Áp lực bài toán nguồn vốn
Kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ, cùng với đó nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng ở cả khu vực sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thông tin, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á xét về quy mô tổng công suất, tăng trưởng nguồn điện 12,9%/năm, mức tăng trưởng phụ tải 10%/năm. Việt Nam cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn điện, hệ thống điện có mức dự phòng công suất thô nguồn điện ở mức khá cao. Tuy vậy, tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ vẫn diễn ra, nhất là vào mùa khô ở miền Bắc do nghẽn hệ thống truyền tải điện từ miền Trung và miền Nam ra.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, tổng công suất phát điện của Việt Nam hiện nay vào khoảng 77.000 MW, nhu cầu phụ tải 43.000 MW. Từ đầu năm đến nay, ngành điện đáp ứng đủ cung - cầu, nhưng vào mùa khô sẽ gặp khó khăn, bởi trong tổng công suất kể trên có đến 16.000 MW là điện mặt trời, chỉ phát ban ngày đến tối đa 13 h, trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân thường cao nhất vào lúc 18 -19h. Điện gió có công suất lắp đặt 4.000 MW, nhưng thực tế chỉ đóng góp khoảng 350 - 400 MW.
Ngoài ra, ông Trung lý giải, mặc dù tổng công suất điện lắp đặt của Việt Nam lớn nhưng việc vận hành điện rất đặc thù với chế độ khắc nghiệt, dẫn đến việc suy giảm công suất vào tháng cuối mùa khô khi hệ thống nhiệt trong bất kỳ nhà máy nào cũng suy giảm, các nguồn thuỷ điện mùa khô cũng giảm sản lượng.
Nhu cầu điện trong giai đoạn đến 2030 còn tăng rất cao với tốc tăng trưởng của điện thương phẩm trong giai đoạn 2021 - 2025 trên 9%/năm và trên 8%/năm giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu điện giai đoạn tới tiếp tục tăng cao, gây áp lực lớn đến đầu tư xây dựng các dự án phát điện.
“Nếu đầu tư vào ngành điện chậm trễ, truyền tải không thông suốt không đáp ứng được nhu cầu phục hồi thì tốc độ phục hồi sẽ chậm lại, phát triển của nền kinh tế bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Theo quy hoạch điện, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 là 141,59 tỷ USD, bình quân khoảng 14,16 tỷ USD/năm.
Nhu cầu đầu tư cho ngành điện là rất lớn và như ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ, “EVN không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế”.
Được biết, trong tổng số 14 tỷ USD cần có mỗi năm để đầu tư cho ngành điện, chiếm 75% là đầu tư phát triển nguồn điện, 25% còn lại cho phát triển lưới điện.
Trước đây, Nhà nước chỉ cho phép khối tư nhân tham gia vào khâu phát điện, nhưng hiện nay ngoài mảng này, nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia xây dựng lưới điện. Tuy nhiên, hiện nay chi phí đầu tư tăng cao ảnh hưởng nhiều đến thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Huy động nguồn lực tư nhân đầu tư vào ngành điện là đòi hỏi rõ ràng từ thực tế, song theo phản ánh của ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, vẫn có những khó khăn nhất định trong việc tham gia vào phát triển nguồn điện quốc gia.
Cần giảm rủi ro, tăng tỷ suất sinh lời cho nhà đầu tư thì mới khơi thông được nguồn vốn vào ngành điện.
Đầu tư cho ngành điện đòi hỏi nguồn vốn lớn, song nguồn vốn trong nước lại có chi phí cao, thêm nữa lại bị giới hạn bởi quy định ngân hàng thương mại trong nước không được cho vay vượt quá 15% tổng vốn tự có. Trong khi để gọi vốn từ nước ngoài phải cho đối tác thấy được dự án ít rủi ro và có tỷ suất sinh lời cao.
“Cần giảm rủi ro, tăng tỷ suất sinh lời cho nhà đầu tư mới khơi thông được nguồn vốn vào ngành điện”, ông An nêu quan điểm.
Cụ thể hơn, ông An khuyến nghị, cần có cơ chế giá phù hợp. Cơ chế giá điện hiện nay đang được tính theo VND, nếu huy động vốn ngoại tệ, nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro biến động tỷ giá. Bên cạnh đó, với cơ chế giá điện cố định (FIT) được xác định đến năm 2025, sau đó thực hiện cơ chế đấu thầu khiến nhà đầu tư e ngại bất lợi.
… Và vướng mắc về cơ chế giá
Cuối năm ngoái, chủ đầu tư Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, quy mô vốn đầu tư 4 tỷ USD, đã có kiến nghị về một số vấn đề vướng mắc liên quan trong cơ chế, trong đó cơ chế điều chỉnh giá điện.
Đến thời điểm hiện tại, giá điện vẫn do Nhà nước quy định, EVN thu mua điện và là nhà bán lẻ điện lớn nhất theo mức giá do Nhà nước quy định.
Cơ chế giá bán điện cũng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T - chủ đầu tư dự án LNG Hải Lăng Quảng Trị với tổng vốn đầu tư 55.000 tỷ đồng cho rằng, hiệu quả dự án phản ánh ở giá bán điện và đây là những yếu tố khó cân nhắc trong thời điểm biến động hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tài Anh cho biết, năm nay, chắc chắn EVN chưa điều chỉnh giá bán điện thương mại, dù giá các nguyên liệu đầu vào của các nhà máy điện như than, khí LNG tăng gấp 3 lần.
Tất cả những biến động ấy ngành điện chịu áp lực nhưng EVN cam kết với Chính phủ không tăng giá điện trong năm 2022, để phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế. EVN xác định năm nay và cả năm tiếp theo không có lợi nhuận, song điều này lại tạo áp lực lên khối doanh nghiệp tư nhân khi chi phí đầu tư lớn, phải có lợi nhuận thì mới đầu tư.
Trong khi đó, với cơ chế giá, phí của mảng truyền tải điện hiện tại, theo phản ánh của đại diện Tập đoàn Trung Nam, cũng chưa cho nhà đầu tư thấy rõ hiệu quả. Khi chưa thấy rõ ràng hiệu quả, nhà đầu tư chưa mạnh dạn bỏ vốn vào. Hiện Trung Nam Group đã tham gia đầu tư lưới điện truyền tải, nhưng chỉ mang tính thí điểm và bàn giao 0 đồng cho EVN.
Ông Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng cho hay, hiện nay, truyền tải cơ chế tính toán doanh thu cho truyền tải dựa theo sản lượng điện năng truyền tải, giá truyền tải do Nhà nước quy định, margin cơ bản khoảng 3%. Bộ Công Thương đang nỗ lực điều chỉnh Thông tư giá truyền tải.
Bài toán phát triển hạ tầng điện năng đang cần lời giải về cơ chế huy động vốn và cơ chế giá, phí bán điện, truyền tải điện.