Công nhân làm việc trong nhà máy AA tại Long An (Ảnh: Thị Hồng).

Công nhân làm việc trong nhà máy AA tại Long An (Ảnh: Thị Hồng).

Ngành gỗ năm 2021: Khả quan về xuất khẩu; vẫn lo ngại cáo buộc, điều tra

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh tín hiệu khả quan về xuất khẩu ngành gỗ từ Việt Nam nói chung, vẫn còn đó rủi ro lớn của ngành liên quan đến các cáo buộc lẩn tránh thuế, gian lận thương mại,…

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam trong tháng 01/2021 ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt khoảng 1,01 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái và là lần đầu tiên trong lịch sử ngành gỗ có giá trị xuất khẩu trong tháng đầu tiên của năm đạt trên 1 tỷ USD.

Như vậy, giá trị xuất khẩu ngành gỗ đã có 7 tháng liên tiếp đạt trên 1 tỷ USD/tháng và được xem là khởi đầu thuận lợi cho mục tiêu đạt 14 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021.

Còn theo Bản tin thị trường nông lâm thuỷ sản số ra ngày 10/02/2021 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) ước tính, tháng 01/2021, riêng xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam đạt 48 triệu USD, tăng 86,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng xuất khẩu đồ nội thất văn phòng năm 2021 sẽ có nhiều tín hiệu khả quan. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng trở lại.

Theo nguồn IBISWorld.com, doanh thu ngành đồ nội thất văn phòng của Hoa Kỳ dự báo giảm 29,4% trong năm 2020, so với mức dự báo tăng 0,2% trước khi đại dịch xảy ra.

Sự thâm nhập ngày càng tăng của các mặt hàng đồ nội thất văn phòng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, đã gây lên áp lực giảm đối với lợi nhuận của ngành công nghiệp này.

Người tiêu dùng tăng mua các sản phẩm nhập khẩu do giá thấp hơn, phù hợp với thu nhập bình quân đầu người giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.

Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy đây cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ nội thất văn phòng cho Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.

Mặt hàng nội thất văn phòng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ trong năm 2020 đạt 251,6 triệu USD, tăng 6% so với năm 2019, chiếm tới 60% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất văn phòng.

Như vậy, nhu cầu tăng từ Hoa Kỳ góp phần đẩy mạnh trị giá xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất văn phòng của Việt Nam tăng khả quan trong năm 2021.

Đánh giá chung về ngành gỗ năm trong 2021, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Forest Trends cho rằng, sẽ có những niềm vui đan xen cả lo âu.

Niềm vui có thể đến từ các ước tính lạc quan như tăng trưởng sẽ tiếp tục mở rộng với dư địa được tạo ra chủ yếu do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Vắc-xin được phổ cập, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát ở nhiều quốc gia tạo nền tảng cho sự phục hồi của thị trường. Kinh tế trong nước cũng được kỳ vọng tiếp tục phát triển.

Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương dự báo kinh tế năm 2021 tăng trưởng ở mức trên dưới 6%. Điều này sẽ tạo động lực cho cầu tiêu dùng, bao gồm các chi tiêu đối cho các mặt hàng gỗ.

Tuy nhiên, các mối lo âu của ngành sẽ chưa thể kết thúc như các vụ kiện, điều tra liên quan tới các cáo buộc về lẩn tránh thuế, gian lận thương mại, sử dụng gỗ bất hợp pháp sẽ tiếp tục và có xu hướng tăng.

Đây được cho là các rủi ro lớn trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để đối phó với các điều tra này.

Vị này phân tích, đến nay sự phát triển của ngành chủ yếu được đo đếm bằng các con số tăng trưởng trong xuất khẩu.

Các hợp phần quan trọng khác của ngành như thị trường nội địa, hộ sản xuất kinh doanh cá thể tại các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ… chưa được bao hàm trong khái niệm “phát triển”.

Điều tra của cơ quan USTR của Hoa Kỳ cho thấy nhận thức về ngành cần phải thay đổi, bởi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ tại thị trường nội địa, bao gồm cả các hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh cá thể tại các làng nghề có liên quan trực tiếp tới rủi ro trong khâu xuất khẩu.

Khái niệm “phát triển” về ngành cần mang tính tổng hợp hơn. Ngành cần xây dựng chiến lược phát triển, với các ưu tiên được xác định rõ ràng và cân bằng lợi ích trong xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Chiến lược này cần bao gồm các giải pháp lâu dài nhằm kiểm soát gian lận thương mại, đầu tư FDI, kiểm soát tốt nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa theo hướng giảm thói quen sử dụng gỗ quý, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nhập khẩu hợp pháp.

Tin bài liên quan