Biến động nhân sự chủ chốt diễn ra ở nhiều công ty bảo hiểm thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.

Biến động nhân sự chủ chốt diễn ra ở nhiều công ty bảo hiểm thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.

Ngành bảo hiểm tấp nập đón nhân sự mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh những chiến lược phát triển đầy tham vọng trong giai đoạn mới, các công ty bảo hiểm thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cũng có sự thay đổi nhân sự cấp cao.

Nhiệm kỳ mới của những tân chủ tịch, CEO...

Ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2022, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) công bố Tổng giám đốc (CEO) mới.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hương Giang - Phó tổng giám đốc được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/3/2022, thay thế ông Đào Nam Hải, người đã 9 năm giữ cương vị này cũng như có 26 năm gắn bó với PJICO ở nhiều vị trí quản lý khác để nhận nhiệm vụ mới - Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Đảm nhiệm vai trò điều hành PJICO thay người tiền nhiệm, bà Giang cũng là CEO nữ đầu tiên của hãng bảo hiểm đang giữ thị phần thứ 6 trên thị trường này (theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 2021) .

Giới phân tích nhìn nhận, đây là nhiệm kỳ khá nhiều thách thức đối với bà Giang khi PJICO cũng như nhiều hãng bảo hiểm khác vừa trải qua giai đoạn giảm tốc do dịch bệnh kéo dài và năm qua, PJICO cũng để mất thị phần thứ 5 về doanh thu phí…

Phát biểu tại lễ nhậm chức tân CEO, ông Trần Ngọc Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị PJICO kỳ vọng bà Giang với trọng trách mới tiếp tục phát huy năng lực quản lý, bản lĩnh kinh nghiệm nhiều năm công tác, dẫn dắt PJICO vượt qua khó khăn của đại dịch cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 - làm tiền đề đưa PJICO phát triển ổn định, bền vững.

Được biết, năm 2022, PJICO đề ra mục tiêu đạt tổng doanh thu 4.308 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc là 3.678 tỷ đồng (không bao gồm doanh thu bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 và bảo hiểm sức khỏe người vay qua các tổ chức tín dụng), tăng 10% so với thực hiện năm 2021; lợi nhuận trước thuế tối thiểu 250 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức 12% bằng tiền.

Một nhà bảo hiểm lớn khác cũng có nhiều thay đổi về nhân sự chủ chốt sau khi cổ đông lớn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn là Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện Việt Nam (PTI, mã PTI).

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 diễn ra giữa tháng 3 vừa qua, PTI đã thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể, các ông Nguyễn Minh Đức, ông Bùi Xuân Thu và ông Đỗ Ngọc Quỳnh - đại diện cho cổ đông lớn Công ty Chứng khoán VNDirect - đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị và VNDirect đã đề cử một số nhân sự mới cho vị trí này.

Hiện tại, ông Bùi Xuân Thu vẫn giữ chức vụ Tổng giám đốc và bà Phạm Minh Hương giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI. Trước đó, vào cuối tháng 2/2022, ông Nguyễn Minh Đức đã gửi thư từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị tại PTI căn cứ theo quyết định của VNPost về việc thôi ủy quyền người đại diện vốn tại công ty bảo hiểm này.

Hội đồng quản trị PTI hiện có thêm 3 thành viên đến từ VNDrirect, bên cạnh 2 thành viên đại diện cho phần vốn của DB Insurance đến từ Hàn Quốc, bao gồm cả ông Kim Kang Wook - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.

Nhóm VNDirect hiện nắm hơn 42% vốn PTI, cao hơn DB Insurance, nhưng chưa đạt tỷ lệ có quyền phủ quyết (51%). Được biết, ngoài làm Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI, bà Phạm Minh Hương còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị VNDirect và là Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn IPA. VNDirect đang là một trong những công ty chứng khoán chiếm thị phần môi giới lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, còn Tập đoàn IPA được biết đến với việc sở hữu một số dự án năng lượng cũng như bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam.

... và những thay đổi bất ngờ

Với những thay đổi lớn về cơ cấu nhân sự chủ chốt, chiến lược phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm tốp đầu được nhìn nhận sẽ có những đột phá trong thời gian tới, đặc biệt hệ sinh thái bảo hiểm có thể được mở rộng hơn với những mối quan hệ và kinh nghiệm của cổ đông chiến lược mới.

Với những thay đổi lớn về cơ cấu nhân sự chủ chốt, chiến lược phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm tốp đầu được nhìn nhận sẽ có những đột phá trong thời gian tới.

Đơn cử, tại PTI, ngay sau khi có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới, chiến lược kinh doanh của hãng bảo hiểm này đã được hé lộ với kế hoạch doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022 dự kiến tăng khoảng 7% so với năm 2021 với con số dự kiến 6.350 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo PTI, trước mắt, trọng tâm kế hoạch phát triển kinh doanh năm 2022 là tiếp tục đầu tư vào công nghệ thông tin, ra mắt thêm các sản phẩm mới, tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các công ty Fintech (công nghệ tài chính, Insurtech (công nghệ bảo hiểm)…

Đáng chú ý, trong năm 2022, Hội đồng quản trị PTI đề xuất trình Đại hội đồng cổ đông phương án không chia cổ tức để thực hiện kế hoạch tăng vốn. Nếu được thông qua, đây là năm thứ hai liên tiếp trong hơn 10 năm qua PTI không chia cổ tức cho cổ đông.

Trước đó, năm 2021, các cổ đông PTI đã thông qua phương án chia cổ tức 10%, nhưng tại tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, kế hoạch này đã thay đổi.

Với Tổng công ty Bảo Minh (mã BMI), do kế hoạch thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn phụ thuộc vào việc mở room ngoại để tối đa hóa lợi ích bán vốn nên nhân sự chủ chốt vẫn ổn định. Theo đó, trong ngắn hạn, kế hoạch kinh doanh của hãng bảo hiểm này chưa có nhiều đột biến với mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2022 khoảng 10%.

Tuy nhiên, trong chiến lược dài hơi hơn đến năm 2025, Bảo Minh có tham vọng không chỉ giữ vững vị trí thứ 4 về thị phần, mà còn lên vị trí cao hơn, qua đó tiếp tục khẳng định là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tài chính, bảo hiểm.

Được biết, trong giai đoạn 2016-2017, Bảo Minh đứng thứ 3 trên thị trường, sau Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm PVI, nhưng bị tụt hàng trong giai đoạn 2018-2019. Từ năm 2020, Bảo Minh dần lấy lại thị phần với mức tăng trưởng 4% so với năm 2019. Theo thống kê năm 2021, tốp 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường về doanh thu là Bảo hiểm Bảo Việt (hơn 15%), Bảo hiểm PVI (hơn 14%), PTI (hơn 10%), Bảo Minh (gần 8%) và Bảo hiểm Quân đội (gần 7%, mã MIC).

Năm 2021, dù vẫn duy trì vị trí thứ 4 về thị phần doanh thu phí với mức tăng trưởng cả năm là 6,36%, nhưng để lấy lại ngôi vị thứ 3 là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với Bảo Minh, bởi ngoài khoảng cách thị phần khá xa hiện tại, bản thân PTI - hãng bảo hiểm đang giữ vị trí thứ 3 hiện tại, cũng được đánh giá sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022 với những cổ đông chiến lược mới.

Tin bài liên quan