Thế giới đang tăng cường nhập khẩu gạo của Việt Nam

Thế giới đang tăng cường nhập khẩu gạo của Việt Nam

Ngành gạo: Thêm mùa "bội thu"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 có thể bị phá vỡ trong năm 2024, vì nhiều yếu tố vẫn đang hỗ trợ ngành này.

Giá gạo duy trì đà tăng

Năm 2023, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới hạn chế xuất khẩu mặt hàng này nhằm đảm bảo an ninh lương thực cũng như hạ nhiệt giá gạo trong nước. Đây là yếu tố chính khiến giá gạo thế giới tăng cao và Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi trực tiếp.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2022. Sản lượng xuất khẩu gạo đạt gần 8,3 triệu tấn, mang lại kim ngạch 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, năm 2023, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo thế giới, trong bối cảnh xảy ra nhiều biến động trong cung cầu thế giới. Cuối tháng 12/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 633 USD/tấn, tăng xấp xỉ 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu gạo trung bình trong năm 2023 theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan là 575 USD/tấn, tăng 18,3% so với năm 2022. Ba thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Philippines, Indonesia và Trung Quốc.

Trong tháng đầu năm 2024, giá gạo tiếp tục tăng khi dữ liệu của Bloomberg thể hiện, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 30/1/2024 là 660,25 USD/tấn, cao hơn giá gạo của Ấn Độ, Thái Lan và kéo dài xu hướng tăng kể từ cuối năm 2020 tới nay.

Lý giải giá gạo Việt Nam tăng trong thời gian dài và giá trị xuất khẩu lập kỷ lục trong năm 2023, bà Nguyễn Hà Minh Anh, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết: “Những kết quả tích cực của năm 2023 dựa trên các yếu tố có thể kể đến như tình hình thời tiết cực đoan tại một số nước xuất khẩu lớn, xu hướng phòng hộ ngành gạo nhằm kiềm chế lạm phát tại một số nguồn cung lớn như Ấn Độ, xung đột địa chính trị trên thế giới”.

Kết quả kinh doanh năm 2023 phân hóa mạnh

Trước diễn biến tích cực của hoạt động xuất khẩu gạo, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, các doanh nghiệp trong ngành sẽ ghi nhận lãi cao. Tuy nhiên, dữ liệu quý IV và luỹ kế cả năm 2023 đang cho thấy kết quả kinh doanh có sự phân hoá rõ nét.

Quý IV/2023, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An, mã chứng khoán TAR) ghi nhận doanh thu 1.005,6 tỷ đồng, giảm 36,2%; lợi nhuận sau thuế âm 31,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi gần 18 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp giảm từ 4,3% xuống 3%.

Luỹ kế cả năm 2023, Trung An đạt 4.484,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 18,1%, nhưng lợi nhuận sau thuế âm 19 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi 75,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, năm 2023 kinh doanh thua lỗ chủ yếu là do chi phí sản xuất tăng cao.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, mã chứng khoán AFX) ghi nhận lợi nhuận trong quý cuối năm 2023 tăng trưởng mạnh, giúp lợi nhuận cả năm chỉ giảm nhẹ so với năm 2022.

Cụ thể, quý IV/2023, Afiex đạt doanh thu 606,1 tỷ đồng, giảm 2,6%; lợi nhuận sau thuế 14 tỷ đồng, tăng 921,9% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế cả năm 2023, Công ty đạt doanh thu 2.137,1 tỷ đồng, tăng 32,6%; lợi nhuận sau thuế 26,5 tỷ đồng, giảm 7,4% so với năm 2022.

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời, mã chứng khoán LTG) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý cuối năm 2023, sau giai đoạn đầu năm gặp khó khăn. Quý IV/2023, Lộc Trời đạt doanh thu 5.819,8 tỷ đồng, tăng 90,1%; lợi nhuận sau thuế 247,8 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 23,9% lên 26,2%.

Luỹ kế cả năm 2023, Lộc Trời đạt doanh thu 16.068,6 tỷ đồng, tăng 37,4%; lợi nhuận sau thuế 265,1 tỷ đồng, giảm 25,6% so với năm 2022.

Theo đại diện Lộc Trời: “Năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường chịu những khoản lỗ trước tình trạng giá lúa nguyên liệu tăng cao, vì các doanh nghiệp này phải giao hàng theo tiến độ đã ký kết như trong các hợp đồng xuất khẩu, mặc dù khi chốt giá bán gạo thì giá lúa vẫn thấp”.

Triển vọng xuất khẩu gạo năm 2024

Hoạt động xuất khẩu gạo được nhận định tiếp tục thuận lợi cả về giá và sản lượng, ít nhất trong nửa đầu năm 2024.

Nhiều dự báo cho thấy, hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục có triển vọng tích cực trong năm 2024.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, mức tiêu thụ tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo, trong khi lượng tồn kho toàn cầu chỉ còn 160 triệu tấn.

Các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hoá của Bloomberg cho rằng, do lệnh hạn chế khấu khẩu gạo của Ấn Độ, ảnh hưởng của hiện tượng EI Nino, cũng như tình trạng căng thẳng trên Biển Đỏ có thể góp phần đẩy giá gạo thế giới tăng thêm.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, giá gạo xuất khẩu sẽ duy trì đà tăng, có thể đạt 700 USD/tấn trong năm 2024, dựa trên 3 yếu tố chính: 1) Ấn Độ và Nga duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo sang năm 2024; 2) Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Philippines, Trung Quốc và Indonesia gia tăng; 3) Yếu tố thời tiết bất thường và ảnh hưởng của El Nino gây áp lực lên nguồn cung.

Giá gạo trong nước theo đó sẽ tăng, nhưng trong biên độ ổn định hơn, nhờ nguồn cung dồi dào với năng suất cao và việc Việt Nam vẫn luôn ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực.

“Hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi, ít nhất trong nửa đầu năm 2024. Vào nửa cuối năm, giá gạo có thể hạ nhiệt nếu Chính phủ Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp ngành gạo niêm yết, tôi cho rằng, lợi nhuận có thể không đi cùng với diễn biến thuận lợi của xuất khẩu gạo, do giá thu mua lúa gạo vẫn đang ở mức cao và quy trình mua bán gạo từ người nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng thường qua nhiều bên trung gian”, bà Nguyễn Hà Minh Anh nói.

Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: “Năm 2024, do không biết trước các động thái của Ấn Độ đối với việc có tiếp tục thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo hay không, các doanh nghiệp không dám giữ lượng tồn kho lớn, thay vào đó, duy trì hình thức mua nhanh, bán nhanh. Ngoài ra, ngày 30/1/2024, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã trúng gói thầu hơn 400.000 tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500.000 tấn mở thầu cho Berum Bulog, cơ quan hậu cần của Indonesia. Cùng với đó là biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Philippines về hợp tác thương mại gạo được ký kết, những con số, tiến triển trong thương mại lúa gạo này thể hiện triển vọng tích cực của lúa gạo Việt Nam xuất khẩu trong năm 2024”.

Với triển vọng sáng, năm 2024 là một năm đáng chờ đợi đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo, khi nhu cầu nhiều khả năng gia tăng và mặt bằng giá xuất khẩu được kỳ vọng neo ở mức cao. Tuy nhiên, giống như năm 2023, kết quả kinh doanh có thể vẫn sẽ phân hoá rõ nét, đòi hỏi nhà đầu tư phải theo dõi sát sao hoạt động của doanh nghiệp để có định giá hợp lý cho cổ phiếu.

Tin bài liên quan