Ngành kinh tế xanh gian nan đón du khách quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Ngành kinh tế xanh của Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế, nhưng quy trình, sự phục hồi cơ sở vật chất và nhân sự du lịch chậm khiến hành trình này còn không ít gian nan.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 4,5 lần; doanh thu du lịch lữ hành tăng 34,7% so với cùng kỳ 2021.

Từ ngày 27/4/2022, Việt Nam đã tạm dừng các quy định về khai báo y tế; từ ngày 15/5 tiếp tục tạm dừng xét nghiệm Covid-19 đối với khách nhập cảnh. Điều này đã tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi nhằm thu hút đông đảo du khách đến Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo nhanh tình hình đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đã chỉ ra nhiều bất cập khiến lượng khách chưa khả quan. Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 khá khiêm tốn. Nếu không tính tháng 5 có sự kiện SEA Games 31, thì trong 4 tháng đầu năm, tổng lượng khách Việt Nam đón được chưa đến 105.000 lượt, con số quá nhỏ. Thời gian tới, khi đà phục hồi mạnh mẽ hơn, con số này có thể cải thiện. Dù vậy, vẫn có nhiều điều Việt Nam cần làm để hướng đến mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách quốc tế.

Về chính sách mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam, theo ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Golden Tour, Việt Nam thông báo mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ 15/3 là khá sớm so với các nước trong khu vực, nhưng chúng ta lại thiếu hành động khôi phục niềm tin của du khách. Thái Lan, Singapore, Indonesia… mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế muộn hơn chúng ta ít ngày, song họ đã có kế hoạch trước đó 3-6 tháng và kịp quảng bá, xúc tiến thị trường. Quy định bỏ test Covid-19 của chúng ta đi sau nhiều nước, chính sách visa kể cả miễn visa, E-visa, visa cửa khẩu đều quá thận trọng, đánh mất những cơ hội lớn, đặc biệt là sức hút du khách quốc tế.

Theo CEO Golden Tour, hậu Covid-19, du khách có nhu cầu du lịch thực sự và không còn lên kế hoạch trước nhiều tháng như xưa. Khi dịch bệnh ổn định, họ sẽ lập tức xách ba lô lên đường và ưu tiên chọn những quốc gia có chính sách visa cởi mở, thông thoáng, cùng những quy định về y tế không quá khắt khe. “Bên cạnh đó, quy định thời hạn visa trong 15 ngày cũng đang làm khó doanh nghiệp và du khách. Chúng tôi đang có những đoàn khách muốn đến Việt Nam đánh golf ở 18 - 20 ngày, đang đợi trả lời vấn đề visa”, ông Dũng chia sẻ.

Mặt khác, việc thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam cũng đang gặp khó khi giá dịch vụ tăng chóng mặt và các đơn vị vận chuyển, khách sạn, nhà hàng ăn uống chưa phục hồi hoàn toàn. “Số lượng đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch và nhân sự mới chỉ phục hồi khoảng 50% so với trước dịch”, ông Dũng nói và cho biết, từ đầu tháng 4, doanh nghiệp này đã khảo sát các đơn vị cung ứng dịch vụ, có những nơi khẳng định đầu tháng 5 sẽ hoạt động lại, nhưng đến nay vẫn chưa mở cửa hoặc mở cửa nhưng không tuyển được người làm.

Hiện Golden Tour đang đón khách ở các thị trường Đông Nam Á, Đông Âu, Trung Âu, Nam Phi... Tổ chức một tour mất công sức gấp 1,5 lần so với thời gian trước khi xảy ra Covid-19.

Những nhận định của CEO Golden Tour cũng tương đồng với báo cáo của TAB. TAB cho rằng, chính sách miễn thị thực là chính sách đầu tiên và quan trọng hàng đầu. Doanh nghiệp mong chính sách thị thực thuận lợi hơn để đón được nhiều khách. Chính sách này còn quan trọng hơn cả chính sách thuế khóa và tài chính.

“Chúng tôi đề xuất mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan. Điều này sẽ giúp ngành du lịch mở rộng thêm các thị trường du lịch để không bị lệ thuộc vào một vài thị trường nào đó", ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Đại diện TAB cũng cho rằng, cải thiện chính sách miễn thị thực không chỉ thu hút thêm nhiều khách hơn từ các thị trường, nó còn làm tăng doanh thu cho ngành du lịch. Tư duy "đếm khách" để đo mức độ thành công trong thu hút khách quốc tế giờ đã không còn phù hợp. Việt Nam cần tạo ra một môi trường hấp dẫn để khách chi tiêu nhiều nhất.

Cũng theo TAB, cách quảng bá, tiếp thị hình ảnh du lịch Việt Nam còn khá mờ nhạt. Việt Nam cần phải củng cố niềm tin của khách du lịch quốc tế, đặc biệt ở các thị trường trọng điểm bằng cách quảng bá rộng rãi kế hoạch mở cửa đón khách thông qua họp báo, trả lời phỏng vấn hãng truyền thông quốc tế. Các bài viết trên trang web chính thức quảng bá du lịch Việt Nam và các trang mạng xã hội cần liên tục cập nhật thông tin về mở cửa.

Ngoài ra, TAB kiến nghị thành lập một tổ công tác đặc biệt đa thành phần. Tổ công tác này hoạt động điều hành trực tuyến, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết định kịp thời. Họ sẽ thực hiện hoặc hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các báo cáo hàng tháng trình Chính phủ, đồng thời gửi các bộ, ngành, địa phương liên quan để đúc kết các bài học, đề xuất cải thiện quy định cho mở cửa du lịch quốc tế thông thoáng và thuận lợi hơn.

Tin bài liên quan