Ngành dược 2011: Tăng trưởng trong khó khăn

Ngành dược 2011: Tăng trưởng trong khó khăn

(ĐTCK-online) Năm 2011 là một năm có nhiều khó khăn cho các DN trong ngành, chủ yếu do bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ngành công nghiệp dược Việt Nam là một ngành công nghiệp hội tụ nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhu cầu về dược phẩm ngày càng tăng cao và đa dạng. Với tỷ lệ tăng trưởng dân số 1,3%/năm, xấp xỉ 1 triệu người/năm và tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn từ 6 - 7%, BMI dự báo, trong khoảng thời gian từ 2009 - 2014, ngành dược Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 16 - 17%/năm.

Hiện nay, Chính phủ có chủ trương phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, theo hệ thống cấp bậc phát triển ngành dược phẩm của Tổ chức Y tế  thế giới (WHO), thì Việt Nam chỉ được đánh giá ở cấp độ từ 2,5 - 3. Khó khăn lớn của ngành dược Việt Nam hiện nay là chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, với trung bình hơn 90% nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu. Để giải quyết vấn đề về nguyên liệu, cần một sự phát triển đồng đều hơn các ngành liên quan, mà chủ yếu là ngành nuôi trồng và chế biến dược liệu và ngành hóa dược, hiện tại chỉ cung cấp đủ cho một phần nhỏ nhu cầu nội địa.

Ngoài ra, cơ cấu sản xuất thuốc nội địa tập trung vào các sản phẩm thuốc generic thông thường có giá trị không cao, phần lớn các loại thuốc đặc trị đều phải nhập khẩu. Đây là một khó khăn chung cho các nước đang phát triển như Việt Nam, ngoài khó khăn về vốn và khả năng tiếp cận những công nghệ tiên tiến, yếu tố con người cũng là một rào cản không nhỏ.

 

Triển vọng ngành dược 2011

Năm 2011 là một năm có nhiều khó khăn cho các DN trong ngành, chủ yếu do bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chi phí tiền thuốc bình quân trên đầu người dự kiến tiếp tục giữ đà tăng trung bình 16% của các năm trước, lên 26 USD/người/năm so với mức 22 USD/người trong năm 2010.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2011, các yếu tố chi phí sản xuất của các ngành công nghiệp nói chung đều đã tăng đáng kể. Trong đó, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng 9,3%, gây khó khăn lớn đến các DN sản xuất dược, với hơn 90% nguyên liệu từ nhập khẩu, chiếm trung bình hơn 50% giá thành sản phẩm. Những căng thẳng trên thị trường tiền tệ dẫn đến việc lãi suất tăng cao gây khó khăn đối với các DN kinh doanh và phân phối thuốc thường có tỷ lệ vay nợ cao. Ngoài ra, việc giá xăng dầu, điện và tình hình lạm phát cao đều có những ảnh hưởng gián tiếp đến chi phí sản xuất nói chung. Qua trao đổi với một số DN, trung bình chi phí sản xuất đầu năm 2011 đã tăng từ 5 - 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, do là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống của người dân, giá thuốc niêm yết của các DN sản xuất đều bị quản lý khá chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Phần lớn sản phẩm thuốc đã tăng giá từ đầu năm đều đến từ việc luân chuyển lòng vòng giữa các đơn vị trong hệ thống phân phối, mà lợi nhuận từ việc tăng giá đó không đến tận tay DN.

Những lo ngại về tình hình kinh tế Việt Nam và triển vọng của ngành phần nào thể hiện qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh của các DN dược niêm yết trên sàn. Trung bình, kế hoạch doanh thu tăng 8% và lợi nhuận tăng 2% so với mức thực hiện của năm 2010.

 

Kết quả kinh doanh quý I/2011

Kết quả kinh doanh quý I/2011 của những DN dược niêm yết hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khá khả quan, trung bình 17%, trong đó sản lượng tiêu thụ tăng từ 10 - 40% so với cùng kỳ năm trước.

KQKD quý I/2011 của Top 5 DN dược niêm yết theo doanh số

 

 

Doanh thu 2010

+/- so 2009

LNST 2010

+/- so 2009

KH doanh thu 2011

KH LNST 2011

Doanh thu QI/

2011

+/- so QI/

2010

LNST QI/

2011

+/- so QI/

2010

DHG

2.034.525

17%

381.162

7%

2.240.000

323.000

579.312

43%

87.132

20%

IMP

763.995

16%

80.466

22%

800.000

82.000

179.968

10%

21.584

13%

DMC

1.043.439

-2%

82.792

8%

1.121.697

92.727

249.573

11%

17.510

8%

MKP

894.741

38%

71.014

16%

950.000

71.000

242.619

39%

18.749

9%

TRA

859.762

15%

66.248

30%

1.080.000

80.000

206.329

-1%

17.382

11%

Đơn vị: triệu đồng

 

Xét 5 DN dược tiêu biểu (xem bảng), DHG ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2011. Ngoài việc sản lượng tiêu thụ tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, giá thành một số mặt hàng của DHG cũng đã tăng 20% so với năm trước. Đây là mức tăng giá cho phép của Cục Quản lý dược từ năm trước, nhưng chưa được thực hiện.

Trong quý I/2011, TRA cũng đã tăng giá bán thuốc trên 20% cho một số mặt hàng từ kế hoạch trước đó đã được Cục Quản lý dược thông qua. Sản lượng tiêu thụ của TRA trong quý I ghi nhận mức tăng trưởng 15%.

Ba DN còn lại là IMP, DMC và MKP, mặc dù chưa tăng giá trong quý đầu năm, nhưng nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, cũng như những biện pháp giảm thiểu chi phí được đề ra từ đầu năm phát huy hiệu quả, nên lợi nhuận quý I/2011 đều có sự tăng trưởng. Riêng MKP là DN đứng đầu ngành về xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ chỉ tăng 10% trong quý I/2011 so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã đẩy mạnh mảng xuất khẩu và mang lại doanh thu hơn 2 triệu USD, hoàn thành 40% kế hoạch xuất khẩu của năm.