Ô tô sẽ là ngành hồi phục nhanh chóng sau đại dịch

Ô tô sẽ là ngành hồi phục nhanh chóng sau đại dịch

Ngành hàng nào đón sóng tăng trưởng sau đại dịch?

(ĐTCK) Kinh doanh và tiêu dùng sẽ biến đổi sau đại dịch Covid-19. Chúng ta sẽ bớt tìm kiếm dịch vụ bên ngoài và tự làm nhiều việc hơn cho chính mình.

Trong bức thư gửi cổ đông tuần này, CEO Black Rock Larry Fink nhấn mạnh tới một câu chuyện: kinh doanh và xã hội sẽ định hình lại sau những trải nghiệm từ dịch Covid-19.

“Mọi người trên toàn cầu sẽ thay đổi suy nghĩ về cách thức lâu nay vẫn làm việc, mua sắm, du lịch, tụ họp… Khi chúng ta bước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại, thế giới sẽ trở nên khác biệt. Tâm lý của nhà đầu tư thay đổi. Kinh doanh thay đổi. Tiêu dùng cũng thay đổi. Và chúng ta sẽ trở nên gắn kết sâu sắc hơn với gia đình, cũng như tìm tới nhau nhiều hơn để giữ bản thân an toàn”, Larry Fink nhận định.

Hiện tại, hơn 50% dân số toàn cầu đang được yêu cầu ở nhà. Trong bộn bề những lo lắng về công việc, về gia đình, con nhỏ, trường học…, mỗi người sẽ tự đánh giá lại đâu là những vấn đề ưu tiên hàng đầu, đâu là những thứ cần cắt bỏ.

Trong bối cảnh này, một khi mối lo ngại về việc bảo vệ nhân viên, duy trì hoạt động kinh doanh qua đi, mỗi doanh nhân trên toàn cầu đều phải đương đầu với những câu hỏi mới. Hiện tại, có 2 vấn đề nổi trội nhất.

Thứ nhất, thay vì lựa chọn những địa điểm xa xôi và đông đúc để giải trí, mọi người muốn hướng tới các hoạt động gắn kết với quy mô nhỏ, gần nhà hơn. Thứ hai, dịch bệnh đã bộc lộc rõ sự phụ thuộc và dễ tổn thương của hoạt động kinh doanh khi dựa vào các chuỗi cung ứng bên ngoài biên giới. Do đó, giới kinh doanh sẽ tìm kiếm những biện pháp an toàn, bền vững hơn cho con đường sắp tới.

Tại những lĩnh vực đang chịu tác động trực diện và nặng nề nhất như du lịch, nghỉ dưỡng, vận tải…, người trong ngành đang phải tính toán lại bài toán tương lai. Theo đó, nhận thức của người dân về các yếu tố tiêu cực tới môi trường và tác động xã hội của du lịch quy mô lớn gia tăng. Các chuyến đi bằng máy bay, du thuyền hoá ra có thể mang lại nhiều rủi ro, nhất là khi có các du thuyền đang lênh đênh trên biển với những người mắc bệnh mà không được phép cập cảng.

Ngành hàng nào đón sóng tăng trưởng sau đại dịch? ảnh 1

Hàng không sẽ chật vật rất lâu sau đại dịch

Ông chủ của hãng hàng không Lufthansa AG – Carsten Spohr nhận định, hàng không Đức sẽ theo hướng xuống dốc, bởi nền kinh tế thu hẹp lại so với trước đây. Trong khi Stelios Haji-Ioannou, người sáng lập Easyjet PLC trong tuần này vừa kêu gọi huỷ các đơn đặt hàng máy bay với Airbus SE. Ngay cả khi các lệnh hạn chế đi lại được gỡ bỏ, nhu cầu của hành khách đối với du thuyền sẽ duy trì ở mức yếu trong một thời gian dài, theo nhận định của Carnival Corp.

Bên cạnh lĩnh vực giải trí, vận tải, ngành cung cấp dịch vụ thể dục – thể thao cũng phải đối diện với những thay đổi lớn. Người tiêu dùng bắt đầu khám phá và biết tới những cách thức rẻ hơn, dễ dàng hơn để tập luyện. Thay vì tới các phòng tập, họ sẽ tìm tới các lớp học online để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí. Đây sẽ là cơn đau đầu với những doanh nghiệp như Planet Fitness Inc hay The Gym Group Plc.

Trước khi virut Corona xuất hiện, thế giới công nghệ khiến con người trở nên lệ thuộc vào nhiều thứ. Tại sao phải học nấu ăn khi có thể gọi món chỉ trong 30 phút? Tại sao phải mua ô tô khi có thể gọi Uber? Tại sao phải chăm sóc các thiết bị khi chỉ cần gọi Apple? Sau đại dịch, mọi việc sẽ thay đổi chóng mặt.

Hiện tại, doanh số bán xe ô tô đang lao dốc tại châu Âu, bởi người tiêu dùng không thể tới showroom chọn mua xe hoặc chưa thể lái đi đâu. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các lệnh cách ly được gỡ bỏ, ô tô sẽ là lĩnh vực đầu tiên được hưởng lợi, thậm chí có thể khởi sắc nhanh chóng. Người tiêu dùng nhận ra việc sở hữu phương tiện cá nhân trở nên thuận lợi, an toàn trong nhiều trường hợp. Dấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện tại Trung Quốc, khi người tiêu dùng lập tức tìm tới các đại lý bán xe ô tô sau khi được gỡ bỏ phong toả.

Lĩnh vực được hưởng lợi tiếp theo là nội thất, đồ dùng gia đình… Người dân nhận ra họ cần cải thiện tình trạng của ngôi nhà, lâu nay đã bị tất bật công việc cuốn trôi mà bỏ bê. Hơn bao giờ hết, ngôi nhà chính là địa điểm an toàn và người tiêu dùng sẽ đầu tư vào ngôi nhà của mình để giúp cuộc sống thuận tiện, dễ chịu, thoải mái hơn.

Cùng với xu thế, cuộc sống tại vùng ngoại ô, thôn quê cũng gia tăng sức hấp dẫn. Khi xu hướng làm việc tại nhà gia tăng, một ngôi nhà an toàn, rộng rãi tại vùng ngoại ô chính là viễn cảnh rất hấp dẫn. Điều này tạo động lực tăng trưởng cho bất động sản vùng ven.

Bên cạnh đó, các dịch vụ y tế, sức khoẻ, thuốc men… cũng sẽ được để tâm nhiều hơn.

Dịch Covid-19 “lột trần” những điểm dễ tổn thương của cuộc sống bấy lâu và đây không phải cuộc khủng hoảng cuối cùng. Hành tinh của chúng ta đang bị huỷ hoạt bởi các hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải trí…, một đại dịch diễn ra là sự nhắc nhở con người về cách đối đãi với nơi mình đang sinh sống. Khi Covid-19 được kiểm soát, con người sẽ thay đổi hàng loạt hành vi và các doanh nhân cũng phải thay đổi để thích nghi.

Tin bài liên quan