Ảnh Internet

Ảnh Internet

Ngành điện sẽ sáng hơn trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế dần mở cửa trở lại kéo theo sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, các doanh nghiệp ngành điện dự báo sẽ có một năm kinh doanh tích cực hơn.

Thủy điện thuận lợi

2021 có thể xem là năm thuận lợi với các doanh nghiệp thủy điện. Tại Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn (mã SJD), doanh thu 9 tháng tăng trưởng 18,4%, còn lợi nhuận sau thuế tăng 48,4%.

Tăng trưởng lợi nhuận cũng là câu chuyện ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp khác như Thủy điện Thác Mơ (mã TMP), Thủy điện Miền Nam (mã SHP), Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH), Thủy điện Thác Bà (mã TBC)…

Doanh nghiệp thủy điện có lợi thế giá thành sản xuất thấp hơn hẳn so với điện than và điện khí, nên luôn được ưu tiên huy động.

Bất chấp ảnh hưởng bởi sức cầu yếu, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp thủy điện vẫn tăng trưởng do đây là nhóm có lợi thế giá thành sản xuất thấp hơn hẳn so với điện than và điện khí, do đó luôn được ưu tiên huy động. Giá than và khí tự nhiên tăng mạnh trong năm 2021 đã làm tăng chi phí sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, từ đó tăng giá bán trên thị trường điện càng giúp nhóm doanh nghiệp thủy điện hưởng lợi.

Điều kiện thủy văn tại nhiều khu vực cũng thuận lợi trong năm 2021 với lượng mưa dồi dào giúp các nhà máy tăng công suất phát. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng, đa số vượt kế hoạch, tỷ lệ chi trả cổ tức được đề xuất trong mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2022 tới đây được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể so với mức chi trả của năm vừa qua.

Bước sang năm 2022, điều kiện thủy văn tại nhiều khu vực được dự báo thuận lợi cho doanh nghiệp thủy điện. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trạng thái La Nina có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 2/2022 với xác suất khoảng 90%; từ tháng 3 đến tháng 5/2022, hiện tượng ENSO vẫn ở trạng thái La Nina yếu với xác suất 50%.

Tuy vậy, với địa hình trải dài, khí hậu 3 miền phân hóa rõ rệt, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện được dự báo sẽ tiếp tục phân hóa mạnh và phụ thuộc vào tình hình thủy văn ở từng khu vực.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn trên thượng lưu lưu vực sông Hồng sẽ tiếp tục xảy ra từ tháng 1 - 6/2022. Trong khi đó, ở Trung Bộ và Tây Nguyên, vào cuối tháng 12/2021 có thể xuất hiện đợt lũ giúp các hồ chứa tăng tích nước.

Nhiệt điện bớt khó khăn

Không giống như các doanh nghiệp thủy điện, nhóm doanh nghiệp nhiệt điện vừa trải qua một năm kinh doanh nhiều khó khăn.

Theo số liệu cập nhật từ Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), trong 9 tháng đầu năm 2021, giá khí tự nhiên tăng 103% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi giá than tăng tới 226%. Dù giá bán điện hợp đồng (Pc) được điều chỉnh theo giá nhiên liệu đầu vào, nhưng lợi nhuận bị ảnh hưởng do bất lợi về sản lượng huy động.

Ở đầu ra, số liệu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, tiêu thụ điện trung bình ngày trên toàn quốc của quý III/2021 giảm 10,53% so với quý II/2021 và giảm 4,14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 11 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân 8,59%/năm của giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 (trong đó, năm 2020 có mức tăng trưởng thấp là 3,42%). Là nhóm có chi phí sản xuất cao nhất trong các nguồn cung cấp điện, sản lượng điện được huy động của nhiều nhà máy nhiệt điện giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), tổng sản lượng điện sản xuất lũy kế 11 tháng đầu năm 2021 giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2020; tương tự, tỷ lệ giảm của Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP là 9,27%.

Sản lượng giảm, doanh thu từ sản xuất điện thấp là một trong những nguyên nhân khiến Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) báo lỗ trong quý III/2021.

Năm 2022, tiêu thụ điện được nhận định sẽ phục hồi tốc độ tăng trưởng, qua đó phần nào giảm bớt khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện. Trong báo cáo ngành điện mới đây, Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng, sản lượng tiêu thụ điện năm nay sẽ tăng trưởng 9% so với năm 2021 dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5%.

Thực tế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ điện đã tăng trở lại trong tháng 10 và tháng 11/2021 sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại nhiều địa phương được nối lại.

Tuy vậy, ngành năng lượng thế giới đang đứng trước nhiều kịch bản khác nhau dựa trên những dự báo về dịch bệnh khác nhau.

Bên cạnh đó là tiến độ phục hồi chuỗi cung ứng sau khi gián đoạn, đẩy giá các loại hàng hóa tăng cao trong năm 2021. Sự bất ổn, khó lường trong diễn biến giá các nguyên liệu chính cho sản xuất điện sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của các nhà máy nhiệt điện.

Một khó khăn riêng mà các nhà máy nhiệt điện phải đối mặt là tuổi đời tăng lên làm tăng chi phí bảo trì, bảo dưỡng, cũng như suất tiêu hao nhiên liệu.

Bên cạnh đó là rủi ro sự cố trong quá trình vận hành, chẳng hạn tại Nhiệt điện Phả Lại, sự cố kỹ thuật của Nhà máy Phả Lại 2 xảy ra từ tháng 3/2021 với quá trình sửa chữa, khắc phục kéo dài đã ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng năm 2021 của Công ty và có thể còn ảnh hưởng đến sản lượng điện hợp đồng mà EVN huy động từ PPC trong năm 2022.

Tại PV Power, việc tuabin của tổ máy số 1 nhà máy Vũng Áng - nhà máy đóng góp doanh thu lớn nhất, hư hỏng từ 19/9/2021 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty trong quý IV/2021.

Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng trưởng

Thời gian qua, các dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời và điện gió, phát triển mạnh, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam nhờ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư.

Theo Bộ Công Thương, công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện Việt Nam tăng 19% trong năm 2020, chủ yếu đến từ điện mặt trời. Đến cuối năm 2020, điện mặt trời chiếm 25% trong tổng công suất lắp đặt điện nhờ vào các chính sách khuyến khích của Chính phủ. Tuy vậy, trong báo cáo tháng 11/2021, EVN cho biết, sản lượng điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 26,88 tỷ kWh, chiếm 11,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ đóng góp vào tổng sản lượng sản xuất thấp hơn nhiều so với tỷ lệ công suất lắp đặt là do hệ thống truyền dẫn chưa đủ tương thích để khai thác tối đa hiệu quả. Tuy vậy, việc đóng góp từ nguồn năng lượng tái tạo dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới khi các hệ thống lưới điện dần hoàn thiện.

Với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ, mảng năng lượng này có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với các nhà máy điện có chi phí sản xuất cao, đặc biệt là nhóm nhiệt điện.

Tin bài liên quan