Ngành điện có thể khởi kiện dự án điện mặt trời áp mái gian lận

0:00 / 0:00
0:00
Truy thu phần đã thanh toán với sản lượng điện mặt trời mái nhà không đúng quy định, thậm chí chuẩn bị tiến hành khởi kiện ở tòa án là hướng giải quyết được EVNSPC đưa ra hiện nay.
Một trang trại nông nghiệp công nghệ cao 4.0 tích hợp năng lượng mặt trời 2 MW, mặt tiền Quốc lộ 27B (Ninh Thuận) được rao bán công khai

Một trang trại nông nghiệp công nghệ cao 4.0 tích hợp năng lượng mặt trời 2 MW, mặt tiền Quốc lộ 27B (Ninh Thuận) được rao bán công khai

Xem xét báo cáo kết quả giải trình liên quan đến hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại các công ty điện lực Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Hậu Giang, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) Nguyễn Phước Đức đã chỉ đạo chỉ chấp nhận thanh toán đối với các hệ thống ĐMTMN có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ từ ngày 31/12/2020 trở về trước theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 8 của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Nguyên tắc giải quyết chung được EVNSPC đưa ra là theo sát các quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Thông tư 18/2020/TT-BCT của Bộ Công thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, và hợp đồng mua bán ĐMTMN ký kết giữa ngành điện với chủ đầu tư.

EVNSPC cũng yêu cầu các điện lực xác định phần sản lượng vi phạm hợp đồng của chủ đầu tư, yêu cầu tháo gỡ các tấm pin đối với phần công suất vi phạm và tách đấu nối hệ thống ĐMTMN vi phạm ra khỏi hệ thống điện hiện hữu. Điều chỉnh giảm công suất lắp đặt và sản lượng điện đã ghi nhận trên chương trình CMIS.

Ngoài ra các công ty điện lực cũng phải thiết lập và triển khai các công cụ giám sát hệ thống ĐMTMN, góp phần hỗ trợ xử lý đối với các tình huống nghi ngờ thiếu minh bạch và không đúng quy định; tìm kiếm chứng cứ xác thực rõ ràng và mang tính pháp lý trước khi triển khai bước tiếp theo, đề ra giải pháp phân loại theo từng trường hợp và thể hiện tính nhất quán khi giải quyết vụ việc cùng tính chất trong toàn EVNSPC.

Đối với một số trường hợp cụ thể, EVNSPC đã đưa ra các giải pháp được cho là mạnh mẽ và quyết liệt.

Liên quan tới cụm Công ty TNHH Sản xuất điện mặt trời Quảng Sơn tại Công ty điện lực Ninh Thuận (15 hợp đồng), việc phát triển ĐMTMN để được hưởng giá mua điện ưu đãi đã không tuân thủ những yêu cầu về kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật để đóng điện, đưa hệ thống vào vận hành theo quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

EVNSPC giao Công ty Điện lực Ninh Thuận làm việc với chủ đầu tư để thực hiện thủ tục hủy các hợp đồng mua bán ĐMTMN và tách đấu nối các hệ thống ĐMTMN ra khỏi hệ thống điện hiện hữu, nếu chủ đầu tư không đồng ý giải quyết thì tập hợp hồ sơ tài liệu, chứng cứ để khởi kiện tại Toà án. Thời hạn hoàn thành trước 15/10/2021.

Đối với cụm Công ty TNHH AA tại Lâm Đồng (5 hợp đồng), việc thực hiện lắp bổ sung công suất tại 03 hệ thống AA&I, AA&G, AA&M sau ngày 31/12/2020 đã vi phạm quy định tại Thông tư 18/2020/TT-BCT.

Do đó, EVNSPC giao Công ty Điện lực Lâm Đồng làm việc với chủ đầu tư để thực hiện tách và chuyển ra khỏi vị trí hiện hữu số tấm pin lắp thêm sau ngày 31/12/2020; tổ chức ký lại phụ lục hợp đồng đúng quy định; nếu chủ đầu tư không đồng ý giải quyết thì tập hợp hồ sơ tài liệu, chứng cứ để khởi kiện tại Toà án đối với phần vi phạm. Thời hạn hoàn thành trước 15/10/2021.

Tại Long An, với cụm ĐMTMN của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thép Tây Nam (5 hợp đồng), việc thực hiện lắp bổ sung công suất sau 31/12/2020 đã vi phạm Thông tư 18/2020/TT-BCT.

EVNSPC giao Công ty Điện lực Long An làm việc với chủ đầu tư để tách, chuyển ra khỏi vị trí hiện hữu số tấm pin lắp thêm sau khi nghiệm thu hoặc sau ngày 31/12/2020; tổ chức ký lại phụ lục hợp đồng và tạm dừng thanh toán để xử lý dứt điểm vi phạm theo quy định; nếu chủ đầu tư không đồng ý giải quyết thì tập hợp hồ sơ tài liệu, chứng cứ để khởi kiện tại Toà án. Thời hạn hoàn thành trước 15/10/2021.

Tương tự, với cụm ĐMTMN của Công ty CP Sản xuất Thép Vina One (7 hợp đồng), việc thực hiện lắp bổ sung công suất sau ngày 31 tháng 12 năm 2020 đã vi phạm quy định tại Thông tư 18/2020/TT-BCT. EVNSPC giao Công ty điện lực Long An làm việc với chủ đầu tư để tách, chuyển ra khỏi vị trí hiện hữu số tấm pin lắp thêm sau khi nghiệm thu hoặc sau ngày 31/12/2020 (hoàn thành trước ngày 15/10/2021).

Đối với trường hợp cụm ĐMTMN (10 hợp đồng) của Công ty TNHH Điện mặt trời Trúc Mai tại tỉnh Bình Dương, EVNSPC xác định 2 hệ thống ĐMTMN Trúc Mai 5 và 7 được nghiệm thu và đóng điện, vận hành phát điện trước 31/12/2020 theo đúng quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Tuy nhiên, 8 hệ thống ĐMTMN Trúc Mai 1, 2, 3, 4, 6, 8, 9,10 chưa đạt điều kiện vận hành phát điện trước ngày 31/12/2020 theo đúng quy định với nguyên nhân đường dây đấu nối 22kV chưa hoàn tất thi công.

Do đó, EVNSPC giao Công ty Điện lực Bình Dương làm việc với chủ đầu tư để thực hiện hủy các hợp đồng mua bán ĐMTMN và tách đấu nối các hệ thống ĐMTMN vi phạm ra khỏi hệ thống điện hiện hữu, nếu chủ đầu tư không đồng ý giải quyết thì tập hợp hồ sơ tài liệu, chứng cứ để khởi kiện tại Toà án. Thời hạn hoàn thành trước ngày 15/10/2021.

Đối với cụm ĐMTMN do Công ty cổ phần VES thực hiện tại Hậu Giang (8 hợp đồng), việc thực hiện lắp bổ sung công suất sau ngày 31/12/2020 đã vi phạm Thông tư 18/2020/TT-BCT. EVNSPC giao Công ty điện lực Hậu Giang: đối với 05 hệ thống ĐMTMN không vận hành phát điện đến thời điểm ngày 31/12/2020 sẽ làm việc với chủ đầu tư để thực hiện thủ tục hủy các hợp đồng mua bán ĐMTMN và tách đấu nối các hệ thống ĐMTMN ra khỏi hệ thống điện hiện hữu.

Đối với 3 hệ thống ĐMTMN vận hành phát điện trước ngày 1/1/2021, EVNSPC giao làm việc với chủ đầu tư để tách, chuyển ra khỏi vị trí hiện hữu số tấm pin lắp thêm sau ngày 31/12/2020 và tổ chức ký lại phụ lục hợpđồng đúng quy định. Nếu chủ đầu tư không đồng ý giải quyết thì tập hợp hồ sơtài liệu, chứng cứ để khởi kiện tại Toà án. Thời hạn hoàn thành trước ngày 15/10/2021.

Tin bài liên quan