Ngày 28/10, TTC Sugar tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2020 - 2021. Ông có thể chia sẻ các mục tiêu và cơ sở thực hiện?
Trong niên độ tài chính 2020 - 2021, TTC Sugar dự kiến mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 14.358 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 662 tỷ đồng. Kế hoạch này tăng 11,4% về doanh thu và 29,3% về lợi nhuận thực hiện so với niên độ 2019 - 2020.
Kế hoạch trên là khả thi trong bối ngành đường đang trong chu kỳ tăng trưởng trở lại, kết hợp với những định hướng chiến lược kỹ lưỡng và hợp lý khi tập trung vào những vấn đề trọng tâm: ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển diện tích vùng nguyên liệu organic để gia tăng doanh thu, lợi nhuận từ các sản phẩm hữu cơ với biên lợi nhuận cao, tiếp cận các thị trường có yêu cầu chất lượng cao; nâng cấp các sản phẩm đường, cung cấp giải pháp năng lượng từ cây mía, tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng hoá và chuyên biệt của khách hàng; chuyển mình trở thành nhà thương mại và xuất nhập khẩu quốc tế; xây dựng quy trình quản lý chuyên sâu chuỗi cung ứng phù hợp với mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh lộ trình số hóa doanh nghiệp.
Trong niên độ tới, chúng tôi trình xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ từ 6 - 8% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Trên thực tế, từ khi cổ phiếu SBT lên sàn đến nay, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của ngành, chúng tôi đều cố gắng thực hiện chi trả cổ tức một cách đều đặn nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Cụ thể, Công ty đã thực hiện 11 lần chi trả, trong đó chi trả bằng tiền mặt chiếm 9/11 lần.
Niên độ trước, TTC Sugar đã lập kỷ lục xuất khẩu hơn 250.000 tấn đường và mục tiêu niên độ này xuất khẩu 300.000 tấn đường. Liệu kế hoạch này có tham vọng quá không?
Nhằm chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào, chúng tôi tăng cường hợp tác và hỗ trợ nông dân. Trong niên vụ 2020 - 2021, diện tích hợp tác với nông dân tăng 20% so với cùng kỳ. Đồng thời, hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối, gia tăng thị phần cũng được TTC Sugar tập trung phát triển.
Thị trường đường vẫn còn nhiều triển vọng khi nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng hơn.
Với lợi thế về quy mô và chất lượng sản phẩm, cũng như thế mạnh về sản xuất các dòng sản phẩm chuyên biệt, TTC Sugar tự tin sẵn sàng cung cấp các giải pháp năng lượng, sản phẩm đa dạng theo nhu cầu của các khách hàng từ cơ bản tới khắt khe nhất của từng thị trường xuất khẩu.
Chính vì vậy, chúng tôi tự tin chỉ tiêu trên có thể thực hiện và đạt được. Niên độ này được kỳ vọng là tiền đề cho sự phát triển bứt phá, mở đầu cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 của TTC Sugar.
TTC Sugar là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực mía đường của Việt Nam và có doanh số xuất khẩu đường organic lớn. Ông có thể chia sẻ chiến lược phát triển vùng nguyên liệu trồng mía organic của TTC Sugar niên độ này cũng như thời gian tới?
Tổng giám đốc TTC Sugar (mã chứng khoán SBT), ông Nguyễn Thanh Ngữ. |
Năm 2017, TTC Sugar quyết định mua lại vùng nguyên liệu tại Attapeu, Lào. Nhận thấy đây là vùng nguyên liệu có những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, môi trường, đất đai chưa bị ô nhiễm do người dân địa phương không lạm dụng chất hóa học, TTC Sugar đã chọn hướng sản xuất theo hướng hữu cơ.
Theo thống kê của Market Research Future và Absolute Market Insights, quy mô ngành đường hữu cơ đạt hơn 784 triệu USD năm 2017 và dự báo tới năm 2022 sẽ đạt gần 1,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2017 - 2022 lên tới 16%.
Riêng đối với thị trường EU, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng đường nhập khẩu trong niên vụ 2020 - 2021 của EU ước đạt 2,1 triệu tấn, tương ứng khoảng 11,3% sản lượng đường tiêu thụ trong khu vực.
TTC Sugar đã có những bước chuẩn bị kỹ càng, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư và phát triển diện tích mía organic cũng như sản xuất đường organic nhằm tạo ra những sản phẩm hấp dẫn với người tiêu dùng về tính chuyên biệt, hấp dẫn với Công ty về biên lợi nhuận và đặc biệt là thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế.
Đây được xem là bước đi chiến lược của TTC Sugar để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam và hướng tới tầm nhìn trở thành nhà cung cấp giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu Đông Dương.
Dự kiến, tổng sản lượng đường organic từ vùng trồng này trong niên độ 2020-2021 có thể lên đến 42.000 tấn, tăng hơn 3 lần so với niên độ 2019 -2020.
Dự tính từ niên độ 2024-2025 trở đi, hơn 10.000 ha diện tích thu hoạch của TTC Attapeu hoàn toàn là mía hữu cơ với tổng sản lượng khoảng 800.000 tấn mía hữu cơ và hơn 100.000 tấn đường organic, tăng hơn 766% so với niên độ 2019 - 2020.
Hiệp định ATIGA tác động lên ngành mía đường, song với TTC Sugar đã đạt được kết quả tích cực trong niên độ vừa qua. Theo ông, đâu là lợi thế và giải pháp giúp Công ty cạnh tranh được trên sân chơi khu vực?
Niên độ 2019-2020 là một niên độ khó quên của ngành đường Việt Nam nói chung và TTC Sugar nói riêng, khi từ 1/1/2020, Việt Nam chính thức thực hiện các cam kết của Hiệp định ATIGA.
Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng của mình, TTC Sugar đã thích ứng với hoàn cảnh và tìm giải pháp để đứng vững cũng như tiếp tục phát triển và bảo vệ thương hiệu “Đường Biên Hoà” đã tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Vùng nguyên liệu tại Lào hiện tiếp tục được Công ty đầu tư mở rộng để phát triển diện tích trồng mía hữu cơ và sản xuất đường organic với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã được các tổ chức uy tín công nhận, góp phần kiến tạo một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho TTC Sugar nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đây được xem là bước đi chiến lược của TTC Sugar nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam trên bản đồ thị trường đường thế giới. Để ngành đường có thể tồn tại, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nhất là sau khi ATIGA có hiệu lực, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng từ nội tại Công ty, sự hợp tác từ nông dân trồng mía, còn có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ như việc tăng giá điện sinh khối lên 7,03 UScents/kWh so với mức cũ là 5,8 UScents/kWh; điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc…
Giá đường thế giới sẽ tác động ra sao đến ngành đường Việt Nam nếu đại dịch Covid-19 chưa sớm kết thúc?
Ngành đường Việt Nam hiện đang trong chu kỳ tăng trở lại, đặc biệt đây còn là ngành nhu yếu phẩm, trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục, các biện pháp kích cầu đang được Chính phủ đẩy mạnh thì đây là một ngành rất tiềm năng.
Trong ngắn hạn, tiêu thụ đường tại Việt Nam được kỳ vọng cải thiện khi đại dịch đang được kiểm soát tốt và các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống bắt đầu sản xuất...
Giá đường thế giới cũng đang có xu hướng tăng trở lại. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 19/10/2020, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 0,27 US cent, tương đương 2% lên 14,72 US cent/lb, cao nhất kể từ 2/3/2020.
Giá đường thô tăng mạnh và ghi nhận mức cao nhất trong 7 tháng gần nhất là do lo ngại về thời tiết khô hạn ở Brazil có thể làm giảm sản lượng đường trong giai đoạn cuối niên vụ.
Điều này xảy ra giữa bối cảnh Thái Lan, Nga và EUcũng gặp những vấn đề về thời tiết có thể dẫn tới giảm lượng dư cung đường toàn cầu.
Đồng thời, việc giá dầu phục hồi cũng góp phần đẩy giá đường tăng trở lại.
TTC Sugar có kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Số lượng cổ phần TTC Sugar chào bán sẽ thấp hơn 20% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán (vốn điều lệ hiện tại của SBT là 6.084 tỷ đồng). Giá chào bán sẽ được Công ty thỏa thuận với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, TTC Sugar chuẩn bị phát hành 30,4 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cổ phiếu (tổng giá trị trên 304 tỷ đồng) cho các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành dự kiến quý IV/2020 sau khi được chấp thuận.
TTC Sugar tiếp tục thực hiện tìm kiếm các đối tác phù hợp nhằm hợp tác và huy động vốn trong kế hoạch phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi năm 2020 để mở rộng hoạt động đầu tư, phát triển các dự án trong chiến lược 5 năm.