Năm nay, khảo sát chỉ tập trung vào các khách sạn cao cấp 4 sao và 5 sao. Kết quả cho thấy, ngành du lịch Việt Nam năm 2015 đã chào đón 7,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thấp hơn so với mức dự kiến 8,3 triệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam; tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt khoảng 0,9%, thấp hơn mức tăng trưởng 4% của năm 2014.
Kết quả khảo sát năm nay cũng cho thấy, tỷ lệ khách nước ngoài lưu trú tại các khách sạn 4 – 5 sao của Việt Nam giảm xuống còn 81%, thấp hơn 2% so với năm 2014. Tuy nhiên, ngành dịch vụ khách sạn năm 2015 vẫn đạt khoảng 338.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD), cao hơn 10,75 tỷ USD của năm 2014, đó là nhờ số lượng khách trong nước tăng 48%, đạt tới 57 triệu lượt khách.
Theo kết quả của cuộc khảo sát, RevPAR, một chỉ số quan trọng của ngành dùng để đo lường lợi nhuận và hiệu suất sử dụng phòng, đã giảm khoảng 8,6%, từ 59,3 USD năm 2014 xuống còn 54,2 USD năm 2015. Nguyên nhân dẫn đến giảm RevPAR chủ yếu là do giá phòng khách sạn bình quân năm 2015 giảm mạnh, từ 87,2 USD xuống còn 72,3 USD.
Kết quả phân tích cũng cho thấy, giá phòng bình quân của phân khúc khách sạn 4 sao giảm 17,1%, từ 87,2 USD xuống còn 72,3 USD. Trong khi đó, phân khúc khách sạn 5 sao khả quan hơn, giá phòng bình quân tăng 1,2%, từ 110,1 USD năm 2014 lên 111,4 USD năm 2015. Công suất phòng trung bình năm 2015 của các khách sạn cao cấp tăng nhẹ 1,2% từ 60,3% lên 61,5% đối với khách sạn 4 sao, và tăng 1,6% từ 61,1% lên 62,7% đối với khách sạn 5 sao.
Cũng theo kết quả khảo sát này, thì khách du lịch cá nhân, khách du lịch theo đoàn và khách thương nhân vẫn là ba phân khúc trọng điểm của các khách sạn cao cấp trong năm 2015, chiếm lần lượt 35,6%, 28,8% và 13,5% trong tổng cơ cấu thành phần khách du lịch.