Căn cứ vào mức độ chuyên nghiệp và khả năng chịu đựng rủi ro, nhà đầu tư có thể chọn số lượng ngành để đầu tư nhiều hay ít. Bởi lẽ, nếu số lượng ngành được nhà đầu tư xem xét là trên 1 (ngành), thì mức độ rủi ro sẽ thấp hơn khi rủi ro được phân tán theo ngành, giống như đầu tư vào nhiều mã cổ phiếu cùng một lúc, theo kiểu “không bỏ trứng vào một giỏ”. Tất nhiên, chọn bao nhiêu ngành để đầu tư tại một thời điểm, ngoài việc căn cứ vào khả năng tài chính của nhà đầu tư để tự cân đối “danh mục ngành” phù hợp, còn phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế, diễn biến của thị trường, tình hình hoạt động của DN…
Tuy nhiên, tại từng thị trường thì chọn ngành phù hợp để đầu tư lại không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, cùng một lĩnh vực kinh doanh nhưng ngành công nghệ thông tin tại các nước không hẳn giống với ngành này tại thị trường Việt Nam. Do đó, khi nền kinh tế suy thoái, cổ phiếu ngành công nghệ thông tin được nhà đầu tư tại các nước lựa chọn thì tại Việt Nam, các ngành được ưa thích lại là ngành điện, y dược…
Còn giai đoạn “hậu” suy thoái, ngành công nghiệp, vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng (là các nhóm ngành chịu sự sụt giảm khá mạnh về EPS trong quý IV/2008 cũng như quý I/2009) sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, khi nhu cầu và giá các sản phẩm đầu ra lấy lại đà tăng. Riêng với ngành vật liệu cơ bản, việc tận dụng được nguồn nguyên vật liệu dự trữ giá rẻ đã góp phần làm tăng biên lợi nhuận cho DN ngay trong quý II.
Trong ngắn hạn, nguồn cung cổ phiếu đang có xu hướng gia tăng, trong khi lực cầu phần nào bị giảm sút bởi những quan ngại về tăng trưởng tín dụng sẽ có xu hướng chững lại trong vòng kiểm soát; kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh quý III của DN được dự báo không có mức tăng trưởng đột biến, chiến lược đầu tư hợp lý nhất trong giai đoạn này là tích lũy các cổ phiếu có các chỉ số cơ bản tốt và nằm trong nhóm ngành có cơ hội tăng trưởng nhanh nhất khi nền kinh tế phục hồi, như các ngành tài chính ngân hàng, vật liệu cơ bản, công nghiệp.