Ngành du lịch thận trọng khi mở lại hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, doanh nghiệp lữ hành chỉ được đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong giai đoạn thí điểm.

Thưa ông, nhiều địa phương được xem là điểm nóng Covid-19 đang kiểm soát tốt tình hình, với độ phủ vắc-xin ngừa Covid-19 đã và đang được mở rộng. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành du lịch?

Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)

Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)

Từ đầu năm đến nay, đã có 2 đợt Covid-19 bùng phát, du lịch Việt Nam chỉ mở cửa thị trường nội địa được thời gian ngắn giữa hai đợt dịch này, còn lại gần như nằm im. Sau 3 đợt dịch, “cơn cuồng phong” Covid-19 lần thứ tư kéo dài gần 5 tháng qua tại Việt Nam đã khiến doanh nghiệp du lịch thiệt hại nặng nề, dẫn đến sức cùng, lực kiệt. Trong khi đó, du khách trong và ngoài nước đang có nhu cầu khám phá, trải nghiệm rất lớn sau thời gian dài bị dồn nén. Do vậy, việc mở lại hoạt động du lịch đang được đặt ra vô cùng cấp thiết.

Hiện nay, Covid-19 đang từng bước được kiểm soát. Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực xây dựng các giải pháp để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thích nghi với điều kiện bình thường mới là sống chung với dịch bệnh.

Nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm soát tốt tình hình, các điểm nóng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… đang có những chuyển biến tích cực trong phòng, chống dịch. Song song với đó, độ phủ vắc-xin ngừa Covid-19 đã và đang được mở rộng, đặc biệt tại các điểm nóng trong làn sóng thứ tư này.

Độ phủ vắc-xin được mở rộng là một trong những cơ sở, điều kiện để các địa phương bắt đầu thực hiện mở cửa trở lại và từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có du lịch. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã lần lượt thiết lập điều kiện “thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19” để chuẩn bị cho sự trở lại này.

Song song với đó, Chính phủ bắt đầu thí điểm cho Quảng Ninh, Phú Quốc được đón du khách có “hộ chiếu vắc-xin”. Những chuyến bay đầu tiên thí điểm giải pháp “hộ chiếu vắc-xin” đón du khách quốc tế cũng đã được Bộ Y tế triển khai, hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Đây là những thực tiễn điển hình cho nỗ lực mở cửa trở lại đối với hoạt động du lịch, hàng không, cũng như các ngành dịch vụ liên quan.

Du lịch, hàng không và dịch vụ cũng chính là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. “Hộ chiếu vắc-xin”, “Thẻ xanh Covid-19” được xem là giải pháp để du lịch nối lại hoạt động, hướng đến phục hồi và phát triển.

Việc triển khai hộ chiếu vắc-xin, thẻ xanh Covid-19 mang đến nhiều cơ hội cho du lịch, nhưng kèm theo đó chắc hẳn là không ít khó khăn, thách thức, thưa ông?

Đúng vậy. Hiện nay, sự công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc-xin lẫn giữa các quốc gia chưa thống nhất. Mỗi nước có một ứng dụng riêng, nên rất khó để tất cả các quốc gia sử dụng chung một ứng dụng. Vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay là, Việt Nam phải có sự trao đổi với các quốc gia để khi dùng ứng dụng này, chỉ cần chụp QR code của ứng dụng kia sẽ cập nhật được những thông tin của nhau, đặc biệt là chứng nhận xét nghiệm Covid-19, chứng nhận đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin, nhằm tạo điều kiện cho du khách nhập cảnh nhanh chóng.

Đối với khách nội địa, ngành du lịch mong muốn, trong thời gian tới, Bộ Y tế chủ trì, đưa ra được quy định chung, tạo điều kiện cho người dân được cấp hộ chiếu vắc-xin, thẻ xanh Covid-19, để tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch.

Trong thời gian tới, nếu triển khai hộ chiếu vắc-xin, thẻ xanh Covid-19, thì nhiệm vụ lớn nhất đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho khách du lịch và cộng đồng. Do đó, chính quyền địa phương cần tuân thủ các biện pháp đảm bảo đảm an toàn đối với điểm đến, các cơ sở dịch vụ, du lịch. Cần nâng cao năng lực y tế về phòng, chống Covid-19. Tổ chức thực hiện tốt quy định 5K. Đồng thời, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý các sự cố về y tế phát sinh trong quá trình thí điểm đón khách du lịch.

Thưa ông, một số doanh nghiệp lữ hành cho biết, điều kiện để được đón du khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin đến Phú Quốc quá khắt khe, như đã đón khách vào Việt Nam đạt tối thiểu 30.000 lượt khách/năm, nộp ngân sách tối thiểu 1 tỷ đồng/năm (tính theo năm 2019). Thực tế, rất hiếm doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí này?

Về tiêu chí đối với doanh nghiệp lữ hành, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các quy định khá cao, có thể gây khó khăn cho một số doanh nghiệp. Điều này chúng tôi không phủ nhận. Tuy nhiên, đây là những tiêu chí cho giai đoạn thí điểm đón du khách quốc tế đến Phú Quốc, nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất có thể.

Mặt khác, ngay cả trong giai đoạn thí điểm này, khi thực hiện chính thức thì vẫn phải thí điểm một hoặc hai chuyến đón khách quốc tế và xem xét quy trình đón, phục vụ du khách hợp lý chưa, cần rút kinh nghiệm những gì, để có những chính sách điều chỉnh kịp thời, hợp lý.

Vì vậy, trong giai đoạn trước mắt, Tổng cục Du lịch phối hợp với tỉnh Kiên Giang lựa chọn các doanh nghiệp đạt được những tiêu chí đã đề ra. Đây là việc khó và trong giai đoạn thí điểm, cần có những doanh nghiệp lớn, có năng lực để chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như chính quyền địa phương đảm bảo đón du khách một cách an toàn nhất.

Sau quá trình thử nghiệm, hàng tháng, chúng tôi sẽ có những đánh giá tổng quan, để điều chỉnh từng tháng, từng giai đoạn. Nếu làm tốt thì sẽ từng bước nới các tiêu chí đối với doanh nghiệp.

Xin chia sẻ thêm, tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình là thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc dự kiến từ tháng 10, nhưng thời gian có thể thay đổi. Phú Quốc chỉ mở cửa đón du khách khi nào đảm bảo tối thiểu 90% dân số từ 18 tuổi ở thành phố đảo này được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Đây cũng là bước đi thận trọng của ngành du lịch trong việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Tin bài liên quan