Số liệu được Viện trưởng CIEM Nguyễn Ðình Cung cung cấp, dự báo doanh thu của ngành thương mại điện tử năm 2030 đạt khoảng 40 tỷ USD; trí tuệ nhân tạo (AI) là 420 triệu USD; điện toán đám mây 2,2 tỷ USD; gọi xe công nghệ 2,2 tỷ USD; nông nghiệp thông minh 1,7 USD…
Theo ông Cung, Cách mạng 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5 - 62,1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, tương đương mức tăng 7 - 16% GDP năm 2030, tuỳ theo từng kịch bản (cao, thấp, trung bình của tăng trưởng kinh tế).
Theo đó, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315 - 640 USD vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm. Tăng trưởng sản xuất nhờ Cách mạng 4.0 tạo ra việc làm mới với mức tăng thuần ước tính 1,3 - 3,1 triệu việc làm, một số công việc sẽ giảm đi trong khi đó nhiều công việc mới được tạo ra.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế số tại Nhật Bản và nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, ông Toshio Iwamoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn IT toàn cầu NTT Data cho biết, Cách mạng 4.0 tạo ra sự kết nối của các doanh nghiệp thông qua không gian mạng từ sản xuất, phân phối tới dịch vụ. Các ngành năng lượng, sản xuất, chính sách công cộng… đã được kết nối với nhau, tiến sang một xã hội thông minh.
Theo đại diện NTT, Cách mạng 4.0 là cơ hội lớn, là con đường ngắn nhất để giúp Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại.
“Việt Nam cần tập trung nguồn lực để thực hiện thông qua chính sách tích cực của Chính phủ về công nghệ và sáng tạo, chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu, từ đó, chuyển đổi quản trị nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cách mạng 4.0, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp 4.0; tập trung đầu tư, phát triển một số công nghệ mới ứng dụng đa ngành, có lợi thế và tiềm năng phát triển”, ông Iwamoto khuyến nghị.
Tham dự Hội nghị, ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vấn đề lớn đặt ra hiện nay là Nhà nước sẽ có những chính sách ưu đãi nào để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp và thương mại hóa các ý tưởng thành động lực cho tăng trưởng kinh tế trên nền tảng kỹ thuật số; đồng thời, việc kết nối nguồn lực nhà nước với các quỹ tư nhân sẽ như thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Ðây là những vấn đề được các chuyên gia và doanh nghiệp rất quan tâm khi Chiến lược quốc gia trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và Ðề án Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đang được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chuẩn bị trình Chính phủ.
“Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn như VinGroup, Viettel, VNPT, FPT đều đã có các trung tâm công nghệ, trung tâm R&D. Vậy có thể kết nối NIC với các trung tâm này cũng như với các trường đại học triển khai nghiên cứu trên nền tảng sàn công nghệ ảo để hiện thực hóa các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành hiện thực được không? Hay liệu có thể giống như mô hình Thung lũng Silicon của Mỹ trở thành nơi tập hợp hàng vạn chuyên gia hàng đầu về phần mềm để tạo nên các giá trị lớn cho ứng dụng công nghệ?”, ông Hòe đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, một câu chuyện khác cũng được ông Hòe đề cập là cơ sở hạ tầng dữ liệu của Việt Nam sẽ được xây dựng thế nào để phục vụ cho việc nghiên cứu, phân tích và sử dụng cho thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong một điều kiện còn khá hạn chế là vẫn còn một tỷ lệ tương đối lớn bộ ngành chưa kết nối chia sẻ hệ thống thông tin quốc gia.
“Hiện vẫn còn tình trạng nhiều bộ ngành công chức lạm dụng việc đóng dấu mật nhiều thông tin dữ liệu, không chịu minh bạch công khai các thông tin sẽ vận hành rất khó. Ðiều này dẫn tới việc kết nối trong thị trường Việt Nam vẫn bị hạn chế, ràng buộc, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân. Cần thay đổi cơ chế này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như các viện nghiên cứu của Bộ và trường đại học tự chủ một phần có thể kết nối vận hành trơn tru với NIC thì mới có thể phát huy hiệu quả hệ thống dữ liệu”, ông Hòe thẳng thắn nêu ý kiến.