Theo lãnh đạo Kienlongbank, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm 204 tỷ đồng, tương đương giảm 70,38% so với năm 2018, là do trong tháng cuối năm, Kienlongbank hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước. Việc này theo phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đối với các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank.

“Trong năm qua, Kienlongbank đã hoàn thành việc tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC, nhưng vì chưa xử lý kịp tài sản bảo đảm nên phải tăng dự phòng rủi ro lên gấp đôi là 75 tỷ đồng. Việc tăng trích lập dự phòng đã ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2019, nhưng sẽ có đóng góp trong thời gian tới khi tài sản nợ được xử lý, trong khi Ngân hàng không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC kể từ 1/1/2020”, đại diện Kienlongbank nói.

Saigonbank báo lãi ròng năm 2019 gấp 3,4 lần năm 2018 (đạt gần 145 tỷ đồng) nhờ chi phí dự phòng giảm tới 43%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay cũng giảm về dưới 2% (đạt 1,94%). Dù vậy, tính đến cuối năm 2019, Saigonbank vẫn ghi nhận gần 801 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và Ngân hàng đã trích dự phòng hơn 231 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 của Eximbank tăng 15%, lên gần 1.786 tỷ đồng. Nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ hơn, đạt 5%, xuống hơn 690 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế năm 2019 của Eximbank tăng 32% và 31% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.095 tỷ đồng và hơn 866 tỷ đồng. Lượng trái phiếu VAMC còn nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.200 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, Eximbank trích dự phòng được gần 2.100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần khoảng 1.100 tỷ đồng nữa là Ngân hàng có thể tất toán hết trái phiếu VAMC.

Theo một lãnh đạo Eximbank, dự kiến vào tháng 6/2020, Eximbank sẽ hoàn tất việc xử lý nợ tại VAMC. Điều này vừa giúp Eximbank giải quyết khoản nợ lớn tồn tại thời gian qua, vừa tạo dư địa triển khai nhiều kế hoạch khác, trong đó có việc chia cổ tức cho cổ đông sau hơn 5 năm gián đoạn. Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải xử lý được nợ xấu mới tính đến việc chia cổ tức, nếu không phải dùng lợi nhuận để trích dự phòng.

Thời gian qua, có khá nhiều ngân hàng mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý, bao gồm cả việc xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro tín dụng. Dù vậy, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cảnh báo, rủi ro nợ xấu đối với ngân hàng vẫn cao, nhất là khi dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.

Theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra trong quá trình cho vay. Số dự phòng rủi ro cần phải trích lập bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Hiện dự phòng chung được tính bằng 0,75% tổng giá trị của các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4; trong khi dự phòng rủi ro cụ thể đối với nợ nhóm 1 là 0%; nhóm 2 là 5%; nhóm 3 là 20%; nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%.

Tin bài liên quan