Ngành kinh tế xanh chủ động chuyển đổi số

Ngành kinh tế xanh chủ động chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn Covid-19, ngành du lịch rất nỗ lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng linh hoạt và duy trì hoạt động. Nhiều sản phẩm du lịch thông minh ra đời, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, Cục đã chủ động hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để triển khai hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá. Năm 2021, Cục phối hợp với Google để ra mắt dự án Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam.

Với sự hỗ trợ ban đầu của Google, Cục tiếp tục triển khai chương trình truyền thông bằng video clip trên nền tảng số YouTube với chủ đề “Việt Nam: Đi để yêu!”. Cùng với đó là nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Zalo, Viber…

Ở cấp địa phương, nhiều tỉnh, thành phố nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nên đã làm mới cách tiếp thị, xây dựng sản phẩm nhằm tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của du khách.

Mới đây, UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, phục vụ quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong đó có nhiều tính năng để hỗ trợ phát triển du lịch nhờ công nghệ.

Theo đó, trung tâm này thí điểm ứng dụng công nghệ 3D cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch ảo đối với những điểm du lịch do thị xã Sa Pa trực tiếp quản lý để phục vụ người dân, du khách và doanh nghiệp.

Cuối năm 2020, lần đầu tiên tại Tây Bắc, một tour du lịch ảo đã được thực hiện tại Mộc Châu (Sơn La). Các bộ ảnh và video 360 (VR 360) về điểm tham quan du lịch Mộc Châu, các cơ sở dịch vụ tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu… đã cho du khách cái nhìn toàn cảnh, không bị giới hạn không gian. Người xem sẽ dễ dàng di chuyển khắp nơi, thậm chí nghe thấy âm thanh tiếng thác chảy, suối reo, chim kêu và tiếng của hướng dẫn viên thuyết minh…

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong top đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á thuộc nhóm này.

Nguyên nhân do ngành du lịch đã chuyển đổi số và đạt được một số kết quả tích cực. Đây cũng là cơ hội để việc chuyển đổi số hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các điểm đến đặc sắc với bạn bè quốc tế nhiều hơn.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, nếu như trước đây, mỗi cơ sở lưu trú sử dụng một phần mềm quản trị và kinh doanh du lịch riêng rẽ, độc lập, thì nay đã sử dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch dùng chung.

“Thay vì 33.000 cơ sở lưu trú tự triển khai mỗi cơ sở một phần mềm, thì sử dụng nền tảng như một dịch vụ, trả tiền như điện nước, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Như vậy sẽ rút ngắn thời gian, giảm chi phí đầu tư, thông tin về trạng thái phòng luôn được cập nhật, đồng bộ”, ông Tuấn phân tích.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẳng thắn: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn nhận quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế”.

Điều đó thể hiện qua sự manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc trong quá trình triển khai, dẫn đến khó hình thành một hệ sinh thái thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành. Không những thế, sự chênh lệch về công nghệ số tại các địa phương do nhiều nguyên nhân khác nhau như trình độ phát triển, thiếu hụt nguồn lực về công nghệ hiện đại; các giải pháp và nền tảng, hạ tầng công nghệ số còn chưa đầy đủ; dữ liệu chưa được cập nhật...

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao, khả năng tiếp cận du lịch thông minh của các doanh nghiệp này còn thấp, nên chỉ đầu tư rời rạc một số ứng dụng.

Ông Nguyễn Hữu Hằng Tâm, đại diện chuỗi khách sạn Nam Cường Hải Phòng (Tray Hotel) cho biết, với quá trình chuyển đổi số thì câu chuyện khó khăn là không đếm xuể. Tại doanh nghiệp, nhân sự ở các bộ phận về marketing, social media… hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Các phần mềm hỗ trợ vẫn chưa hoạt động tốt, dù doanh nghiệp cố gắng đầu tư để tăng tiện ích thì tình trạng lỗi ứng dụng, kết nối không ổn định trong quá trình vận hành vẫn luôn diễn ra. Từ đó dẫn đến trường hợp khách hàng đã đặt dịch vụ, nhưng doanh nghiệp không nhận được thông tin.

Ông Tâm cho biết thêm, không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để thực hiện chuyển đổi số sớm và nhanh chóng, vì vậy, doanh nghiệp vẫn đang dò dẫm từng bước để phù hợp với nền kinh tế mà vẫn có thể tham gia vào quá trình hội nhập chung.

Tin bài liên quan