Thử thách sinh tồn
Cách đây vài tháng, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ còn “ăn mừng” vì trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Tới nay, niềm vui này nhanh chóng biến thành niềm đau lớn nhất, khi giá dầu lao dốc, cách xa ngưỡng cần thiết để tạo ra lợi nhuận, thậm chí, giá dầu hợp đồng tương lai tháng 5 xuống mức âm, hợp đồng tương lai tháng 6 chỉ còn quanh mức 10 USD/thùng.
“Thế giới chưa bao giờ tạm dừng. 60% nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ xuất phát từ việc di chuyển. Vậy nhưng, việc mọi thứ “ngừng chuyển động” vì dịch bệnh đã khiến doanh số bán khí đốt giảm hơn 50%, các chuyến bay trên toàn cầu giảm 80 - 90%. Sự sụp đổ của giá dầu xuất phát từ nhu cầu “biến mất”.
Ðây là điều khác biệt hoàn toàn với mọi cuộc khủng hoảng khác”, Francisco Blanch, chiến lược gia trưởng thị trường hàng hoá toàn cầu tại Bank of America chia sẻ.
Trước khi các lệnh hạn chế đi lại được áp dụng, các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ sản xuất 13 triệu thùng dầu/ngày. Hiện nay, sản lượng đã giảm ít nhất 25% và sẽ tiếp tục đi xuống.
Nhiều gã khổng lồ năng lượng như Exxon Mobil đã phải hạ mục tiêu sản xuất xuống 1/3 và kế hoạch này còn được đưa ra trước khi giá dầu xuống mức âm trong tuần này.
Nhiều doanh nghiệp năng lượng nhỏ khác đối diện khả năng phá sản trong vài tháng tới, sau khi vay mượn hàng tỷ USD trong những năm qua để phục vụ đầu tư mở rộng sản xuất.
Các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ đang sở hữu khối nợ 86 tỷ USD sẽ đến hạn trong khoảng thời gian 2020 - 2024, trong khi con số này với các công ty dịch vụ đường ống, vận chuyển dầu là khoảng 123 tỷ USD, theo số liệu của Moody’s Investors Service.
Ðáng chú ý, nếu như cách đây 2 thập kỷ, việc giá dầu thấp có thể hỗ trợ nền kinh tế theo cách thúc đẩy chi tiêu, tiết giảm chi phí năng lượng thì hiện tại, ngành công nghiệp dầu mỏ đã trở nên “quá lớn” để có thể sụp đổ.
Các doanh nghiệp ngành này đang tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 10 triệu người lao động. Bất kỳ biến cố lớn nào với năng lượng đều tạo nên nhiều hệ luỵ khó xử lý.
Trong tháng 3/2020, 51.000 việc làm tại các công ty dầu và khí đốt đã biến mất. Vậy nhưng, tốc độ sa thải này được đánh giá vẫn chưa đủ nhanh để giúp các doanh nghiệp có thể chống chọi được trước biến động của giá dầu.
Bơm tiền cũng khó
Trong bối cảnh nhiều gói hỗ trợ được tung ra nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, việc ngành năng lượng đón nhận dòng vốn mới bơm vào là dễ hiểu, nhất là khi năng lượng đóng vai trò lớn trong hoạt động đầu tư.
Lần gần nhất giá dầu WTI giảm mạnh vào giai đoạn 2015 - 2016, ngành công nghiệp và sản xuất Mỹ đã bước vào khủng hoảng. Nhiều ý kiến cho rằng chính điều này đã dẫn tới việc tỷ phú Donald Trump nhận được sự ủng hộ để trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của các công ty năng lượng Mỹ đã có vấn đề lớn từ trước khi giá dầu lao dốc.
Ðược bơm vào dòng vốn giá rẻ, các nhà sản xuất dầu đá phiến mạnh tay vay mượn để đầu tư, khiến quy mô thị trường trái phiếu ngành năng lượng Mỹ tăng gấp 3 trong 1 thập kỷ qua, bất chấp việc kinh doanh không lấy làm hiệu quả.
Chẳng hạn, nhà sản xuất Chesapeake Energy đã không hề có dòng tiền hoạt động dương trong suốt thập kỷ qua.
Trong bối cảnh này, việc tiếp tục bơm tiền vào một ngành năng lượng hoạt động thiếu linh hoạt và hiệu quả có thể tạo nên rủi ro rất lớn cho nền kinh tế.
Theo các chiến lược gia tại Rystad Energy, các nhà sản xuất dầu đá phiến cần phải cắt giảm chi phí 16% trong năm nay và hiệu quả hoạt động khó có thể được cải thiện nếu chính phủ bơm tiền mới.
Nếu các gói hỗ trợ không đi đúng hướng, nhiều khả năng sẽ tạo nên những công ty “zombie” trong ngành năng lượng: sống nhờ các gói hỗ trợ, không đủ khả năng kiếm lợi nhuận để duy trì hoạt động kinh doanh một cách thông thường.