Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trước giờ G: Chia đôi ngả đường

Việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ô tô bằng 0% từ năm 2018 sẽ khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển sang hoạt động thương mại thuần túy, trong khi doanh nghiệp nội địa lại tăng cường đầu tư chiều sâu.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trước giờ G: Chia đôi ngả đường

Thông tin Toyota Việt Nam (TMV), nhà sản xuất có lượng xe tiêu thụ lớn tại thị trường Việt Nam đang cân nhắc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất, lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ năm 2018 đang khiến cho nhiều người tiêu dùng trong nước khấp khởi vì tới đây xe ngoại sẽ chiếm lĩnh phần lớn thị trường.

Tổng giám đốc TMV, ông Yoshihisa Maruta cho biết, TMV đang cân nhắc việc dừng sản xuất ô tô tại thị trường Việt Nam, do từ 2018, thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm về 0%. Nếu tiếp tục sản xuất trong nước sẽ phải chịu cạnh tranh khốc liệt và đương nhiên, các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán sẽ có lợi hơn rất nhiều nếu nhập khẩu linh kiện rồi tiến hành lắp ráp trong nội địa.

Là một trong những hãng ô tô có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, việc TMV cân nhắc dừng sản xuất, lắp ráp hay chỉ nhập khẩu về bán trực tiếp cho thấy, đó là vấn đề sống còn đối với một hãng xe.

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), năm 2014,  tổng lượng xe bán ra của Toyota đạt 41.205 chiếc, tăng 24% so với năm 2013, trong đó, lượng xe được lắp ráp ngay tại Việt Nam là 34.778 chiếc.

Ngoài tâm lý chuộng xe nhập khẩu, thì với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện đang áp dụng, giá xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ chênh nhau khoảng 5%. Đó chính là động lực để kích cầu xe nhập khẩu.

Theo tính toán của các nhà sản xuất, giá ô tô Việt Nam cao gấp 2,5 lần so với giá bán ở các nước trong khu vực ASEAN. Lý do khiến giá xe sản xuất trong nước quá cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của ôtô lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu là việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, nếu không điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện để tạo lợi thế rõ rệt cho sản xuất trong nước, chắc chắn, không chỉ một mình TMV sẽ chuyển hẳn sang nhập khẩu. Bởi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc áp mức 0%, trong khi nhập linh kiện về để lắp ráp sản xuất phải nộp thuế.

Dự báo được xu hướng của thị trường với sự thay đổi của các dòng thuế nhập khẩu, một số doanh nghiệp sản xuất ôtô đã bắt đầu chuyển dần sang nhập khẩu.

Thông tin từ Liên doanh Vinastar (VSM), liên doanh chuyên sản xuất xe hiệu Mitsubishi cho thấy, hiện VSM chỉ tập trung lắp ráp dòng xe Pajero Sport, với công suất khoảng 100 xe/tháng. Trong khi cao điểm, trung bình một tháng nhà máy của VSM lắp ráp hơn 410 xe, nhưng nay chiến lược kinh doanh thay đổi và đang thực hiện lộ trình giảm dần công suất lắp ráp.

Tuy nhiên, cùng trong bối cảnh đó, Hyundai Thành Công lại chọn con đường đi gần như ngược dòng. Đó là gắn bó lâu dài với ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Hãng này vừa hoàn tất đầu tư giai đoạn 1 nhà máy ô tô, với tổng số vốn 80 triệu USD, trong đó có dây chuyền hàn khung xe tự động công suất 40.000 xe các loại/năm.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cho biết, sẽ xúc tiến đầu tư giai đoạn 2, với phân xưởng dập chi tiết thân xe và đầu tư sản xuất một số linh kiện điện tử, theo chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Hyundai, tham vọng để đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu xe sang các nước Đông Nam Á.

Lựa chọn kế hoạch phát triển như vậy, trong bối cảnh công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn yếu, Hyundai Thành Công sẽ chấp nhận cạnh tranh khốc liệt từ các hãng xe có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Sắp tới, Hyundai Thành Công sẽ tiếp tục đàm phán với Hyundai Hàn Quốc để có thể sản xuất, lắp ráp thêm nhiều mẫu xe mới cung cấp cho thị trường trong nước”, ông Đức nhấn mạnh.

Rõ ràng, thời điểm 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam về 0% còn 3 năm nữa, nhưng ngay từ lúc này, việc phân chia và thay đổi lớn trên thị trường xe hơi trong nước đã khá hiện hữu. Tất nhiên, khi nhiều hãng xe lớn công bố chỉ nhập khẩu và hoạt động thương mại thay cho sản xuất, lắp ráp trong nước thì một bộ phận người tiêu dùng càng cổ vũ, nhưng nghịch lý là, khi số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất ngày một ít đi cũng đồng nghĩa với thực trạng của ngành công nghiệp ô tô trong nước vốn đã ốm yếu, nay lại càng yếu thêm.

Tin bài liên quan