Sáng ngày 25/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam” nhằm thông tin, phân tích nguyên nhân về thực trạng hạ tầng và những thách thức hiện hữu của đường sắt Việt Nam, từ đó bàn về giải pháp phát triển đường sắt bền vững.
Đường sắt Việt Nam ra đời từ năm 1881, trải qua 140 năm hình thành và phát triển, đường sắt đã khẳng định vị thế của một loại hình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của đất nước, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng
Từng được coi là phương thức vận tải ra đời sớm và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên, đến nay, hệ thống hạ tầng đường sắt không những lạc hậu, xuống cấp do không được đầu tư đúng mức mà còn phải đối mặt với tình trạng xâm lấn hành lang an toàn giao thông.
Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá nền tảng công nghệ của ngành đường sắt Việt Nam hiện nay so với thế giới vô cùng lạc hậu: “Chúng ta xây dựng đường sắt cách đây 140 năm, sử dụng nền tảng công nghệ ban đầu là máy hơi nước và công nghệ thứ 2 là công nghệ diesel.” Với các công nghệ đã tồn tại nhiều năm, cũ kỹ, đến nay khoa học công nghệ đã ở một trình độ hoàn toàn khác, vậy nên khó có một sự phát triển vượt bậc nào.
Bên cạnh đó, trong năm nay, nước ta không xây dựng các tuyến đường sắt mới, cải tạo, nâng cấp mà chỉ duy tu, bảo trì để đảm bảo hoạt động. Đặc biệt, nhu cầu vận tải hàng hóa trong thời kỳ phát triển kinh tế như hiện nay đang rất lớn, tuy nhiên nhu cầu luân chuyển hàng hóa thời điểm xây dựng tính trong 50 năm trước không thể đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Đường sắt tụt hậu cũng là một sự lãng phí nguồn lực của đất nước. Điều này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050: Hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước.
Toàn cảnh tọa đàm. |
Ông Phan Lê Bình, chuyên gia về kỹ thuật hạ tầng cho rằng, quan tâm đầu tư của quốc gia với ngành đường sắt chưa đủ để tạo ra một cuộc cách mạng có khả năng thay đổi ngành. Trong mối quan hệ so sánh với các loại hình giao thông khác, đường sắt đang khó thu hút được sự quan tâm của người dân. Nếu như với đường bộ chỉ cần 20 – 30 km cũng có thể đảm bảo sử dụng thì với đường sắt, con số này cần phải được nâng lên 100 – 150 km mới có ý nghĩa.
Cần nhìn nhận nước ta đang thiếu quan điểm về mặt phát triển bền vững đối với ngành đường sắt. Trong 10 năm qua, chúng ta vẫn mãi loay hoay trong việc xây dựng đường sắt một cách hiện đại. Tuy nhiên, một trong những rào cản cực kỳ lớn đối với ngành đường sắt Việt Nam là năng lực thông quan trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Hiện nay, tất cả chỉ dựa vào tuyến đường đơn và hầu hết các chuyên gia về đường sắt trên thế giới đều nhận thấy rõ không thể phát triển được năng lực đấu thầu nếu chúng ta chỉ có một tuyến đường đơn. Do đó, nếu muốn phát triển đường sắt thì chúng ta phải có một tuyến đường đôi chạy dọc. Biết vậy, song việc xây dựng này đòi hỏi một nguồn lực đầu tư rất lớn từ nhà nước.
Năm vừa qua, Việt Nam vẫn đạt được những thành tích đáng nể trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và đã đến lúc chúng ta cần phải có những quyết sách đầu tư sao cho xứng đáng với vai trò của một ngành giao thông quan trọng là đường sắt.
Đứng trên góc độ tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia sẻ: “Đầu tư cho ngành đường sắt chưa có đường dài chiến lược, chưa có tính đột phá, đổi mới để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là với nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa”.
Do đó, cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc đầu tư, có cơ chế chính sách tương xứng và khai thác một cách hiệu quả nhất nguồn lực để ngành đường sắt tạo ra được cú hích phát triển vượt bậc trong tương lai.