Giá lợn hơi tại nhiều tỉnh, thành phố đang ở dưới giá thành

Giá lợn hơi tại nhiều tỉnh, thành phố đang ở dưới giá thành

Ngành chăn nuôi gắng sức cầm cự

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá lợn hơi giảm mạnh đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành chăn nuôi năm nay, thậm chí gây thua lỗ kéo dài, nhưng kỳ vọng năm tới sẽ khởi sắc trở lại.

Áp lực kép từ giá giảm và dịch bệnh

Các doanh nghiệp ngành chăn nuôi lợn như Tập đoàn Dabaco (DBC), Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), Masan Meat Life (MML), Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đều đang chịu nhiều áp lực từ chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán sụt giảm.

Kể từ đầu quý III/2023, giá lợn hơi giảm từ trên 60.000 đồng/kg xuống 52.000 đồng/kg và giảm 18,7% so với mức 64.000 đồng/kg của cùng kỳ. Gần đây, giá lợn hơi tiếp tục đi xuống, còn 48.000 - 50.000 đồng/kg, thậm chí tại một số tỉnh, thành phố như Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Ninh Thuận chỉ ở mức 47.000 đồng/kg.

Công ty Chứng khoán DSC phân tích, giá thịt lợn hơi giảm mạnh do tình trạng thịt lợn nhập lậu từ Thái Lan và Campuchia có giá rẻ. Bên cạnh đó, diễn biến dịch tả lợn phức tạp khiến một lượng lớn lợn “chạy dịch” bị đẩy ra thị trường, làm gia tăng nguồn cung. Trong khi đó, kinh tế khó khăn nên người dân cắt giảm chi tiêu, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm, nhất là ở các khu vực có dịch. Giá thức ăn chăn nuôi tuy hạ nhiệt, nhưng vẫn chưa đủ để doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi lợn có lãi, bởi giá thấp, chi phí thức ăn và chi phí phòng dịch cao.

Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cuối năm 2023 và đầu năm 2024 được dự báo sẽ tăng, khởi đầu cho tình hình kinh doanh khởi sắc trở lại của các doanh nghiệp chăn nuôi.

Hiện tại, tình hình chung chưa có tín hiệu khả quan, khi lợn nhập lậu giá rẻ tiếp tục được đưa ra thị trường. Giá lợn hơi Trung Quốc đang ở mức 49.000 đồng/kg, xấp xỉ giá lợn tại Việt Nam, nhưng Thái Lan hiện dư thừa nguồn cung nên giá chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.

Do giá thịt lợn hơi sụt giảm, trong khi chi phí chăn nuôi vẫn ở mức cao, nên quý III vừa qua, nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi lợn ghi nhận lợi nhuận lao dốc, thậm chí thua lỗ.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco cho biết, doanh nghiệp đạt 2.709 tỷ đồng doanh thu và gần 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2023, lần lượt giảm 24% và 94% so với cùng kỳ.

Theo ông So, ngành chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi kinh tế trong và ngoài nước vẫn khó khăn; giá một số nguyên liệu chính nhập khẩu dùng cho thức ăn chăn nuôi luôn biến động; tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm ở Việt Nam đã kéo dài nhiều năm, do đặc thù có chung biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, trải dài và rộng; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hiện diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

Ngoài các yếu tố trên, trong quý III/2023, Dabaco không còn ghi nhận lợi nhuận từ mảng bất động sản như cùng kỳ, nên lợi nhuận càng giảm mạnh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Dabaco ghi nhận doanh thu 8.496 tỷ đồng, giảm 9% và lợi nhuận sau thuế 18,5 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ.

Năm nay, Dabaco đặt kế hoạch đạt doanh thu 24.562 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 569 tỷ đồng. Với kết quả 9 tháng, Công ty mới hoàn thành 34,5% mục tiêu doanh thu và 3% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tương tự, doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý III/2023 của Nông nghiệp BAF Việt Nam là 1.219 tỷ đồng và 40 tỷ đồng, giảm 36% và 75% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu 3.625 tỷ đồng, giảm 26% và lợi nhuận sau thuế 53 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ. Với kết quả này, kế hoạch cả năm mới thực hiện được 52% chỉ tiêu doanh thu và 17,7% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong khi đó, mảng kinh doanh thịt lợn của Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai kéo dài chuỗi thua lỗ sang quý thứ 10 liên tiếp, khi quý III/2023 lỗ 198 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm nay lỗ 446 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HNG đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 7/9/2020, do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/6/2020 là con số âm.

Kỳ vọng hồi phục từ quý I/2024

Tình trạng sức mua thấp cùng với lợn nhập lậu nhập được dự báo sẽ tiếp diễn, có thể khiến giá lợn trong nước duy trì ở mức thấp cho đến thời điểm gần Tết Nguyên đán 2024.

DSC kỳ vọng, giá thịt lợn sẽ hồi phục kể từ quý I/2024, nhờ lạm phát hạ nhiệt và nhu cầu nhiều khả năng được cải thiện mạnh mẽ trong dịp Tết. Theo đó, kết quả kinh doanh năm 2024 của doanh nghiệp ngành chăn nuôi sẽ khởi sắc.

DSC ước tính, năm 2024, Dabaco có thể ghi nhận doanh thu 13.099 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 155 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 269% so với con số ước tính đạt được năm 2023.

Với Nông nghiệp BAF Việt Nam, doanh nghiệp này có lợi thế khi sở hữu chuỗi giá trị khép kín 3F, tự chủ từ con giống, trang trại, thức ăn chăn nuôi, cho đến chế biến và tiêu thụ. Chuỗi giá trị gồm có 3 nhà máy cám, 12 trang trại lợn thịt và 10 trang trại lợn giống, cùng với 60 cửa hàng Siba Food. Doanh nghiệp hướng tới mô hình kinh doanh tinh gọn và hiệu quả, từng bước cắt giảm mảng nông sản có biên lợi nhuận thấp để tập trung nguồn lực cho mảng chăn nuôi có biên lợi nhuận cao hơn. Do đó, năm 2024, Nông nghiệp BAF Việt Nam được dự báo sẽ đạt doanh thu 7.446 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 292 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 198% so với con số ước tính đạt được năm 2023.

Tháng 10/2023, lượng thịt lợn nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam là 14.400 tấn (chủ yếu từ Brazil và Nga), tăng 20,6% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng đầu năm là 95.400 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ và bằng khoảng 2,1% sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước.

Tin bài liên quan