Ngành hàng xa xỉ vẫn tự tin tiếp tục tăng trưởng bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế

Ngành hàng xa xỉ vẫn tự tin tiếp tục tăng trưởng bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian gần đây nhiều cổ phiếu của các ông lớn kinh doanh hàng xa xỉ đã tụt dốc vì các lo ngại về suy thoái kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng của ngành này. 

Những nhân vật hàng đầu trong ngành đồ tiêu dùng xa xỉ tỏ ra tự tin rằng việc kinh doanh mặt hàng này sẽ tiếp tục phát triển trong năm nay bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, đã khiến giá cổ phiếu ngành này giảm mạnh trong thời gian qua.

Theo các nhà phân tích tại Deutsche Bank, các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu của các công ty trong ngành đồ dùng xa xỉ vì nỗi lo nhu cầu đối với ngành này có thể giảm xuống, đặc biệt là ở hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Điển hình, cổ phiếu của ông lớn đầu ngành là LVMH giảm 5% vào thứ Ba (23/5), khiến khối tài sản của tỷ phú Bernard Arnault, nhà sáng lập đế chế thời trang LVMH và là người giàu nhất thế giới "bốc hơi" 11,2 tỷ USD trong một ngày. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Hermès và Kering cũng lần lượt giảm 6,5% và 3% trong cùng ngày hôm đó.

Cổ phiếu của các công ty này tiếp tục giảm trong các phiên của tuần này khi các nhà đầu tư cổ phiếu toàn cầu lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc tranh luận về trần nợ chưa được giải quyết ở Mỹ.

Ông Johann Rupert, Chủ tịch của Richemont, kiêm sở hữu trung tâm mua sắm Cartier, hồi đầu tháng này xác nhận rằng, thị trường Mỹ đã chậm lại kể từ tháng 11/2022. Cuối tuần trước, tập đoàn thời trang Burberry đã báo cáo doanh số bán hàng tại Mỹ giảm 7% trong quý gần đây nhất, yếu hơn so với các đối thủ.

Giám đốc điều hành Burberry Jonathan Akeroyd cho biết, trong khi nhóm siêu giàu vẫn mạnh tay chi tiêu thì những người tiêu dùng trẻ tại Mỹ đang cắt giảm việc mua hàng hiệu.

Tuy nhiên, ông Sidney Toledano, CEO của LVMH nói rằng, không nên quá bi quan. Ông cho rằng, các thương hiệu hàng đầu như Louis Vuitton hay Dior sẽ vẫn kiên cường ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Bởi họ có sự phủ sóng toàn cầu, sự sáng tạo và khả năng tiếp thị tốt.

"Thế giới không chỉ có Trung Quốc và Mỹ", ông Toledano nhấn mạnh. Ông Sidney Toledano từng là tổng giám đốc của Dior và hiện quản lý một số thương hiệu thời trang của tập đoàn, bao gồm Céline và Loewe.

“Thị trường châu Âu đang có tiềm năng rất tốt với sự trở lại của những du khách giàu có. Bên cạnh đó, còn có những thị trường đầy hứa hẹn như Ấn Độ và châu Phi, hay những quốc gia châu Á đang phát triển mạnh mẽ như Hàn Quốc và Thái Lan,” ông Toledano nhận định. Ông Toledano nói về việc khai trương lại cửa hàng Tiffany ở New York vào tháng trước là một dấu hiệu cho thấy LVMH rất tự tin và sẽ đầu tư lâu dài vào thị trường Mỹ.

Hầu hết các nhà phân tích dự đoán rằng ngành hàng xa xỉ sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức tăng hai con số trong năm tới, nhưng có lẽ sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn một chút so với mức tăng trưởng vượt trội của ngành này trong những năm gần đây.

Có nhiều bằng chứng cho thấy sự tăng trưởng nhu cầu về hàng xa xỉ đang chậm lại ở Mỹ, đặc biệt là ở nhóm khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu, bởi họ là những người nhạy cảm hơn với những thay đổi trong nền kinh tế.

Trung Quốc cũng là một thị trường khó lường đối với ngành hàng xa xỉ bởi nền kinh tế này thời gian gần đây lại cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng yếu đi so với những tháng đầu năm nay. Trước đó, việc dỡ bỏ các hạn chế dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã góp phần đáng kể trong việc phục hồi doanh thu của các tập đoàn bán lẻ thời trang xa xỉ của châu Âu.

Tin bài liên quan