PV Power: Chỉ tiêu lợi nhuận giảm tới 64%
Năm nay, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã POW) đặt mục tiêu doanh thu 24.242 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% về doanh thu, song chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 64% so với mức thực hiện năm 2021, với 743 tỷ đồng.
PV Power cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn. Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đến nhu cầu phụ tải và sản xuất điện, trong khi nguồn cung của hệ thống điện quốc gia tăng đáng kể do bổ sung thêm nhiều nhà máy điện mới và nguồn năng lượng tái tạo…
Các nhà máy điện của PV Power sử dụng nguồn khí bổ sung giá cao, ảnh hưởng lớn tới tính cạnh tranh khi tham gia thị trường điện.
Thứ hai, năm nay, nhiều nhà máy điện của PV Power sẽ ngừng máy để thực hiện sửa chữa lớn, như Nhà máy điện Cà Mau 1&2 thực hiện đại tu, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 thực hiện trung tu, Nhà máy điện Vũng Áng 1 thực hiện đại tu và khắc phục sự cố của tổ máy số 1, Nhà máy Đakđrinh thực hiện đại tu…
Các nhà máy điện ngừng máy thời gian dài để thực hiện bão dưỡng, sửa chữa, chi phí sản xuất tăng, đặc biệt chi phí có thể phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đã tham gia thị trường điện cạnh tranh từ cuối năm 2021, hợp đồng mua bán điện đã được ký lại, theo đó hiệu quả thấp hơn so với hợp đồng trước đây.
Hiện Tổng công ty đang triển khai đầu tư Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, góp vốn vào dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, góp thêm vốn vào Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí… và chuẩn bị đầu tư một số dự án khác.
Công tác thu xếp vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư các dự án của PV Power gặp áp lực rất lớn trong bối cảnh phải tự vay - tự trả, không được hỗ trợ bảo lãnh vay vốn nước ngoài của Chính phủ, của tập đoàn mẹ PVN và lợi nhuận dự báo đi xuống.
Quý I, PV Power ước đạt tổng doanh thu 7.233 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ, song lợi nhuận trước thuế đạt 751 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 11%. Tổng sản lượng điện ước đạt 3.661 triệu kWh, vượt 37% kế hoạch và bằng 79% so với cùng kỳ.
Trong tháng 4, PV Power tiếp tục công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện cho dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo đủ nhiên liệu để vận hành an toàn và ổn định các nhà máy điện trong bối cảnh giá dầu, giá khí, giá than tăng cao…
GAS đặt kế hoạch thấp nhất trong 10 năm
Tương tự, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã chứng khoán GAS) đặt kế hoạch năm 2022 đi lùi so với năm ngoái. Cụ thể, doanh thu đạt 80.043 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so và lợi nhuận sau thuế đạt 7.039 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ về doanh thu nhưng giảm tới 20% so với kết quả năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận kế hoạch thấp nhất của GAS trong vòng 10 năm nay.
Theo GAS, Tổng công ty đang đối mặt nhiều thách thức, đó là xu thế chuyển dịch năng lượng, gia tăng nguồn năng lượng tái tạo và giảm huy động khí cho sản xuất điện, dự kiến giá LNG nhập khẩu ở mức cao.
Cùng với đó, thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt khi xuất hiện thêm các đối thủ mới.
Việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng kinh doanh LNG, LPG (các kho quy mô) tiếp tục gặp khó khăn do bị ràng buộc bởi nhiều quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Thời gian qua, giá dầu thế giới biến động mạnh do ảnh hưởng của chiến sự giữa Nga và Ukraine, nhưng hoạt động của GAS không hoàn toàn phụ thuộc vào giá dầu, bởi Công ty được áp dụng cơ chế giá riêng: giá bán không thấp hơn giá miệng giếng, giá dầu xuống thấp vẫn không bị lỗ.
Trong quý I vừa qua, GAS ước tính doanh thu đạt 25.300 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt hơn 41,7% và 34,2% so với thực hiện của năm ngoái.
GAS cho biết, năm nay, phấn đấu hoàn thành đầu tư, đưa vào vận hành dự án kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải và các dự án thành phần, cung cấp 8,8 tỷ m3 khí cho các hộ tiêu dùng.
Về kế hoạch thoái vốn tại Công ty cổ phần Gas South (PGS), Công ty vẫn đang xem xét. Trong khi đó, GAS góp 51% vốn vào dự án Lô B - Ô Môn, dự án dự kiến hoàn thành trong 36 tháng sau khi ký hợp đồng. Hiện GAS đang chờ các quyết định của các bên đầu tư thượng nguồn và hạ nguồn.
DCM: Lợi nhuận giảm, dành nguồn lực đầu tư nhiều dự án
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã DCM) cũng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đi lùi đến 72%, với 513,2 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt là 9.059 tỷ đồng, giảm 9,8%. Theo đó, tỷ lệ cổ tức năm 2022 cũng giảm xuống 8%, so với mức 18% của năm 2021.
Lý giải cho sự thận trọng này, PVCFC cho biết, căng thẳng giữa Nga và Ukraine tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, giá dầu tăng cao, lạm phát, đứt gãy chuỗi logistic, nguồn cung khan hiếm.
Năm 2022, Công ty dành gần 930 tỷ đồng tổng mức đầu tư các dự án gồm hạng mục cải hoán và cung cấp CO2 thô, trung tâm nghiên cứu phát triển, dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urea nóng chảy 300.000 tấn/năm, dự án kho đầu mối Long An. Trong đó, dự án kho đầu mối Long An là trọng tâm đầu tư.
Hiện nay, Công ty vẫn đi thuê kho chứa hàng và vẫn đang đáp ứng công tác bán hàng với sản lượng như hiện tại.
Tuy nhiên, theo định hướng chiến lược phát triển, Công ty cần mở rộng sản xuất - kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm như urê, NPK, phân bón hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh…và các loại phân bón khác.
Hơn nữa, để chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong công tác bán hàng nên cần thiết phải có kho để chứa nguyên liệu, sản phẩm. Ngoài các dự án trên, PVCFC còn đầu tư nhà máy khí hóa than.
PAP chưa chốt được kế hoạch kinh doanh
Trong khi đó, Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An (mã chứng khoán PAP) lại không đưa ra kế hoạch cụ thể về doanh thu, lợi nhuận trong năm nay. Năm 2021, PAP ghi nhận doanh thu 0,32 tỷ đồng và lỗ 2,02 tỷ đồng.
PAP cho biết, hiện khu dịch vụ hậu cần Phước An cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (PAP đã chi 1.532 tỷ đồng cho hạng mục này), hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, dự toán hạng mục san lấp mặt bằng được đơn vị tư vấn thẩm tra sẵn sàng triển khai san lấp mặt bằng.
Công ty đang đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa vào vận hành khai thác đáp ứng nhu cầu hàng hóa của khách hàng, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông.
Có thể, thấy, mỗi doanh nghiệp có một bài toán riêng cần giải quyết trong năm nay và việc đưa ra kế hoạch thận trọng cũng là một cách để giảm áp lực cho doanh nghiệp khi thực hiện chỉ tiêu đại hội cổ đông giao cho.