Du khách cả trong và ngoài nước tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Du khách cả trong và ngoài nước tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Ngành “công nghiệp không khói” bội thu trong dịp Tết cổ truyền

0:00 / 0:00
0:00
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch với hơn 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Công suất phòng tại nhiều điểm đến đạt mức cao kỷ lục.

Mùa du lịch sôi động

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhiều địa phương trên cả nước có các hoạt động du lịch sôi động. Toàn ngành ghi nhận 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Nhờ kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày, thời tiết thuận lợi, nhu cầu du xuân của người dân tăng cao, đặc biệt là ở các điểm du lịch nổi tiếng. Một số điểm đến có công suất phòng trung bình đạt mức cao như Sa Pa (đạt 90 - 95%), Kiên Giang (73,4%), TP.HCM (65%), Huế (63%), Phú Yên (62%)...

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, bên cạnh sự bùng nổ của thị trường nội địa, du lịch quốc tế cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan với lượng khách tăng mạnh. Quảng Ninh đón 228.700 lượt khách quốc tế; Đà Nẵng hơn 228.000 lượt, tăng 29%; Quảng Nam 157.000 lượt, tăng 40%; Hà Nội 142.000 lượt, tăng 15,8%; TP.HCM 87.358 lượt, tăng 16,5%; Kiên Giang 76.653 lượt; Huế 60.170 lượt, tăng 33%; Bà Rịa - Vũng Tàu 25.176 lượt; Lào Cai 13.000 lượt.

Những con số này phản ánh hiệu quả của chính sách thị thực cởi mở hơn, định hướng lại thị trường khách quốc tế, cùng sự nỗ lực không ngừng của các địa phương và doanh nghiệp du lịch trong đổi mới sản phẩm, mở rộng hoạt động xúc tiến, quảng bá.

Không chỉ tăng trưởng về lượng khách, tổng thu từ du lịch trong dịp Tết Nguyên đán 2025 cũng đạt kỷ lục. Cụ thể, TP.HCM có tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.690 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024; Hà Nội thu từ khách du lịch đạt 3.530 tỷ đồng, tăng 7,85%; Quảng Ninh thu từ khách du lịch đạt 2.665 tỷ đồng, tăng 71%; Bà Rịa - Vũng Tàu thu từ khách du lịch đạt 558,4 tỷ đồng, tăng 23,78% so với cùng kỳ năm 2024…

Sự gia tăng mạnh mẽ về doanh thu không chỉ phản ánh việc phục hồi của ngành, mà còn cho thấy chuyển biến trong hành vi chi tiêu của du khách, với xu hướng tăng cường trải nghiệm dịch vụ cao cấp và cá nhân hóa.

Doanh nghiệp lữ hành vào cuộc mạnh mẽ

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho hay, các công ty lữ hành lớn như Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Du lịch Việt, Benthanhtourist… đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tập trung vào các tour trọn gói, các gói dịch vụ linh hoạt theo mô hình “một cung đường, nhiều điểm đến” nhằm tối ưu hóa trải nghiệm cho du khách. Các tuyến tour nội địa và quốc tế đều ghi nhận lượng khách đặt chỗ sớm và tăng mạnh.

Đặc biệt, tour du lịch nước ngoài tiếp tục được du khách Việt Nam ưa chuộng, với những điểm đến chính gồm Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore) và châu Âu, Mỹ.

Một số địa phương có cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách du lịch tàu biển trong dịp Tết Nguyên đán như Đà Nẵng đón tàu Crystal Symphony và tàu Silver Dawn với 1.800 khách từ Mỹ, Anh. Quảng Ninh đón 4 chuyến tàu biển lớn, mang theo 6.000 khách, chưa kể thuyền viên.

Ngành đường sắt cũng ghi nhận sức hút lớn với các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Quảng Bình hay TP.HCM - Nha Trang, Huế, Đà Nẵng. “Chuyến tàu xuân” với các hoạt động đón giao thừa trên tàu, thưởng thức ẩm thực Tết, tổ chức các trò chơi dân gian, đã tạo nên một trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Các hãng hàng không nội địa đã cung ứng hơn 6,9 triệu ghế trên các đường bay quốc tế và nội địa, bình quân 227.000 ghế/ngày, tăng 4% so với dịp Tết năm 2024. Sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 4 triệu lượt hành khách, sân bay Nội Bài phục vụ từ 90.000 đến 100.000 lượt khách/ngày, sân bay Đà Nẵng đón 1.275 chuyến bay, sân bay Phú Quốc ghi nhận 38 - 40 chuyến/ngày, trong đó 70% là chuyến bay quốc tế.

Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí đã chủ động nâng cấp dịch vụ, chỉnh trang cơ sở vật chất, tăng cường nhân lực phục vụ. Giá phòng tăng nhẹ từ 5% đến 10%, nhưng không xảy ra tình trạng “cháy phòng”, chặt chém hay bán sai giá niêm yết.

Các chương trình Tết đặc sắc như tiệc đón giao thừa, giới thiệu ẩm thực truyền thống, hoạt động trải nghiệm văn hóa (gói bánh chưng, viết thư pháp, nặn tò he) cũng giúp du khách có một mùa Tết đáng nhớ.

Dù đạt nhiều thành tựu, song du lịch Tết 2025 vẫn còn một số hạn chế như giá vé máy bay tăng 10-15% so với cùng kỳ 2024. Tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường dẫn vào điểm du lịch. Xu hướng du khách Việt chuộng du lịch nước ngoài, thay vì du lịch trong nước. Chi tiêu của du khách nội địa bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế.

Nhìn chung, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã khởi đầu một năm đầy triển vọng cho ngành du lịch Việt Nam. Với sự phục hồi mạnh mẽ, các chính sách hỗ trợ kịp thời và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp, ngành du lịch hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới, đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ cả thị trường nội địa và quốc tế.

Tin bài liên quan