Ảnh minh họa
Đến hẹn lại… lo thiếu điện
Những ngày cuối tháng 4/2023, Nhà máy Nhiệt điện than Thái Bình 2 đã chính thức được khánh thành. Việc có thêm 1.200 MW sẵn sàng cho khu vực miền Bắc - tâm điểm về thiếu điện cục bộ trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây với các đợt nắng nóng kéo dài - được xem là thông tin mừng.
Nhưng, mối lo của ngành điện không vì thế mà vơi bớt. Riêng ở miền Bắc, phụ tải đỉnh (Pmax) trong mùa hè này dự kiến tăng thêm 3.540 MW. Trong khi đó, tại khu vực này chỉ có thêm 1.427 MW được đưa vào hoạt động, bao gồm cả Nhà máy Nhiệt điện than Thái Bình 2.
Xét trên toàn bộ hệ thống điện quốc gia, dự kiến, Pmax năm 2023 tăng thêm 5.530 MW so với Pmax năm 2022, trong khi các nguồn điện mới và có tin cậy cao, vận hành liên tục vẫn vắng bóng. Với thực trạng này, việc đảm bảo điện, nhất là vào những ngày nắng nóng kéo dài, sẽ là thách thức lớn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, nhưng lượng tiêu thụ điện đã tăng cao. Cụ thể, lượng điện tiêu thụ trung bình trong tuần giữa tháng 4/2023 (từ ngày 16 đến 21/4) là 823 triệu kWh/ngày, tăng gần 5% so với kế hoạch cấp, vận hành hệ thống điện năm nay được Bộ Công thương phê duyệt.
Vì thế, từ ngày 17/4, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã phải huy động các tổ máy chạy dầu, riêng ngày 21/4 huy động 2.498 MW chạy dầu.
Trong khoảng thời gian cao điểm nắng nóng ở miền Bắc từ tháng 5 đến tháng 7, công suất tiêu thụ tại khu vực này dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Theo dự báo của EVN, trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra và mực nước các hồ thủy điện khu vực giảm sâu, miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600 - 4.900 MW điện trong tháng 5 và tháng 6.
Ngay trong đợt nắng nóng đầu tiên ở miền Bắc vào các ngày 5 - 6/5/2023, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) lập tức khuyến cáo người tiêu dùng về việc sử dụng điện tiết kiệm để tránh nguy cơ sự cố về điện.
Ở phía Nam, nắng nóng kéo dài từ cuối tháng 4 tới đầu tháng 5 tại TP.HCM cũng khiến lượng điện tiêu thụ liên tục phá kỷ lục.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, ngày 6/5, lượng điện tiêu thụ của TP.HCM đạt 94,8 triệu kWh, lập kỷ lục mới. Trước đó, ngày 21/4, lượng điện tiêu thụ là 93,53 triệu kWh; ngày 25/4 tiêu thụ 93,566 triệu kWh và ngày 5/5 tiêu thụ 94,43 triệu kWh.
Đáng nói là, vào thứ Bảy, dù hầu hết công sở, xí nghiệp đều nghỉ làm việc, nhưng lượng điện tiêu thụ không giảm nhiều so với ngày thường, cho thấy tăng trưởng phụ tải của khu vực sinh hoạt, dân dụng đang rất lớn. Thống kê của EVNHCMC cho thấy, bình quân 1 hộ gia đình trong ngày thứ Bảy đã sử dụng trên 30 kWh điện.
Dự báo, thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng lên đến 37 độ C, buổi tối thấp nhất là 29 độ C, nền nhiệt cao, không khí oi bức, nên nhu cầu sử dụng điện, nhất là điện cho các thiết bị làm mát tiếp tục tăng cao, có thể dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực, gây sự cố, hoặc hệ thống bảo vệ tự động ngắt điện để bảo đảm an toàn, dẫn đến mất điện cục bộ.
Các nguồn điện đều gặp thách thức
Theo số liệu báo cáo, EVN đang gánh khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của năm 2022, chưa tính khoản lỗ phát sinh trong 4 tháng đầu năm 2023, đồng thời vẫn đang bị “treo” 15.000 tỷ đồng tiền chênh lệch tỷ giá của các nhà máy phát điện. Việc tăng giá điện 3% từ ngày 4/5/2023 chỉ giúp EVN thu thêm khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Nhìn vào những chỉ số tài chính này, nhiều chuyên gia không khỏi lo lắng về áp lực cấp điện an toàn, ổn định, liên tục.
Đầu tháng 5, tình hình cấp điện khá căng thẳng khi nguồn thuỷ điện chưa thể phát huy, vì hồ thủy điện đã cạn, mà nước mới chưa về như mong đợi.
Theo EVN, năm nay, diễn biến thuỷ văn không thuận lợi như năm 2022. Hiện nước về các hồ thủy điện kém, chỉ bằng 70 - 90% so với trung bình nhiều năm. Dự báo, hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt tăng cao, lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm, làm cho lưu lượng về hồ các tháng cuối năm có xu hướng giảm thấp.
Hiện nhiều hồ thủy điện trong trạng thái mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tới cung cấp điện và nhu cầu dân sinh trong mùa khô 2023.
Cụ thể, 18 hồ thủy điện lớn có dung tích nước còn lại dưới 20%; 18 hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa có mực nước thấp hơn quy định và 22 hồ mực nước giới hạn trong 2 tuần liên tiếp. Có 9 hồ (tổng công suất 3.000 MW) ghi nhận lượng nước dưới mực nước chết.
EVN ước tính, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, các nguồn điện khác hoặc có giá bán điện cho EVN cao hơn giá bán lẻ điện bình quân tới các hộ tiêu thụ (dù giá điện vừa được tăng lên), hoặc không ổn định để phát liên tục cả ngày lẫn đêm (nguồn năng lượng tái tạo).
Sản lượng khí cấp cho điện năm 2023 dự kiến là 5,6 tỷ m3 (trong đó, khí Đông Nam bộ là 4,3 tỷ m3, Tây Nam Bộ là 1,3 tỷ m3), thấp hơn khoảng 1,3 tỷ m3 so với con số của năm 2022. Mặt khác, một số mỏ khí có thời gian khai thác lâu, thường xuyên xảy ra sự cố, nên cấp khí cho sản xuất điện khó khăn.
Nguồn điện gió cũng bị hạn chế, do khả năng phát của điện gió trong các tháng 5, 6, 7 có thể thấp hơn năm 2022, khả năng phát giảm mạnh về cuối mùa khô, nhất là vào buổi tối - thời điểm sử dụng điện sinh hoạt cao điểm hàng ngày.
Chưa kể, hàng loạt dự án điện năng lượng tái tạo mới vận hành trong 3 năm qua cũng thấp thỏm lo dòng tiền bán điện đang đều đặn thu bấy lâu có nguy cơ bật khỏi diện được hưởng giá FIT trong 20 năm, vì nằm trong danh sách được Thanh tra Chính phủ kết luận là chưa tuân thủ đúng các quy định hiện hành với dự án điện để được hưởng giá FIT cao như công bố.
Điều này cũng dẫn tới nguy cơ phát sinh những tranh chấp về thực hiện hợp đồng mua bán điện giữa các nhà sản xuất điện và EVN, gián tiếp khiến hoạt động đầu tư mới vào nguồn điện bị ảnh hưởng.