Cuộc cạnh tranh của ngành dược VN sẽ còn chật vật.

Cuộc cạnh tranh của ngành dược VN sẽ còn chật vật.

Ngành dược chuyển mình khó nhọc

Từ năm 2004, Bộ Y tế đưa ra quy định là các xí nghiệp dược xây mới phải đạt chuẩn GMP - WHO, và đến 2006 tất cả các nhà máy sản xuất thuốc tân dược phải đạt tiêu chuẩn này. Thế nhưng thời hạn cứ lùi dần, và đến giờ thời hạn quy định là giữa năm 2008.

 

Tín hiệu lạc quan

 

Cuối tuần qua, Công ty dược Cần Giờ (Cagipharm) đã khánh thành nhà máy sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn sản xuất thuốc tốt) cấp WHO. Cùng với nhà máy sản xuất thuốc của Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Y tế Bình Dương (BIPHARCO) và nhà máy của Công ty Cổ phần Dược Sóc Trăng khởi công tháng 3 và tháng 5 vừa qua, Cagipharm đã góp phần đưa số nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP cấp WHO lên con số 47.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế, tiến sĩ Cao Minh Quang, cho biết, cuối năm 2006, trong số hơn 170 nhà máy sản xuất thuốc tân dược trên cả nước, có 60 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn sản xuất thuốc tốt), nhưng đã có 42 nhà máy tiêu chuẩn GMP cấp khu vực (ASEAN) và chỉ có 18 đơn vị đạt GMP - WHO. Nên con số 47 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP cấp WHO là một bước tiến đáng kể.

 

Theo Bộ Y tế, năm 2001, Việt Nam đạt mức chi y tế 6 USD/người thì năm 2006 đã đạt 11,53 USD/người. Các nhà máy đạt GMP đạt được công suất 60 - 80%, có dây chuyền đạt 100%. Doanh thu của các nhà máy GMP đạt 80% tổng số doanh thu của ngành dược sản xuất trong nước.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng đây là một dấu hiệu khởi sắc tốt của ngành dược VN trên con đường hội nhập vào y tế thế giới và tham gia cạnh tranh khi gia nhập WTO.

 

“Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược VN. Thời gian tới ngành y tế sẽ hoàn thành mục tiêu tất cả các nhà máy sản xuất dược đạt cấp WHO để có thể tham gia vào cuộc cạnh tranh trên thị trường thuốc tân dược” - Thứ trưởng nói

.

Thách thức

 

Thế nhưng, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành dược vẫn còn những lo lắng khi trước mắt vẫn còn những thách thức không nhỏ.

 

Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước bảo đảm được khoảng 773/1.563 loại hoạt chất, chưa đến 50% giá trị thị trường thuốc. Trong khi đó, thị trường Việt Nam rất lớn, nếu ngành dược trong nước không bao quát được thì thuốc nước ngoài sẽ tràn vào chiếm lĩnh.

 

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước mới chỉ tập trung vào công nghiệp bào chế, chưa chú trọng đầu tư vào các loại thuốc chuyên khoa đặc trị, các dạng bào chế đặc biệt..., trong khi theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì năng lực của ngành dược Việt Nam đang ở mức độ phát triển từ 2,5 đến 3 (trong thang phân loại từ 1 đến 4), tức là có khả năng sản xuất một số thuốc gốc và xuất khẩu một số dược phẩm.

 

Điều sốt ruột nhất là sự chuyển biến của ngành dược thời gian qua quá chậm. Một quyết định của Bộ Y tế từ 2004 quy định đến 2006 tất cả các nhà máy dược phải đạt tiêu chuẩn GMP, nhưng sau đó cứ phải gia hạn dần, đến 2007, đầu năm 01/2008 và giờ là 01/7/2008. Các kiến nghị của các đơn vị bào chế cho rằng, nếu phải đạt chuẩn GMP theo tiến độ Bộ Y tế yêu cầu, nhà máy chỉ có nước… phá sản!

 

Vì vậy, 75/178 đơn vị đạt GMP, trong đó có 47 đơn vị đạt tiêu chuẩn GMP - WHO là dấu hiệu đáng mừng, song phía sau đó lấp ló nỗi lo bởi có nghĩa còn tới trên 100 đơn vị nữa chưa biết phải xoay trở làm sao để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Đến cuối tháng 6/2006 Bộ Y tế không cấp chứng nhận GMP - ASEAN nữa. Để đạt tiêu chuẩn GMP, đặc biệt là GMP WHO, DN phải đầu tư khá lớn. Bình quân đầu tư cho một dây chuyền sản xuất thuốc đảm bảo chất lượng khoảng 30 đến 35 tỷ, bên cạnh đó còn là nhà xưởng. Tùy theo quy mô của nhà máy mà đầu tư một hay nhiều dây chuyền.

 

Tuy nhiên, GMP không có nghĩa chỉ là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất thuốc, mà còn đi vào chiều sâu, đi vào toàn bộ hệ thống quản lý‎ chất lượng, quản lý‎ của toàn nhà máy. Ngoài cơ sở vật chất, còn có điều kiện để kiểm tra chất lượng, nguyên liệu đầu vào, và toàn bộ nguồn nhân lực để duy trì bền vững, bảo đảm hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm thường xuyên chứ không phải chỉ giai đoạn đầu.

 

Liên kết - hướng đi cho sức cạnh tranh của DN dược VN?

 

Theo các cam kết cụ thể khi gia nhập WTO, mức thuế áp dụng chung cho dược phẩm sẽ chỉ còn 0% - 5% so với mức thuế 0% - 10% như trước đây. Mức thuế trung bình sẽ là 2,5% sau 5 năm kể từ ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Thuế quan loại bỏ, và tuân thủ nghiêm ngặt về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, không phân biệt trong hay ngoài nước… là những  thách thức lớn cho DN dược Việt Nam . Để cạnh tranh, tất yếu DN dược Việt Nam phải có sự chuyển biến mạnh, nếu không sẽ thua trên một thị trường rộng lớn với nhiều cơ hội lớn, lại là sân nhà của mình, là điều đáng tiếc và đáng lo.

 

Ông Hoàng Mầng, Tổng Giám đốc Cagipharm, cho biết các doanh nghiệp nhỏ rất khó đạt được các tiêu chuẩn trên, và vì vậy, sức cạnh tranh của các DN dược Việt Nam vẫn luôn yếu thế.

 

Trong điều kiện trước mắt khi DN dược Việt Nam chưa thể đáp ứng được tiêu chuẩn GMP, một trong những giải pháp để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh mà Cagipharm đưa ra là các DN sản xuất gia công hoặc sản xuất nhượng quyền cho nhau.

 

Riêng nhà máy dược Cần Giờ chấp nhận hỗ trợ trong ngành là sản xuất gia công hoặc sản xuất nhượng quyền không tính lãi. Nhà máy của Cagipharm có vốn đầu tư 130 tỷ đồng, đặt tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Đây là một trong những nhà máy sản xuất dược phẩm hiện đại ở VN, đạt các tiêu chuẩn WHO về GMP (Good Manufacturing Practice - sản xuất tốt), GLP (Good Laboratory Practicae - kiểm nghiệm tốt) và GSP (Good Storage Practice - bảo quản tốt). Nhà máy này sản xuất được nhiều chủng loại thuốc và biệt dược, thuốc đặc trị.

 

Mới đây tháng 3/2007 nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Y tế Bình Dương (BIPHARCO) có quy mô tương tự cũng đã khởi công. Đây là một trong những bước tiến bộ của ngành dược Việt Nam , đáp ứng phần nào nhu cầu về các chủng loại thuốc đặc biệt mà hiện nay Việt Nam đang thiếu. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy đạt quy mô như thế này chưa nhiều.

 

Ông Hoàng Mầng nói rằng, giải pháp của Cagipharm có thể sẽ cùng với các doanh nghiệp dược phẩm trong nước nâng cao lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay.

 

Thế nhưng tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, cho rằng tính liên kết hỗ trợ, sử dụng dịch vụ của nhau ở các DN Việt Nam rất kém, và đó là điều đáng tiếc. “Trong khi người ta liên kết thành tập đoàn, còn DN Việt Nam chưa làm được điều này thì phải liên kết hỗ trợ, sử dụng dịch vụ của nhau để tăng thêm sức mạnh cạnh tranh cho DN Việt Nam, nếu không thì vẫn chỉ là những tế bào đơn lẻ dễ tiêu diệt” - bà Nga nói trong một hội nghị về liên liên kết DN.

 

Con đường của các DN dược Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt nếu vẫn cứ chuyển mình chậm trễ như hiện nay.