Ngành gỗ nội thất, công nghệ tốt sẽ làm chủ “sân chơi”

Ngành gỗ nội thất, công nghệ tốt sẽ làm chủ “sân chơi”

(ĐTCK) “Công nghệ là xu thế, bao gồm cả công nghệ cho người tiêu dùng và trong sản xuất với doanh nghiệp gỗ nội thất. Ai có công nghệ tốt sẽ làm chủ 'sân chơi' trên thị trường, ngay cả lúc ảnh hưởng từ dịch bệnh như hiện nay”, đại diện Công ty cổ phần Gỗ An Cường chia sẻ.

Công nghệ là xu thế

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong lịch sử với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sản xuất - kinh doanh đồ nội thất.

Tại Việt Nam, trước đây, sự tương tác trực tiếp của các doanh nghiệp sản xuất nội thất (5.300 doanh nghiệp) với thị trường tiêu thụ (nhu cầu, thị hiếu, kiểu dáng mẫu mã, các thay đổi của thị trường…) còn rất ít, dẫn tới việc hạn chế trong đổi mới sản xuất, nghèo nàn về mẫu mã, chủng loại, nên thường bị động trước biến đổi của thị trường.

Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và thị trường, thị hiếu của người dùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất như Công ty cổ phần Gỗ An Cường, Công ty cổ phần Woodsland, Công ty cổ phần Gỗ Nam Định… đã bỏ hàng chục tỷ đồng để đầu tư, đổi mới công nghệ trong sản xuất và bán hàng.

Nhờ tiên phong trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp này đã chiếm được thị phần lớn trên thị trường, nâng cao hình ảnh, uy tín trong mắt người tiêu dùng cả trong nước và nước ngoài.

Để đối phó với dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực chọn giải pháp thu hẹp, tạm dừng sản xuất, thậm chí đóng cửa, thì An Cường chọn cách ứng dụng công nghệ vào công tác bán hàng. Cụ thể, công ty này vừa cho ra mắt thêm app (ứng dụng) bán hàng online mới có thên AnCuong Catalogue, đồng thời ký thêm hợp đồng với hai đối tác về thương mại điện tử để đưa sản phẩm của mình lên sàn điện tự đến với người tiêu dùng.

“Công nghệ là xu thế không chỉ trong ngành gỗ nội thất, mà nó đã tác động và hiện diện lên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, trong thời điểm tình hình dịch bệnh như hiện nay càng thấy rõ vai trò của công nghệ đối với đời sống nói chung và thị trường gỗ nội thất nói riêng. Do đó, các doanh nghiệp phải đi theo xu thế, trong đó có cả công nghệ dành cho người tiêu dùng và công nghệ dùng cho sản xuất, công nghệ trong quản trị điều hành của công ty”, đại diện An Cường khẳng định.

Cũng theo đại diện này, ứng dụng AnCuong Catalogue có thể sử dụng trên các điện thoại thông minh, máy tính bảng. App này chứa tất cả các thông số, tư liệu về cả 3 công ty của thương hiệu gỗ An Cường.

Khi khách hàng chọn một loại sản phẩm bất kỳ nào của gỗ An Cường, nó sẽ đưa ra tất các mẫu mã, đồng thời sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cần tìm, màu sắc, giá cả, thiết kế, kích thước, hướng dẫn lắp đặt…

Ngoài ra, sự ưu việt của ứng dụng bán hàng này là khi khách hàng đã cài, thì tất cả các thông tin về giá cả, sản phẩm mới, khuyến mại, ưu đãi khách hàng… mà An Cường đưa ra đều sẽ tự động cập nhật và thông báo cho người tiêu dùng để lựa chọn, tham khảo, tư vấn nếu cần thiết.

Ngành gỗ nội thất, công nghệ tốt sẽ làm chủ “sân chơi” ảnh 1

An Cường là một trong những doanh nghiệp nội thất tiên phong áp dụng công nghệ vào sản xuất, bán hàng

“Chính điều này không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều tốt giữa khách hàng với Công ty, mà còn là cơ hội cho khách hàng hiểu thêm về Công ty và dễ tiếp cận sản phẩm hơn rất nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến khó lường như hiện nay, việc sử dụng các phần mềm bán hàng trực tuyến tương tự như thế này sẽ rất thuận tiện. Khách hàng không cần phải đến showroom, mà chỉ cần sử dụng công nghệ để tìm hiểu tham khảo và đặt hàng qua mạng”, đại diện An Cường cho biết.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, nếu trước đây các doanh nghiệp gỗ nội thất Việt chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng sẵn từ các đối tác nước ngoài hoặc trong nước, dẫn đến luôn bị động trong kinh doanh, thì giờ đây, nhờ công nghệ, họ có thể tự thiết kế các mẫu mã, giới thiệu sản phẩm nên chủ động được việc kinh doanh của mình. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Woodsland, Công ty cổ phần gỗ Nam Định đã có những bước tiến vượt bậc trong kinh doanh với kim ngạch xuất khẩu trung bình từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay, không ít doanh nghiệp ngành gỗ nội thất đã nhìn thấy xu thế của công nghệ trong kinh doanh, sản xuất, nên đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi, nâng cấp công nghệ. Đồng thời, liên kết lại với nhau thành chuỗi giá trị để tạo nên thế mạnh, sự bền vững trên thị trường gỗ nội thất hiện nay.

Làm chủ sân chơi

Từ 2 tháng trở về trước, người nghe radio có lẽ đã thuộc làu các quảng cáo của các hãng nội thất như Hùng Túy, PTCasa… khi các quảng cáo này được phát liên tục trên VOV giao thông, hay các kênh sóng FM khác. Tuy nhiên, kể từ sau Tết Nguyên đán tới nay, các quảng cáo này đã thưa dần trên sóng.

Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy, doanh nghiệp đang gặp những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid-19.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, website của các công ty được thiết kế đơn giản, thiếu sự tương tác với khách hàng, không có các phần mềm chọn mẫu đa chiều… và cũng chưa thấy thông báo về việc sử dụng ứng dụng bán hàng trực tuyến.

Trong khi đó, theo đại diện thương hiệu gỗ An Cường, việc đi trước trong áp dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, giúp doanh nghiệp có nhiều lợi thế. Cụ thể, dù tình hình dịch bệnh đang diễn khó lường, nhưng công tác bán hàng của Công ty không bị ảnh hưởng nhiều do có nhiều khách hàng đặt mua thông qua app bán hàng trực tuyến.

“Hiện nay, lượng khách hàng tìm hiểu mua hàng qua các app bán hàng của Công ty đã tăng đến 50% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020”, đại diện An Cường thông tin.

Đại diện Hãng nội thất M-Home cho biết, công nghệ luôn luôn được cải tiến buộc các doanh nghiệp phải thay đổi nhiều theo hướng cập nhật liên tục tiến bộ của khoa học công nghệ để phát triển. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp về mọi mặt từ quản lý, cải tiến mẫu mã, thiết kế, đến bán hàng… Đồng thời, cũng mang lại những lợi ích không nhỏ cho người tiêu dùng về lựa chọn sản phẩm, nhà phân phối uy tín, phù hợp với mình.

“Khi cả khị thị trường đều áp dụng công nghệ vào công tác bán hàng, thì doanh nghiệp nào có sản phẩm tốt, công nghệ tốt sẽ chiếm được nhiều lợi thế trên thị trường”, vị đại diện này cho hay.

Ở góc độ khác, theo ông Đỗ Xuân Lập, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất có tính chất quyết định thành bại của sản phẩm trên thị trường. Chẳng hạn với sản phẩm ván ép, hiện tại Việt Nam có rất nhiều nhà máy, nhưng chỉ có 3 nhà máy đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Còn lại khoảng 20 nhà máy khác chỉ đáp ứng phục vụ nội địa. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi về công nghệ trong kinh doanh, về sự an toàn sản phẩm đảm bảo về sức khỏe người tiêu dùng, môi trường, hình dáng gỗ mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.

“Chúng tôi đang khuyến khích các nhà sản xuất ván, các doanh nghiệp gỗ nội thất thay đổi công nghệ, quy trình sản sản xuất để đáp ứng thị trường trong và ngoài nước”, ông Lập cho hay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan