Người đi…
Trong danh sách những tên tuổi lớn thoái lui khỏi ngành địa ốc đầu tiên phải nhắc tới Hoàng Anh Gia Lai của ông bầu Đoàn Nguyên Đức khi quý III/2019, doanh nghiệp này đã chính thức hoàn tất việc thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản sau khi chuyển nhượng số cổ phần còn lại của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) cho Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.
Trước đó vào cuối tháng 9/2019, Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua Nghị quyết chuyển nhượng hơn 196 triệu cổ phần, tương đương 47,93% vốn tại HAGL Land cho Đại Quang Minh với giá trị hợp đồng chuyển nhượng 2.777,9 tỷ đồng. Trong đó, số tiền lãi được ghi nhận là 306 tỷ đồng. HAGL Land là công ty quản lý mảng bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai với dự án chính là khu phức hợp HAGL Myanmar tại TP. Yangoon,
Myanmar. Đây cũng là dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai. Như vậy, với việc bán hết số cổ phần còn lại, công ty của bầu Đức đã chính thức rút khỏi mảng bất động sản.
Thực tế, do gặp nhiều khó khăn về tài chính, nên vài năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai đã dần rút chân ra khỏi ngành bất động sản để tập trung cho việc phát triển mảng nông nghiệp. Điều này đã được dự báo từ trước khi đã từ rất lâu, bầu Đức dường như “bỏ bê” mảng bất động sản và cũng không có động thái nào trong việc chuẩn bị quỹ đất cho các dự án tiếp theo.
Tương tự Hoàng Anh Gia Lai, hồi đầu năm nay, Quỹ đầu tư Bất động sản Vinaland thuộc VinaCapital đã thông báo sẽ hủy niêm yết chứng chỉ quỹ trên sàn chứng khoán London và đã kết thúc hoạt động vào tháng 7/2019, chấm dứt 13 năm hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Được thành lập từ tháng 3/2006, quỹ VinaLand hướng đến các dự án bất động sản cũng như quỹ đất tại nhiều tỉnh, thành phố lớn. Từ số vốn ban đầu 204 triệu USD năm 2006 (NAV), quy mô quỹ nhanh chóng tăng gấp đôi sau 1 năm và tiếp tục nhảy vọt lên hơn 800 triệu USD vào năm 2008.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản những năm sau đó đóng băng khiến quỹ VinaLand lao đao theo. Đến năm 2012, VinaCapital tổ chức ĐHCĐ bất thường nhằm thông qua việc gia hạn thời gian hoạt động cũng như thoái vốn khỏi các dự án địa ốc. Vinaland theo đó liên tục thoái vốn khỏi các dự án, đặc biệt giai đoạn sau năm 2016 khi thị trường nhà đất hồi phục và tăng trưởng trở lại.
Ghi nhận từ năm 2013 - 2018, VinaLand liên tục thua lỗ. Năm 2013, quỹ ngoại này lỗ tới 132 triệu USD trước thuế, trong khi năm gần nhất (2018) cũng lỗ gần 26 triệu USD. Tính trong 6 năm gần nhất, VinaLand đã lỗ trước thuế hơn 206 triệu USD. Việc thua lỗ một phần đến từ kế hoạch dừng hoạt động kinh doanh tại các dự án bất động sản mà VinaLand sở hữu để thoái vốn.
Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân rời khỏi bất động sản, năm 2019 cũng chứng kiến nhiều cuộc chia tay với bất động sản của ông lớn nhà nước. Trong đó, đáng kể nhất có thể nhắc đến trường hợp của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) thoái vốn khỏi một số dự án bất động sản tại Hà Nội. Bắt đầu lấn sân lĩnh vực bất động sản từ năm 2010 bằng việc góp vốn dự án đầu tư xây dựng tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê Pearl Tower.
Cũng trong năm 2010, MIC tiếp nhận khu đất D47 từ Bộ Tư lệnh Thủ đô để thực hiện công tác đầu tư theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Tham gia các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ và chiến sĩ thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 2013, MIC tham gia góp 69% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tân Phú Long để thực hiện dự án Tổ hợp Dịch vụ công cộng, nhà ở cho thuê và văn phòng cho thuê số 1152 - 1154 đường Láng. Thế nhưng, trong nhiều năm, các dự án có sự góp mặt của MIC đều chậm tiến độ, hoặc không được triển khai. Chính vì thế, trong kế hoạch của mình từ nhiều năm trước, MIC đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản để tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Trong năm 2019, theo nguồn tin của Báo Đầu tư Bất động sản, MIC đã hoàn thành công tác thoái vốn khỏi một số dự án bất động sản tại Hà Nội. Cụ thể, MIC đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Tân Phú Long, Công ty cổ phần đầu tư MIC (MIC Invest). Đặc biệt, MIC đã nhận đặt cọc gần 300 tỷ đồng để bán dự án D47.
…và người đến
Ở chiều hướng ngược lại, năm 2019 cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp ngoài ngành chính thức nhảy vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó, cái tên đáng chú ý nhất là việc Tân Hiệp Phát, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực đồ uống. Theo đó, hồi tháng 4/2019, Tân Hiệp Phát đã thành lập 11 công ty con trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn điều lệ lên tới 18.830 tỷ đồng. Trước đó, từ đầu năm 2018, ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát cũng đã bóng gió việc tham gia lĩnh vực bất động sản sau khi trở thành thành viên trong Ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM.
Trả lời câu hỏi về tham vọng của Tân Hiệp Phát với mảng bất động sản, ông Thanh khẳng định, nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Theo ông Thanh, bất động sản là một ngành khá thú vị nhưng không phải tại nó đang lên mà Tân Hiệp Phát tham gia. Tân Hiệp Phát quan tâm tới bất động sản vì tất cả mọi người, mọi lĩnh vực đều có mối liên quan đến địa ốc. Đây là một ngành rất tiềm năng, nhất là trong giai đoạn đất nước đang phát triển, nhu cầu mở rộng thành phố, mở rộng kinh doanh rất lớn.
Tương tự Tân Hiệp Phát, sau những thành công trong mảng công nghiệp ô tô, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) đẩy mạnh sang lĩnh vực bất động sản. Theo đó, mới đây, Công ty TNHH TCG Land, thành viên của Thành Công Group đã thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư PV - Inconess (RGC - UPCoM), doanh nghiệp nắm trong tay quỹ đất lên tới gần 3.000 ha tại Ninh Bình. Trước khi về tay Thành Công Group, VietinBank Capital nắm giữ tới 93,6% cổ phần của RGC.
RGC là doanh nghiệp sân golf đầu tiên lên sàn chứng khoán, nhưng hoạt động thua lỗ triền miên trong nhiều năm. Với việc thâu tóm RGC, Thành Công Group sở hữu luôn 2 dự án rất lớn ở Ninh Bình là Tổ hợp du lịch - sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng diện tích 670 ha và Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái quy mô 2.185 ha.
Một doanh nghiệp tên tuổi khác trong lĩnh vực du lịch trực tuyến (OTA - Online travel agency) là Công ty cổ phần Đầu tư HG (HG Holdings) của doanh nhân Ngô Minh Đức cũng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Theo đó, ngày 22/8/2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 2683/QĐ-UBND về việc cho HG Holdings thuê đất và giao đất để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng Cồn Ba Xã và xây dựng kè bảo vệ sông tại xã Cẩm Thanh và phường Cẩm Châu, TP. Hội An với tổng diện tích là 51.921,4 m2 (diện tích cho thuê đất trả tiền hàng năm là 35.830 m2). Thời gian thuê đến 12/9/2066; thời gian giao đất đến khi xây dựng xong kè bảo vệ sông, chủ đầu tư phải bàn giao cho địa phương quản lý.
Một tên tuổi đáng chú ý nữa gia nhập làn sóng lấn sân bất động sản là Tập đoàn TH của nữ đại gia ngành sữa Thái Hương sau khi công bố hàng loạt dự án nghỉ dưỡng lớn trải dài khắp từ Yên Bái, Quảng Ninh đến Kon Tum.
Trong số 4 dự án này, quy mô lớn nhất phải kể đến dự án trồng và chế biến dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại xã Hiếu, Đăk Tăng, Măng Bút, huyện Kon Plông trên điện tích khoảng 11.580 ha. Trước khi đến Kon Tum, hồi tháng 7, Tập đoàn TH do bà Thái Hương dẫn đầu cũng đã về Quảng Ninh thực hiện các chuyến khảo sát tại các huyện Bình Liêu và Đầm Hà để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tại Yên Bái, Tập đoàn TH cũng được chấp thuận đầu tư dự án du lịch sinh thái 2.700 tỷ đồng, tổng diện tích đất dự kiến sử dụng là hơn 764 ha thuộc địa phận các xã Việt Cường, Vân Hội, huyện Trấn Yên. Dự kiến đến năm 2025, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
Ngoài các đại gia thành danh, lĩnh vực bất động sản năm nay cũng gây nhiều thú vị khi có cả những nghệ sĩ tham gia đầu tư vào mảng bất động sản như ca sĩ Sơn Tùng M-TP với thương vụ hợp tác với Lux Group, hay nghệ sĩ Quý Bình với việc thành lập Công ty Đầu tư & Phát triển Quý Bình chuyên về các lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, tàu du lịch, tư vấn đầu tư…
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com