Ngành dệt may đặt tham vọng xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu dệt may trong 10 tháng qua đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021, là tiền đề để toàn ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tại Công ty may Hồ Gươm (Hưng Yên). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

May hàng xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tại Công ty may Hồ Gươm (Hưng Yên). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức do đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá.

Tuy vậy, chia sẻ tại buổi họp báo ngành dệt may sáng nay 18/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kỳ vọng những dấu hiệu khởi sắc trong năm tới, dự báo con số xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn.

Đói đơn hàng

Theo thông tin từ các doanh nghiệp dệt may, da giày, trái ngược với thời điểm giữa năm với lượng đơn hàng dồi dào thì hiện nay, ở vào thời điểm cuối năm, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Tổng Giám đốc Công ty May Đáp Cầu Lương Văn Thư cho hay, khó khăn về thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, về quy mô và đơn giá đều giảm từ đầu quý 3 này. Ở thị trường chính như Mỹ, châu Âu, đơn hàng đã giảm tới 50%.

Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cũng chia sẻ từ tháng 7/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng rất mạnh, đặc biệt doanh nghiệp ở khu vực phía Nam, tập trung vào thị trường Mỹ, EU do sức ép lạm phát, giảm chi tiêu.

Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn. Có thể kể đến như việc các đơn hàng tháng 11-12 năm nay, và quý 1/2023 sụt giảm, mức bình quân giảm từ 25-27%, đặc biệt với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch.

"Khó khăn nữa là vấn đề lao động, bởi lao động là tài sản số 1 của doanh nghiệp, trên cả thiết bị công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh hiện nay, những đơn vị giảm, hụt đơn hàng cũng phải gắng gượng để giữ chân lao động. Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau. Chúng tôi nhận định sự phục hồi mạnh mẽ sẽ rơi vào quý 3-4/2023," ông Vũ Đức Giang chia sẻ.

Tuy vậy, theo báo cáo của Vitas, 10 tháng qua, ngành dệt may ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp và nhiều điểm sáng. Xuất khẩu trong 10 tháng qua, đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021. Đây là nỗ lực rất lớn và là tiền đề để toàn ngành đạt xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay.

Sự đa dạng của doanh nghiệp khi xuất khẩu tới 66 nước và vùng lãnh thổ; trong đó thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, các nước khu vực CPTPP, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Theo ông Vũ Đức Giang, có được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã mở toang cánh cửa hội nhập với 15 hiệp định thương mại có hiệu lực. Đó là nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy nhanh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may Việt Nam gia công nhiều, sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu.

"Chúng ta nhìn nhận việc lạm phát, đồng tiền mất giá, sức mua của các nước lớn giảm là rủi ro. Nhưng thời gian vừa qua, đây chính là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Nhiều doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tăng trưởng như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước... ," ông Vũ Đức Giang nói.

Tham vọng 47 tỷ USD xuất khẩu

Vitas cho hay, năm nay, mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD là có thể đạt được. Sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra tham vọng, đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt xuất khẩu khoảng 45-47 tỷ USD, tùy diễn biến thị trường nhập khẩu.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).
May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

"Chúng ta có cơ sở để đặt ra tham vọng đó, như thông tin về các hiệp định thương mại là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng. Đơn cử như trước đây, chúng ta cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanma sang. Ngoài ra, dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều đó là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất," ông Giang nói.

Theo thống kê sơ bộ của Vitas, hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%, thời gian 2023-2025 tới đây, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51-55%.

Bên cạnh đó, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam; đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Để giúp doanh nghiệp vượt khó, ông Vũ Đức Giang cũng đưa ra kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành, năm nay cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

Về lãi suất ngân hàng, nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động.

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tổng cầu dệt may phục hồi nếu có chỉ từ quý 3 và 4/2023 tương ứng với mức giảm của lạm phát.

Trong bối cảnh đó, để tăng khả năng cạnh tranh, ngành may mặc Việt Nam cần ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may; tiên phong sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước châu Âu.

"Chúng ta cần kiên trì định hướng sản xuất theo chuỗi nâng cao tỷ lệ sản phẩm xanh. Kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường và đảm bảo việc làm cho người lao động; bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp để chống chọi trong bối cảnh khó khăn có thể kéo dài…" - ông Lê Tiến Trường nói.

Tin bài liên quan