Nhân lực ngành du lịch được dự báo sẽ thiếu hụt nghiêm trọng sau Covid-19.
Điều này đòi hỏi công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch phải lập tức thay đổi để thích ứng với tình hình mới và phát triển bền vững.
Nguy cơ thiếu nhân lực hiện hữu
Theo Tổng cục Du lịch, Covid-19 khiến cả năm 2020, du lịch Việt Nam chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm hơn 80% so với năm trước, khách nội địa giảm 50%, ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD. Đến nay, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa.
Điều này gây ra cú sốc chưa từng có đối với nhân sự ngành kinh tế xanh. Theo Hội đồng Tư vấn du lịch, Việt Nam có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể các mảng công việc có liên quan. Đến nay, Covid-19 khiến 18% doanh nghiệp phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% cho từ 50 - 80% nhân viên nghỉ việc. Tại Hà Nội, số lao động tạm thời nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động ở các hãng lữ hành, vận chuyển khoảng 50 - 90%.
Hàng triệu lao động ngành du lịch đã chuyển sang làm nghề khác. Giám đốc các hãng du lịch nhận định, đây là một nguy cơ, bởi khi đại dịch qua đi, du lịch bước vào giai đoạn phục hồi thì sẽ bị thiếu nhân lực. “Khi du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, thù lao doanh nghiệp trả chưa xứng đáng, khó có thể mời các nhân sự đã chuyển nghề trở lại làm việc”, một chuyên gia cảnh báo.
Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho rằng, khó khăn này tuy là tạm thời, song lại kéo theo những hệ quả lâu dài. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực trong ngành du lịch Việt Nam chưa mạnh, chưa tinh, nay cộng thêm việc hao hụt nguồn lao động thì quả là khó khăn kép.
Hiện, du lịch nội địa đã hoạt động túc tắc. Đây là dịp các đơn vị xốc lại bộ máy, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới phát triển bền vững.
Một số hãng lữ hành uy tín tại Hà Nội như VietSense Travel, AZA Travel, Ascend Travel… đã cùng liên kết, tổ chức các buổi huấn luyện cho nhân viên và sinh viên học chuyên ngành du lịch.
Là người khởi xướng hoạt động đó, ông Nguyễn Văn Tài cho biết, các lớp huấn luyện này chủ yếu do CEO các doanh nghiệp du lịch giàu kinh nghiệm chia sẻ kiến thức thực hành. Mục đích là nâng cao khả năng thích ứng với thị trường, tạo cơ hội cọ xát thực tế cho các học viên. Sau các khóa huấn luyện, các công ty sẽ thực hiện tuyển dụng từ nguồn do chính mình đào tạo.
“Đây là phương thức hiệu quả để các công ty né cú sốc hao hụt nhân lực, đồng thời nâng cao chất lượng nhân sự theo đúng nhu cầu của đơn vị mình”, ông Tài nói.
Tăng cường xã hội hóa đào tạo nghề du lịch
Tuy nhiên, sự nỗ lực của một vài doanh nghiệp không thể “vá” được lỗ hổng nhân lực ngành du lịch. TS. Nguyễn Văn Lưu, nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng, diễn biến phức tạp của Covid-19 đe dọa các cơ sở đào tạo nghề du lịch đối mặt với nguy cơ đóng cửa, phá sản vì không có người học. Lỗ hổng nguồn nhân lực du lịch chắc chắn không thể tránh khỏi và biểu hiện ngày càng rõ sau đại dịch.
Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Ở trong nước, dù dịch được kiểm soát khá tốt, nhưng nguy cơ lây lan trong cộng đồng không thể lường trước được. Vì thế, để thích ứng với tình hình mới, hoạt động du lịch nói chung, trong đó có việc đào tạo nhân lực du lịch rất cần những điều chỉnh và đổi mới phù hợp. Ngành du lịch cần phải có chiến lược trong mở rộng và xây dựng đề án về quy mô đào tạo; sắp xếp, kiện toàn lại các trường có đào tạo nhân lực du lịch theo hướng bền vững, dài hạn.
Nhận định chương trình đào tạo du lịch còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của doanh nghiệp, bà Lê Thị Tuyết Ba, Trường đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng: “Chương trình đào tạo cần phải gắn với thực tiễn, cập nhật và đổi mới theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành, giảm lý thuyết. Các cơ sở đào tạo xây dựng lộ trình phát triển hướng tới các chuẩn mực chung của khu vực và thế giới. Đặc biệt, đội ngũ tham gia đào tạo phải đủ tầm, giàu kinh nghiệm mới có thể nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch”.
Mặt khác, trong thời đại số, các trường đại học, các cơ sở giáo dục, dạy nghề du lịch cần phải đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ đồng bộ và liên kết chặt chẽ. Khuyến khích mô hình liên kết giữa các cơ sở đào tạo trung cấp du lịch với các doanh nghiệp du lịch liên doanh nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để người học có cơ hội tiếp cận với môi trường dịch vụ du lịch và được rèn luyện kỹ năng ứng phó linh hoạt trong bối cảnh Covid-19.
Để đổi mới toàn diện đào tạo nghề du lịch, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần đầu tư mạnh vào hạ tầng kỹ thuật số, giảm chi phí kết nối nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tăng cường xã hội hóa để khắc phục khó khăn, huy động nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ để hoạt động đào tạo nghề du lịch đi vào chiều sâu, thực sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.