Ngành dịch vụ chứng khoán: Các thương hiệu mới chuyển mình

Ngành dịch vụ chứng khoán: Các thương hiệu mới chuyển mình

(ĐTCK) Trong bối cảnh cạnh tranh mới, không ít công ty chứng khoán nhỏ, một số công ty gần như hoạt động cầm chừng vài năm qua, bất ngờ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2019, trong đó có những thương hiệu mới "rục rịch" chuyển mình. 

Diễn biến trên đặt trong bối cảnh ngành chứng khoán đang có một bức tranh cạnh tranh rất khác so với 4 - 5 năm trước, khi số lượng công ty chứng khoán có vốn nước ngoài xuất hiện nhiều hơn, còn các công ty chứng khoán lớn trong nước liên tục củng cố nguồn lực nhằm duy trì và nâng cao vị thế.

Theo thống kê chỉ số lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) của 77 công ty chứng khoán trong 4 quý gần nhất (quý III/2018 - quý II/2019), Top 3 xuất hiện Smart Invest với ROE đạt 21,5%, trong khi cùng kỳ (quý III/2017 - quý II/2018) chỉ đạt 3,5%; Chứng khoán Bảo Minh (BMS) cũng có ROE cao, đạt 15,8%.

Thống kê theo mức tăng trưởng của doanh thu từ cho vay giao dịch ký kỹ (margin) 6 tháng đầu năm 2019, tốp đầu chủ yếu thuộc về các công ty nhỏ, nhưng con số tuyệt đối khá khiêm tốn. Cụ thể, Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) có doanh thu margin hơn 153 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 là 1 triệu đồng; Woori có doanh thu 1,76 tỷ đồng (cùng kỳ 14 triệu đồng); Yuanta Việt Nam có doanh thu 79 tỷ đồng (cùng kỳ 21,5 tỷ đồng).

Tăng trưởng doanh thu môi giới lớn nhất thuộc về Smart Invest khi đạt hơn 62,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm so với mức 1,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái; tương tự, Woori đạt 722 triệu đồng, gấp 7 lần cùng kỳ; Globalmind Capital (ROSE) đạt 509 triệu đồng (cùng kỳ 56 triệu đồng).

Sự tăng trưởng kết quả kinh doanh trong một vài quý hay một năm chưa nói lên được gì, nhưng một số công ty cho thấy có tín hiệu bứt phá. Chẳng hạn, CSI - tiền thân là Chứng khoán Phượng Hoàng, bắt đầu “lột xác” khi các cổ đông cũ chuyển nhượng 100% vốn cổ phần cho các cổ đông mới.

Công ty đã đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM trong tháng 3/2019 và liên tiếp sau đó công bố các kế hoạch mới như xoá lỗ luỹ kế, tăng vốn điều lệ và sẽ sớm chuyển sang sàn niêm yết.

Hay Chứng khoán Smart Invest (trước đây là Chứng khoán Gia Anh) vừa công bố trở thành công ty đại chúng vào đầu tháng 8/2019. Cơ cấu cổ đông hoàn toàn là các cá nhân trong nước, trong đó có 2 cổ đông lớn là lãnh đạo Công ty, gồm bà Ngô Thị Thuỳ Linh, Tổng giám đốc, sở hữu 1,66 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,36% vốn; ông Nguyễn Ðức Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, sở hữu 1,64 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,29% vốn.

Kết quả kinh doanh của Smart Invest chuyển biến mạnh từ năm 2017, doanh thu thuần đạt 11,6 tỷ đồng (năm 2016 chỉ vỏn vẹn 1,78 tỷ đồng), chủ yếu từ lãi bán các tài sản tài chính FVPTL; năm 2018, Công ty đạt doanh thu 77,5 tỷ đồng, trong đó hoạt động môi giới đóng góp 60 tỷ đồng.

Quý II/2019, doanh thu hoạt động đạt hơn 61,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ là 3,4 tỷ đồng, chủ yếu do Công ty thực hiện hợp đồng nghiệp vụ môi giới trái phiếu chính phủ (59,2 tỷ đồng).

Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt gần 58 tỷ đồng (cùng kỳ chưa đạt nửa tỷ đồng). Ðây là sự bật dậy tích cực khi khoảng 3 năm trước, Smart Invest nằm trong danh sách các công ty chứng khoán có doanh thu môi giới thấp nhất.

Smart Invest hiện có vốn điều lệ 310 tỷ đồng. Trong năm 2019, Công ty có kế hoạch tăng vốn lên 400 tỷ đồng và niêm yết cổ phiếu.

Ðáng chú ý, trong tháng 5/2019, Smart Invest và Công ty cổ phần PGT Holdings (PGT) ký kết hợp tác toàn diện trong các sản phẩm, dịch vụ tài chính liên quan đến thị trường chứng khoán.

Theo đó, Smart Invest kỳ vọng, PGT Holdings trở thành đối tác chiến lược cho việc phát triển thị trường khách hàng nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, sử dụng các dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán mà Công ty cung cấp. Ðồng thời, thông qua PGT Holdings, Smart Invest muốn tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài.

Tin bài liên quan