Nhận định trên được đưa ra trong một báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 8/10.
Ông Bruno Carrasco, Tổng Vụ trưởng Vụ Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững của ADB cho biết: "Đột phá kỹ thuật số đối với các ngành công nghiệp sáng tạo mang lại tiềm năng kinh tế to lớn tại châu Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, môi trường chính sách không phải lúc nào cũng cho phép các ngành sáng tạo phát triển mạnh mẽ và kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo này có thể giúp ngành công nghiệp và các nhà hoạch định chính sách định hình những ngành công nghiệp sáng tạo số của châu Á và Thái Bình Dương, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa phong phú của khu vực với phần còn lại của thế giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Dựa trên hơn 40 cuộc phỏng vấn tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - gồm cả các hiệp hội ngành nghề và chuyên gia sáng tạo trong các ngành công nghiệp phim ảnh, trò chơi điện tử và âm nhạc - báo cáo nêu bật những cơ hội để các quốc gia mới nổi thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo số của mình, đánh giá sự phát triển tài năng trong nước và khuyến khích các chính sách tạo ra việc làm chất lượng cao.
Mặc dù các công ty giải trí toàn cầu có nhu cầu mạnh mẽ về việc sản xuất nội dung địa phương và làm việc với nhân tài tại địa phương, nhưng không có đủ nhà sản xuất, biên kịch và lập trình viên địa phương lành nghề. Để giải quyết vấn đề này, báo cáo khuyến nghị rằng các chính phủ và ngành công nghiệp cần xác định những kiến thức và kỹ năng thiết yếu cần có để thực hiện các vai trò sáng tạo khác nhau, xây dựng hệ thống đào tạo suốt đời, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao kỹ năng cho người lao động và cải thiện tiêu chuẩn làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo.
Những chiến lược dài hạn như vậy đã giúp các cường quốc sáng tạo như Canada, Hàn Quốc, Singapore và Vương quốc Anh phát triển nguồn nhân lực tài năng trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Báo cáo chắt lọc những bài học then chốt từ các quốc gia này, có thể giúp định hướng cho các nhà hoạch định chính sách nhằm phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo.
Một rào cản khác được xác định là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn tại bốn quốc gia được nghiên cứu ở Nam Á và Đông Nam Á. Điều này hạn chế tiềm năng phát triển của các nhà sản xuất phim, nhà phát triển trò chơi và nhạc sĩ địa phương, ngay cả khi internet tốc độ cao, nền tảng phát trực tuyến và thiết bị di động đã giúp họ tiếp cận được lượng khán giả lớn hơn nhiều.
Theo nhận định trong báo cáo, việc thiết lập các phương thức cấp vốn có cấu trúc, bao gồm khoản vay, bảo lãnh tín dụng, viện trợ không hoàn lại và tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm có thể biến những ý tưởng sáng tạo thành các dự án cụ thể. Với sự hỗ trợ thỏa đáng từ chính phủ hoặc thông qua hình thức hợp tác công - tư, các doanh nghiệp này có thể được cung cấp mạng lưới an toàn tài chính để đổi mới sáng tạo.
Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của Netflix, dịch vụ phát trực tuyến video giải trí. Với tư cách là đối tác tri thức của ADB, Netflix đã cung cấp các chuyên gia để phỏng vấn cho báo cáo và cho phép tiếp cận với các bên liên quan chính trong ngành sáng tạo kỹ thuật số. Công việc cho báo cáo là một phần của quá trình hợp tác đang diễn ra giữa hai tổ chức để tạo dựng tri thức và thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo của châu Á và Thái Bình Dương.
ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 69 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.