Hiện các sản phẩm da giày cũng mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng nội địa - Ảnh: Hoài Nam

Hiện các sản phẩm da giày cũng mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng nội địa - Ảnh: Hoài Nam

Ngành da giày chưa thoát cảnh “gia công”

(ĐTCK-online) Theo ông Ngô Đại Quang, Viện trưởng Viện nghiên cứu Da giày Việt Nam, sản xuất của ngành da giày Việt Nam mới chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Thị trường nội địa với mức tiêu thụ hàng triệu đôi mỗi năm nhưng vẫn chưa được tập trung khai thác. Vì thế, ở cả 3 phân khúc thị trường trung, cao và thấp cấp, giày dép trong nước đều lép vế so với hàng ngoại nhập.

DN chưa mặn mà với thị trường trong nước

Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Da giày Việt Nam cho thấy, hiện mỗi người dân Việt Nam trung bình sử dụng từ 1,5 - 3 đôi giày/năm, lượng tiêu thụ khoảng 130 - 240 triệu đôi/năm, tập trung 80% vào sản phẩm da - giả da có giá dưới 150.000 đồng/đôi. Do đó, tổng giá trị thị trường giày dép các loại trong nước đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 30% so với kim ngạch xuất khẩu và đây là một con số không nhỏ cho ngành da giày.

Tuy nhiên, thị trường trong nước lại đang bị hàng nước ngoài “lấn chỗ” mà nhiều nhất là hàng Trung Quốc, rồi đến các loại giày dép nhái, giả, kém chất lượng nhưng giá rẻ, tràn ngập phân khúc thị trường người có thu nhập thấp.

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng trên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, sở dĩ doanh nghiệp (DN) chưa mặn mà với thị trường trong nước là do hầu hết các DN có vốn nước ngoài (chiếm 80%) làm gia công và bị ràng buộc từ quy định bản quyền (không được đưa sản phẩm gia công ra ngoài). Hơn nữa, DN không mặn mà với thị trường trong nước cũng bởi khi xuất khẩu, giá bán ở thị trường các nước sau khi sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài đã tăng 4 - 5 lần.

Ngay cả các DN có vốn trong nước cũng “ngại” làm hàng nội do khi chuyển từ làm hàng xuất khẩu sang hàng nội phải thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, một số trang thiết bị… Còn nếu bán hàng xuất khẩu ở thị trường nội thì mẫu mã sản phẩm xuất khẩu thành công ở nước ngoài chưa hẳn đã phù hợp với người tiêu dùng trong nước, mà giá lại cao. Do đó, thị trường trong nước chưa thực sự hấp dẫn họ đầu tư.

Ngoài ra, khi quay lại thị trường trong nước, DN lại thiếu kỹ năng nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng nên sản phẩm khó bán dù cũng đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là đối với các DN da giày nếu triển khai bán sản phẩm ở thị trường trong nước là hầu hết DN đều thiếu hệ thống phân phối. Trong khi đó, hệ thống cung ứng bán lẻ tại Việt Nam chưa nhiều, do chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn và chi phí thuê mặt bằng rất cao, vượt quá khả năng DN vừa và nhỏ.

Thừa nhận thực trạng này, bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết thêm, hiện các sản phẩm da giày cũng mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng nội địa. Do vậy, mục tiêu phấn đấu của toàn ngành đến năm 2015 là sẽ nâng tỷ lệ này lên 60 - 70%.

 

Phải đi từng bước vững chắc

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng, muốn ngành da giày Việt Nam phát triển bền vững thì phải đi từng bước, trước hết là từ phía các DN. Việc tạo dựng một thương hiệu cho giày da Việt Nam tại thị trường quốc tế là một điều ngoài tầm của DN do chi phí rất cao. Vì thế, DN phải thực hiện theo lộ trình, trong đó, phải bằng mọi giá tạo dựng thương hiệu ngay từ trong thị trường nội địa và giành lấy thị phần, làm “bàn đạp” cho những bước đi xa hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TP. HCM cho rằng, ngành da giày phải đẩy mạnh đầu tư vào khâu thiết kế. Đây là điểm yếu nhất của ngành da giày xuất khẩu Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho ngành da giày của nước ta mặc dù luôn đứng đầu trong top 10 nước xuất khẩu da giày hàng đầu thế giới trong khoảng 1/4 thế kỷ nhưng vẫn chỉ làm gia công. Theo ông Khánh, việc nâng cao trình độ thiết kế sẽ giúp các DN làm ra những sản phẩm mới có mẫu mã cạnh tranh. Đó mới chính là điều kiện giúp các DN tăng giá thành, tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, ngành da giày Việt Nam cũng cần từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành, đổi mới máy móc thiết bị, chú trọng sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, các loại giày da, cặp, túi xách thông dụng và thời trang, tập trung quản lý và thiết kế mẫu sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

“Hiện nhiều DN trong ngành cũng đã âm thầm xây dựng những dây chuyền sản xuất hiệu quả, những nhà xưởng sản xuất được điều hành rất bài bản, chuyên nghiệp, biết ứng dụng nhiều biện pháp quản lý hiện đại như ISO 9000, sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing), quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management - TQM) hoặc 6 Sigma… để có năng suất cao và chất lượng ổn định”, ông Khánh cho biết.