Ông Tạ Văn Hường.

Ông Tạ Văn Hường.

Ngành điện: Chưa xác định được tiềm lực thực thi của DN

(ĐTCK-online)Quy hoạch Phát triển điện giai đoạn 2006 - 2015 (Tổng sơ đồ 6 - TSĐ6) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với dự báo tăng trưởng phụ tải là 20%/năm, cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng thực tế 13 -15%/năm trong thời gian qua. Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng dầu khí (Bộ Công nghiệp) về vấn đề này.

Thưa ông, TSĐ6 đưa ra mức tăng trưởng phụ tải điều hành là 20% và dự phòng là 22%, cao hơn rất nhiều so với thực tế hoạt động các năm trước?

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dự báo của các ngành đều có những thay đổi. Trước khi gia nhập WTO, chúng ta đã chuẩn bị phương án tăng trưởng phụ tải mạnh mẽ là 16% và đã có những ý kiến e ngại. Nhưng với những số liệu rất bất ngờ về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam , nên con số này là chỉ tiêu để chúng ta chuẩn bị sẵn sàng và dự phòng ở mức 22%.

Tất nhiên, vấn đề là khả năng thực thi đến đâu. Vì vậy, lần này duyệt TSĐ theo hướng “làm có nghe ngóng, điều chỉnh”, chứ không cố định như trước. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Công nghiệp nghiên cứu, đề xuất khi tình hình thực tế có thay đổi.

 

Phải chăng do vậy, nên TSĐ 6 sẽ có thêm Ban Chỉ đạo?

Việc thực hiện TSĐ6 này rất quan trọng, nên cần có Ban Chỉ đạo và Bộ Công nghiệp đang soạn thảo danh sách thành viên để trình lên Thủ tướng.

 

Trong TSĐ6 có nói sẽ dành một tỷ lệ hợp lý cho các dự án BOT, BOO. Vậy tỷ lệ đó  là bao nhiêu?

Ở thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa xác định được chính xác tỷ lệ đó là bao nhiêu, kể cả tiềm lực kinh tế lẫn tiềm lực thực thi các dự án điện của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Chúng tôi đang chuẩn bị danh mục để kêu gọi BOT, BOO.

 

Sẽ có bao nhiêu dự án, thưa ông?

Trước mắt, sẽ có các dự án Nghi Sơn 2 (Thanh Hoá) với công suất khoảng 1.200 MW, cụm Sơn Mỹ (Bình Thuận) khoảng 3.600 - 4.400 MW, cụm Kiên Lương (Kiên Giang) và một số dự án ở khu vực đồng bằng Đông Nam Bộ... Đó là các dự án đầu tư theo hình thức BOT, còn các dự án theo hình thức BOO do các DN trong nước thực hiện thì nhiều. Danh sách chính thức sẽ sớm được đưa ra trong thời gian tới.

 

Bộ Công nghiệp được giao nhiệm vụ đưa ra quy hoạch mà quy hoạch lại do Tập đoàn Điện lực (EVN) xây dựng và trình lên. Liệu có chuyện EVN chậm nghiên cứu, chậm đưa ra quy hoạch vì EVN ở một góc độ khác cũng là nhà đầu tư vào nguồn điện?

Không có chuyện đó. Việc lập quy hoạch mà EVN làm là do Bộ Công nghiệp chỉ đạo thực hiện. EVN đã trình quy hoạch các dự án điện miền Nam, miền Trung, nhưng Bộ Công nghiệp cho rằng, khi làm quy hoạch thì phải có tính khả thi, nên đã chỉ đạo EVN làm lại quy hoạch với chi tiết từng địa điểm từ cấp đất, môi trường, ý kiến của các bộ, ngành khác về địa điểm này. Ít nhất phải đồng ý với nhau về nguyên tắc và có tính khả thi thì Bộ Công nghiệp mới phê duyệt quy hoạch đó.

 

Trong TSĐ6 có nhắc tới việc các dự án BOT, BOO nên đấu thầu, nhưng các dự án của các DN trong nước lại có thể thực hiện cơ chế dự án điện cấp bách. Tại sao chúng ta không mang các dự án này ra đấu thầu như các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài?

Thiết kế ban đầu của chúng tôi là, cả DN trong nước và nước ngoài đều phải đấu thầu. Đấu thầu là minh bạch nhất, thậm chí dễ thực hiện nhất. Chính vì thế, Bộ Công nghiệp đã đề nghị Chính phủ nên tổ chức đấu thầu, thay vì chỉ định thầu. Do vậy, theo TSĐ6, về cơ bản, các dự án đầu tư nước ngoài sẽ cho tổ chức đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên,  các DN trong nước có xu hướng muốn được chỉ định thầu. Theo tôi, nên giảm bớt những gì “đặc biệt” đi và những cơ chế nào tốt, đã có kết luận rồi thì nên đưa vào trong luật để thực hiện đại trà.

 

Lãnh đạo EVN từng cho rằng không nên kêu gọi BOT trong ngành điện vì chúng ta có đủ vốn để làm. Ông thấy sao?

Một số đánh giá gần đây cho rằng, không nên phát triển BOT vì thị trường vốn của ta đang dồi dào. Đó là một đánh giá hết sức rủi ro, bởi khi thị trường chứng khoán biến động, sẽ không dễ gì thu hút được nguồn vốn cần thiết. Trước mắt, có thể đáp ứng được nguồn vốn nào đó, nhưng về lâu dài thì không dễ, bởi Việt Nam là nước đang phát triển và chưa có nước đang phát triển nào dám tự tin cho rằng đã đủ vốn để phát triển kinh tế.