Tuần qua là một tuần giao dịch tương đối giằng co và khó đoán. Trong 5 phiên giao dịch, ngoại trừ phiên tăng mạnh của đầu tuần, 4 phiên còn lại, chỉ số VN-Index duy trì trong biên độ hẹp với mức tăng giảm của từng phiên đều dưới 10 điểm. VN-Index giằng co mạnh dưới kháng cự 1.290 - 1.300 điểm cho thấy áp lực chốt lời khi thị trường đã tăng mạnh từ đầu năm nhưng lực cầu vẫn duy trì rất tích cực, hỗ trợ cho chỉ số duy trì vùng giá cao.
Lực cầu hỗ trợ cho VN-Index chủ yếu đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, khi nhóm này mua ròng, trong khi khối ngoại bán ròng gần 3.000 tỷ đồng trong tuần qua và bán ròng tới 37.000 tỷ đồng kể từ đầu năm tới nay.
Nhìn chung, về kỹ thuật, VN-Index đã xuất hiện 4 cây nến đỏ với thân nến ngắn và đuôi dài tại hai đầu, cho thấy sự giằng co trong tâm lý khi kiểm nghiệm lại vùng đỉnh cũ tại 1.300 điểm. Bên cạnh đó, việc không thành công kiểm nghiệm mốc 1.290 – 1.300 điểm cũng có thể khiến giới đầu tư dần thận trọng, chờ đợi thêm các tín hiệu tiếp theo của dòng tiền và diễn biến thị trường. Do đó, không loại trừ khả năng chỉ số sẽ dần lùi về vùng hỗ trợ gần nhất là 1.250 - 1.260 điểm trước khi quay lại kiểm nghiệm kháng cự mạnh 1.290 - 1.300 điểm.
Ngành công nghệ thông tin – Cơ hội từ nhu cầu chuyển đổi số
Trong các năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên là một sản phẩm của ngành công nghệ thông tin hiện đại, cung cấp các ứng dụng ở nhiều lĩnh vực và khía cạnh. Các doanh nghiệp trong ngành công nghệ cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với xu hướng của ngành. Đa phần các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đang ở trên cuộc đua về bán dẫn, cho ra đời các công nghệ tiên tiến hơn và các bộ xử lý mạnh mẽ hơn phục vụ cho công nghệ AI.
Bức tranh của ngành bán dẫn cũng có nhiều thay đổi, khi Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc vươn lên trở thành các thế lực gia công hàng đầu trong lĩnh vực này. Các kiến trúc mới và công nghệ mới cũng được giới thiệu liên tục trong các năm qua, với hiệu năng và hiệu suất được cải thiện theo cấp số nhân. Xu hướng cải tiến liên tục về công nghệ và hiệu năng có thể sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của ngành công nghệ thế giới. Việc Trung Quốc và Mỹ đang có những cạnh tranh khá căng thẳng trên thị trường công nghệ cũng cho thấy tầm quan trọng của công nghệ trên bản đồ thế giới.
Nếu như các quốc gia phát triển đang tập trung cho cuộc đua phần cứng nhằm cho ra đời các thiết bị tiên tiến hơn thì các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vẫn nằm ngoài chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu do các hạn chế về nguồn vốn, con người cũng như nền tảng về kỹ thuật. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hay Ấn Độ lại có một nền tảng khá mạnh trong mảng gia công phần mềm.
Ngoài phần cứng ra thì phần mềm cũng là một trong những thành phần quan trọng của công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có nhiều đơn hàng và khách hàng tiềm năng hơn trên thị trường. Việc cung cấp các giải pháp về máy chủ và data center cũng là một mảng kinh doanh tiềm năng với các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Mới đây, Nvidia đã ký kết hợp đồng đối tác với một số doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp chip xử lý cho các hệ thống data center.
Với xu hướng công nghệ hiện tại, việc các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn vẫn còn tương đối khó khăn. Thay vào đó, các doanh nghiệp này có nhiều tiềm năng hơn trong việc cung cấp giải pháp phần mềm cũng như các dịch vụ máy chủ và điện toán đám mây. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng khi nhu cầu về chuyển đổi số tại các thị trường chính như Nhật Bản và Mỹ vẫn đang liên tục gia tăng.