Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, việc tìm ra những giải pháp tốt nhất cho phát triển nguồn điện ở Việt Nam khi tăng trưởng sử dụng điện ngày càng cao hiện là việc cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam không triển khai điện hạt nhân, nhiệt điện than ngày càng bộc lộ hạn chế, các nguồn thủy điện lớn không còn.
Chúng ta phải khai thác tiềm năng sẵn có, tạo ra sản lượng điện mới, các nguồn thủy điện nhỏ và vừa là nguồn tài nguyên quý của đất nước, nếu bỏ qua thì vô cùng lãng phí.
- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi
Theo ông Ngãi, theo quy hoạch ngành điện Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam phải đạt sản lượng điện 265 tỷ KWh, đến năm 2030 phải có 570 tỷ KWh điện. Điều đáng lo, hiện chúng ta mới có trên 170 tỷ kWh điện thương phẩm trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt...ngày càng cạn kiệt. Để cân đối mục tiêu trên, từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu khoảng 100 tỷ kWh vào năm 2020 và thiếu khoảng 300 tỷ kWh vào năm 2030.
“Trong thời gian tới, nguồn điện từ tài nguyên trong nước cần được đầu tư khai thác như nguồn thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối một cách mạnh mẽ”, ông Ngãi nói.
Theo đại Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các nguồn thủy điện lớn đã đầu tư từ nhiều thập kỷ qua, đến nay coi như kết thúc, cộng với các nguồn thủy điện vừa và nhỏ khoảng 4.000 MW đã được xây dựng và đưa vào vận hành, tổng công suất nguồn thủy điện hiện tại đạt khoảng 70.000 MW, với sản lượng điện khoảng 70 tỷ kWh/năm.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Ông Ngãi cho biết, theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu cho khai thác thêm khoảng 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa có khả năng khai thác hiện nay ở Việt Nam, tổng công suất nguồn thủy điện mới khai thác này sẽ đạt được từ 3.000 – 4.000 MW, tương đương khoảng 15 tỷ kWh điện năng, góp thêm phần điện năng thiếu hụt mà Việt Nam dự kiến sẽ phải đối mặt trong những năm tới.
“Cần phải xem xét lại, trong số các dự án thủy điện vừa hiện nay còn có khả năng đầu tư tiếp, có hiệu quả kinh tế, có công suất điện khá (trên 30 MW trở lên), thì nên tiếp tục cho đầu tư xây dựng nhằm cung cấp điện cho các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, khi cấp phép cho các dự án này phải đi kèm với điều kiện đảm bảo quy trình lập đề án, tổ chức xây dựng, hạn chế tối đa phá hoại rừng đồng thời cần phải có quy trình chặt chẽ trong vận hành hồ chứa…”, ông Ngãi nêu quan điểm.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, ông Man Ngọc Lý, các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có những tác động tích cực trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, duy trì điều hòa dòng chảy về hạ du vào mùa kiệt, phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất, đẩy mặn. Nhiều dự án sau khi đi vào vận hành đã trồng lại rừng, giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, giúp phát triển kinh tế ở những nơi có thủy điện và đặc biệt là đã đóng góp rất lớn vào ngân sách cho các địa phương. Bên cạnh đó, việc xả lũ, cấp nước hạ du đảm bảo sản xuất nông nghiệp, và điều tiết lũ mùa mưa bão đã được các chủ đầu tư dự án thủy điện thực hiện theo đúng quy trình được cấp có thẩm quyền ban hành.
Ông Lý cũng cho rằng, việc gỡ rào cản để phát triển thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo sẽ là nhiệm vụ cấp bách để các thúc đẩy việc phát triển nguồn điện ở Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) Phạm Trọng Thực đánh giá cao việc các chủ đầu tư thời gian qua đã nỗ lực triển khai áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý giám sát, các hồ thuỷ điện như: xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa; tuân thủ các quy định về an toàn hồ đập dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương; lắp đặt các hệ thống cảnh báo lũ, cảnh báo hạ du ...
Theo ông Thực, việc phát triển các nguồn thủy điện nhỏ trong tương lai vẫn phải xem xét thực hiện. Thực tế nguồn điện của Việt Nam hiện nay cho thấy năng lượng tái tạo chỉ là nguồn cung cấp thêm chứ không thể thay thế được các nguồn phát điện khác như thủy điện, nhiệt điện. “Điện mặt trời, điện gió được coi là nguồn năng lượng sạch nhưng có điểm yếu là khi không có nắng, không có gió thì lại phải dùng năng lượng dự trữ để phát điện. Chưa kể, với giá điện năng lượng tái tạo cao như hiện nay, trung bình trên 2.000 đồng/kWh và Chính phủ phải bù lỗ, sẽ cần thêm nhiều cơ chế để gỡ khó cho phát triển năng lượng tái tạo”, ông Thực nói.