Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ ngày 9/1/2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ ngày 9/1/2020.

Ngành Kế hoạch và Đầu tư: Bước tiếp chặng đường vẻ vang

0:00 / 0:00
0:00
Đất nước đang bước vào giai đoạn mới, với cơ hội và thách thức đan xen. Đây là lúc ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang của mình...

Nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang

Không phải ngẫu nhiên, mà đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lựa chọn Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi đầu tiên tới làm việc. Đây cũng là nơi mà lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ đã công bố về tầm nhìn quốc gia năm 2045.

Lúc đó, nói về năm 2045, Thủ tướng bày tỏ mong muốn rằng, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển. “Dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, khả năng con người Việt Nam không hề kém hơn so với dân tộc khác, lòng yêu nước của chúng ta không hề thua kém họ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy.

Sau này, các mục tiêu cụ thể cho sự phát triển của đất nước giai đoạn tới đã nhiều lần được nhấn mạnh. Đó là đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Còn khi ấy, chia sẻ về tầm nhìn này, người đứng đầu Chính phủ mong muốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục vai trò cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng, để “tham mưu, hiến kế”, làm sao đưa đất nước đạt mục tiêu đề ra.

Đầu năm 2020, một lần nữa tới làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến khát vọng thịnh vượng của Việt Nam. Thủ tướng nói, khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông. “Không ai khác hơn, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nói, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đóng vai trò như “một nhà toán học”, phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành.

Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong Thư chúc mừng gửi tới toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư nhân kỷ niệm 75 năm thành lập cũng đã nhấn mạnh rằng: “Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, thế giới đang bước vào những bước ngoặt mới của sự phát triển, tác động tới toàn cầu, như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh”.

Hơn thế nữa, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khai mạc vào cuối tháng 1/2021. “Đây chính là thời điểm quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, một lần nữa trọng trách lại được giao cho ngành Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hoạch định luật pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Nói vậy để thấy, ngành Kế hoạch và Đầu tư được đánh giá cao như thế nào về vai trò, vị thế. Nhiệm vụ là nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.

Thực ra, không phải tới khi được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hay Thủ tướng “giao nhiệm vụ”, “người của ngành Kế hoạch và Đầu tư” mới nhận ra trách nhiệm của mình. Trong câu chuyện chia sẻ với các cán bộ, nhân viên toàn ngành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã luôn nói rằng, mục tiêu phát triển của đất nước đặt ra càng lớn lao, nhiệm vụ với toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê càng nặng nề.

Tôi tin tưởng, với truyền thống ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê, các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống này, có đóng góp to lớn hơn nữa. Trong ngày vinh quang đó của đất nước, trên lễ đài chiến thắng, tôi hy vọng rất nhiều những tấm gương tiêu biểu của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê sẽ có mặt trong buổi lễ long trọng đó để mừng thắng lợi của đất nước.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Thực tế cho thấy, sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, mà nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, là với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể khẳng định được “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nhưng cũng còn một thực tế khác: thế giới đang không ngừng thay đổi và phát triển. Còn Việt Nam, tiềm lực kinh tế vẫn có hạn. Năm 1990, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ 100 USD, nay đã khoảng 3.500 USD, tức là gấp gần 35 lần, nhưng trong bảng thứ hạng quốc tế thì Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 127/217 quốc gia xét về thu nhập bình quân đầu người. Nguy cơ tụt hậu, sập bẫy thu nhập trung bình vẫn còn, trong khi thời kỳ dân số vàng sắp qua…

Tuy nhiên, Việt Nam đang đồng thời đứng trước một cơ hội chưa từng có để trỗi dậy, để đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên. Không phải chỉ vì các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, mà còn vì thế giới đang thay đổi rất nhiều sau đại dịch Covid-19. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định vị lại, cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới cũng sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc.

Đây chính là thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt của Việt Nam. Đã đến lúc, Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược, các quyết sách cho tương lai phát triển của đất nước, dựa trên tư duy đột phá, tầm nhìn táo bạo và hành động quyết liệt. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới. Ngược lại, nếu không nhanh chóng tận dụng thời cơ và đổi mới tư duy, thì nguy cơ tụt hậu, khoảng cách phát triển của Việt Nam với các quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn.

Trách nhiệm đó, có một phần không nhỏ của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Bước tiếp chặng đường vẻ vang

Có thể nói, 75 năm qua, với chức năng là cơ quan tham mưu tổng hợp và hoạch định chiến lược của Đảng và Nhà nước, các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức của ngành luôn đề cao trách nhiệm chính trị, phát huy trí tuệ tập thể, không ngừng đổi mới tư duy, cộng hưởng tài năng và công sức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2016-2020 vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư, với bản lĩnh, trí tuệ của mình, đã chủ động nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo; phối hợp, điều phối hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương; tham mưu nhiều giải pháp kịp thời, đúng đắn, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước.

2016-2020 là giai đoạn mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Và đặc biệt, vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, không chỉ kinh tế Việt Nam, mà kinh tế toàn cầu còn đối mặt với thách thức chưa từng có: đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư, trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, toàn ngành đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ tập thể và khẳng định vị trí, vai trò của một cơ quan tham mưu chiến lược tổng hợp của Đảng và Nhà nước.

Nhiệm kỳ vừa qua, nhất là trong giai đoạn 2017-2019, nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, thành quả quan trọng nhất là nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng cao; lạm phát được kiểm soát; mô hình tăng trưởng có bước đổi mới gắn với nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là cơ cấu đầu tư; 3 khâu đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả tích cực; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể…

Trong thành tựu đó, có sự đóng góp rất tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội cho Đảng, Nhà nước. Nhưng chặng đường phát triển mới của đất nước cũng đang đòi hỏi toàn ngành thực hiện những nhiệm vụ nặng nề hơn, mà trước mắt là hoàn thành tốt nhất Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 để trình Đại hội Đảng lần thứ XIII.

“Đây chính là những quyết sách quan trọng cho sự phát triển của tương lai đất nước”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Không chỉ vậy, để nền kinh tế Việt Nam có thể vững tin trên con đường đi tới thịnh vượng, nhiệm vụ của ngành Kế hoạch và Đầu tư còn là tập trung cao độ mọi nguồn lực và thời gian cho công tác xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Đây chính là nhiệm vụ cốt lõi của nền kinh tế, bởi thể chế, quy hoạch chính là “xương sống” của nền kinh tế. Không có quy hoạch tốt, không thể có định hướng tốt cho phát triển giai đoạn tới.

Các nhiệm vụ “sống còn” khác, là xây dựng cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới; là xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trong tình hình mới; là thực thi Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm cả việc triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia…

Xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một chuyện, còn phải tập trung xây dựng một chương trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn mới, bởi Covid-19 đang làm thay đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu, tạo ra xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới…

Nhiệm vụ của toàn ngành là to lớn và nặng nề, nhưng khi nhìn từ thực tiễn nền kinh tế đất nước và những gì mà các cán bộ, công nhân viên ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê trải qua nhiều thời kỳ đóng góp, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin chắc rằng, toàn ngành sẽ phát huy được truyền thống và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tin bài liên quan