Vừa làm vừa “ngóng”
Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, năm 2023, Bình Định xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 1 tỷ USD sang hơn 100 quốc gia; trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 575 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2023. Ngành chế biến gỗ chiếm khoảng 60 - 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có gần 10.000 ha rừng trồng cây gỗ lớn. Diện tích rừng được cấp Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) gần 15.000 ha; trong đó, diện tích rừng trồng gỗ lớn là hơn 7.600 ha.
Dự kiến đến năm 2025, tổng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn tập trung của tỉnh đạt 10.000 ha, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC là gần 16.000 ha; định hướng đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn tập trung đạt trên 50.000 ha, tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt trên 60%.
Cùng với định hướng trồng rừng gỗ lớn, Bình Định hiện là một trong 4 trung tâm chế biến gỗ lớn nhất Việt Nam và được mệnh danh là “thủ phủ ngành gỗ” của cả nước; là một trong những trung tâm phát triển các cụm liên kết ngành về chế biến gỗ và lâm sản.
Thông thường, quý IV hàng năm là thời điểm các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định “chạy đua” xúc tiến, tìm kiếm ký kết đơn hàng cho năm tới. Song năm nay, các doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” vì quy định chống mất rừng của EU sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024. Trong khi đó, quy định về xác định nguồn gốc gỗ của Việt Nam hiện chưa cụ thể.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định thông tin, EUDR đưa ra hai yêu cầu cốt lõi đối với gỗ và sản phẩm gỗ lưu thông tại thị trường này là không làm mất rừng và phải đảm bảo tính hợp pháp nguồn cung.
Để đáp ứng được yêu cầu của EUDR, các nhà cung cấp sản phẩm gỗ cần phải cung cấp thông tin về vị trí địa lý vùng trồng và chứng minh rằng, quá trình sản xuất tại các vị trí này không gây mất rừng kể từ ngày 31/12/2020.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nhìn chung các vùng trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh đa số được trồng từ trước năm 2020 ít có nguy cơ bị xếp vào nhóm rủi ro gây mất rừng và suy thoái rừng. Tuy nhiên, để chứng minh điều này, trên thực tế lại đối mặt với nhiều thách thức do thiếu các bằng chứng pháp lý cần thiết.
“Khi quy định EUDR có hiệu lực sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành gỗ của tỉnh cũng như cả nước”, ông Phúc nhìn nhận.
Các doanh nghiệp ngành gỗ rất hoang mang trước quy định này, nên vừa làm vừa “ngóng”. Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường lớn trên thế giới như EU, châu Mỹ, châu Á, Australia, New Zealand… dù đã có đơn hàng đến quý II/2025, nhưng Công ty TNHH Hoàng Hưng cũng rất lo lắng với quy định EUDR.
Khi được hỏi, doanh nghiệp có giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu từ đối tác châu Âu liên quan đến quy định EUDR, đại diện Công ty tỏ ra thụ động khi cho hay, đang chờ Nghị viện EU quyết định về giãn thời gian áp dụng quy định này.
Nguy cơ không xuất được hàng sang EU
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ FSC, bước đầu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của các nước EU và Hoa Kỳ.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định lo lắng, đến ngày 31/12, nếu doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu EUDR thì nguy cơ không xuất được hàng sang EU là hiện hữu.
“Hiện các doanh nghiệp đang tập trung đơn hàng cho đến ngày 31/12, còn sau đó không dám làm mặc dù có đơn hàng”, ông Thiện nêu thực tế.
Được biết, Bình Định hiện có hơn 350 doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ tập trung tại TP. Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát. Trong đó, trên 50% doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh đã nắm rõ quy định chống mất rừng của EU. Họ cũng chủ động yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoặc doanh nghiệp trung gian cung cấp nguồn nguyên liệu phải đảm bảo tính hợp pháp và phải cung cấp được vị trí địa lý của vùng trồng, song chính những nhà cung cấp cũng còn lúng túng.
Với góc độ cơ quan quản lý nhà nước, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với quy định không gây mất rừng của EU trên địa bàn tỉnh Bình Định.
“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai phối hợp với các sở, ngành, địa phương để có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về tính pháp lý đối với diện tích đất trồng rừng chưa được cấp sổ đỏ, hoặc có sổ đỏ, nhưng chưa có chỉ dẫn vị trí địa lý. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các bên liên quan đề xuất giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số về hiện trạng rừng, đảm bảo đầy đủ các thông tin để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý gỗ và các sản phẩm từ gỗ”, ông Trần Văn Phúc cho hay.