Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, xin Bộ trưởng cho biết những dấu ấn quan trọng nhất của ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT)?
Có thể nói, trong suốt chặng đường 70 năm qua, quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của ngành KH&ĐT luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước.
Vì thế, trong những dấu ấn, những thành tựu phát triển của đất nước, có dấu ấn và những đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ ngành KH&ĐT, dù là trong thời kỳ bảo vệ chính quyền, giữ nước và đấu tranh giải phóng miền Bắc (1945 - 1954); hay trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 - 1975), cũng như giai đoạn khôi phụckinh tế sau khi thống nhất đất nước (1976 - 1985), và đặc biệt là thời kỳ Đổi mới sau này.
Dù trong thời kỳ nào, thì đều có thể khẳng định, ngành KH&ĐT đã có những đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước đề ra, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; từ một nước kém phát triển, thu nhập thấp trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình như ngày hôm nay.
Bộ trưởng vừa nói đến những dấu ấn quan trọng của thời kỳ Đổi mới. Vậy cụ thể đó là gì, thưa Bộ trưởng?
Một trong những thành quả lớn nhất của 30 năm Đổi mới kể từ năm 1986 đến nay, theo tôi, đó là chúng ta đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp trước đây sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này đã làm thay đổi diện mạo đất nước, thay đổi toàn bộ hoạt động kinh tế và hiệu quả kinh tế của đất nước. Và nó chính là động lực đưa đất nước ta phát triển như hôm nay.
Ngành KH&ĐT tự hào vì đã có những đóng góp quan trọng trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ về đổi mới thể chế kinh tế. Từ thực hiện khoán 100, khoán 10 đến Nghị quyết 16 về đổi mới cơ chế sản xuất của các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh, góp phần quan trọng khẳng định vai trò của kinh tế ngoài quốc doanh, từ đó nhen nhóm việc chúng ta công nhận thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần…, đến sau này xây dựng hàng loạt dự luật quan trọng.
Chẳng hạn, Luật Công ty, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chung…, đây là những dự luật có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam, tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp năm 1999, sau này là Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014 đã tạo bước ngoặt quan trọng thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tạo điều kiện quan trọng để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hùng hậu và lớn mạnh, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhấn mạnh những đóng góp của ngành KH&ĐT cho phát triển kinh tế đất nước, trong việc tham mưu cho Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm; tham mưu xây dựng dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội trình Quốc hội và Đại hội Đảng. Đây là những kim chỉ nam, phương hướng, đường lối phát triển của đất nước trong từng giai đoạn.
Đặc biệt, kể từ khi kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, ngành KH&ĐT đã tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý.
Những nghị quyết này, nhất là Nghị quyết số 11 đã có tác động rất lớn, có ý nghĩa xuyên suốt trong 5 năm qua để chúng ta giải quyết các vấn đề bất ổn của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội mà vẫn đảm bảo tăng trưởng hợp lý.
Rồi ngay sau đó, ngành cũng đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và thực hiện Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, rồi xây dựng Luật Đầu tư công, cũng như hàng loạt dự luật quan trọng khác, ví như Luật Đấu thầu sửa đổi… Những khuôn khổ pháp luật quan trọng này có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, cũng như thúc đẩy nền kinh tế tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Đây là những đổi mới căn bản, có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển vững bền của đất nước. Ngành KH&ĐT luôn có mặt trong những bước ngoặt cải cách này và đã làm tốt vai trò tham mưu trong đổi mới và cải cách thể chế của đất nước.
Hiện nay, chúng tôi đang được Ban Chấp hành Trung ương phân công chủ trì soạn thảo báo cáo kinh tế - xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII.
Vậy còn trong những lĩnh vực khác mà ngành KH&ĐT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, thưa Bộ trưởng?
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Bộ cũng đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ thu hút được khá lớn nguồn lực này để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, FDI phục hồi mạnh, vốn đăng ký giai đoạn 2011 - 2015 đạt 98 tỷ USD, thực hiện đạt 59,96 tỷ USD; vốn ODA ký kết khoảng 30 tỷ USD, giải ngân khoảng 23 tỷ USD. Những nguồn lực này đã góp phần rất lớn bổ sung vào vốn đầu tư toàn xã hội trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, tạo động lực và nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển của toàn nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, công tác thống kê...
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành, Bộ trưởng muốn gửi thông điệp gì tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành?
Kỷ niệm 70 năm thành lập là dịp để chúng ta tôn vinh những thế hệ đã ghi dấu ấn mốc son của ngành trong 70 năm qua. Đồng thời, với ý thức trách nhiệm của mình, tôi mong toàn ngành sẽ không ngừng phấn đấu, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong việc tham mưu tổng hợp phục vụ Đảng và Nhà nước hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đổi mới thể chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo điều hành, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.